
Mảnh Vụn Văn Học Sử – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
A. VÀO HÈ
Ai xui con cuốc gọi vào hè,
Cái nóng nung người nóng nóng ghê !
Ngõ trước vườn sau um những cỏ,
Vàng phai thắm nhạt ngán cho huê !
Đầu cành kiếm bạn oanh xào xạc,
Trong tối đua bay đóm lập lòe.
Mong được nồm « Nam » cơn gió thổi,
Đàn ta, ta gẩy khúc « Nam » nghe.
NGUYỄN KHUYẾN
(Chép theo NGUYỄN TƯỜNG PHƯỢNG)
B. DỆT VẢI
Thấy dân rét mướt nghĩ mà thương,
Vậy phải lên ngôi gỡ mối giường,
Tay ngọc lần đưa thoi nhật nguyệt,
Gót vàng giậm đạp máy âm dương.
LÊ THÁNH-TÔN
(Chép theo Văn Đàn Bảo Giám cuốn ba,1968)
C. ĐÀN BÀ DỆT GẤM
Thấy dân đói rách nghĩ mà thương,
Ngồi ở trên khung sửa mối giường.
Tay ngọc nhặt đưa thoi nhật nguyệt,
Gót son lần đạp máy âm dương.
Xuân hoa tơ liễu duyên vòng kết,
Duyên hiệp rồng mây chỉ vấn vương.
Dâng gấm sân chầu đành có thủa,
Sánh nhường Tô Huệ bực văn chương.
LÊ THÁNH TÔN
(Trong Văn Đàn Bảo Giám chép lại theo QUÁCH TẤN)
D. MẸ MỐC
So danh giá ai bằng Mẹ Mốc !
Ngoài hình hài, gấm vóc cũng thêm ra.
Tấm hồng nhan đem bôi lấm xóa nhòa :
Làm thế để cho qua mắt tục.
Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc,
Tâm trung thường thủ tự kiên kim.
Nhớ chồng con muôn dặm xa tìm,
Giữ son sắt êm đềm một tiết.
Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết.
Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ.
Đắp tai ngảnh mặt làm ngơ (lơ),
Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây.
Khôn em dễ bán dại này.
NGUYỄN KHUYẾN
(Chép theo NGUYỄN TƯỜNG PHƯỢNG. Bản sao của ông PHẠM VĂN SƠN trong « Bút Hoa » số 20, tháng tám 1965 cũng giống với bài này).
VỊNH THỊ MỐC
(Ông LÊ TRÀNG KIỀU cho biết lúc còn chủ trương Vị-giang văn khố ở Nam-Định 1932-1933, ông có nhận được của người cháu cụ N.K một thi tập chép tay của cụ N.K trong đó có bài sau đây)
So thanh tiết ai bằng Mẹ Mốc.
Ngoài hình hài dẫu gấm vóc cũng thèm ra.
Mảnh hồng nhan đem than lấm xóa nhòa,
Làm bệ đặc che qua mắt tục.
Thơ rằng :
Ngoại mạo bất cầu vi mỹ ngọc !
Trung tâm tằng tụ thị kiên kim
Từ chồng xa muôn dặm khôn tìm
Phận tòng nhất đành in cho vẹn tiết
Sạch như nước, trắng như ngà, mà trong như tuyết
Dẫu Tây Tầu mộ miệc, chút không nhơ ;
Bưng tai ngoảnh mặt làm ngơ,
Rằng khôn cũng mặc, rằng khờ cũng thây ;
Khôn kia dể bán dại này !
(Bút hoa, số 22, tháng mười 1965)
Đ. HƯƠNG SƠN PHONG CẢNH
Thú thiên nhiên đâu bằng Hương-tích,
Đủ màu thanh cảnh lịch trăm chiều.
Người thì vui sô, lạp, ngư, tiều,
Kẻ thời thích yên, hà, phong, nguyệt.
Kho vô tận những thế nào chưa biết
Thú hữu tình sơn thủy, thực là vui.
Khi đăng lâm có lối lên trời,
Mây dưới gót đủ xanh, đen, vàng, đỏ, trắng.
Lúc vào động ngắm sơn quynh thạch động,
Bút thần ngoan khôn vẽ cho cùng
Riêng một bầu sắc sắc không không.
Đủ mọi vẻ kỳ kỳ quái quái.
Động chủ hữu linh thần bút tại,
Hóa nhi vô ý tự nhiên công.
Khách trèo non ngoảnh lại mà trông,
Lòng mến cảnh rời chân đi hóa đứng
Chén Vân-dịch nghiêng bầu uống gắng,
Bức thơ tiên mở túi liền đề.
Giải oan ra, tẩy tục lại thêm Mê,
Thiên trù tới, vong ky càng thấy khỏe.
Lòng thi tửu còn đâu hơn đấy nhỉ,
Chẳng Bồng-lai Nhược-thủy cũng thần tiên,
Rõ ràng « Đệ nhất Nam-thiên »
Mang đi lại sợ quần tiên mất lòng.
Thôi thời để đấy chơi chung.
DƯƠNG KHUÊ
(Chép theo ĐỖ BẰNG ĐOÀN và ĐỖ TRỌNG HUỀ,
« Việt-nam ca trù biên khảo », 1962)
E. TUYỆT MỆNH
(ĐIẾU PHAN THANH GIẢN)
Non nước tan tành hệ bởi đâu ?
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao-châu.
Ba triều công cán vài hàng sớ,
Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu.
Trạm bắc ngày chiều tin điệp vắng,
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu.
Minh sanh chín chữ lòng son tạc,
Trời đất từ đây mặc gió thu.
NGUYỄN-ĐÌNH CHIỂU
(PHAN VĂN HÙM chép theo lời ông NGUYỄN ĐÌNH CHIÊM con cụ ĐỒ CHIỂU, trong cuốn « Nỗi lòng Đồ Chiểu », TRỰC THẦN sao lại trong « Tri Tân » số 89, 1-4-1943).
G. SỐNG
Sống dại sinh chi đứng chật trời
Sống xem Âu Mỹ hổ không ai ?
Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để chúng cười
Sống tưởng công danh không tưởng nước
Sống lo phú quí chẳng lo đời
Sống mà trâu ngựa đừng nên sống
Sống dại sinh chi đứng chật trời.
NGHIÊU-GIANG ĐẶNG VĂN BÁ
H. CHẾT
Chết mà vì Nước chết vì Dân
Chết ấy làm trai hết nợ nần
Chết bởi Đông Chu hồi Thất quốc
Chết vì Tây Hán lúc Tam phân
Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh
Chết tựa Trưng Vương phách hóa thần
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết
Chết mà vì Nước chết vì dân.
NGHIÊU GIANG ĐẶNG VĂN BÁ
(PHI BẰNG, « Thi Văn các nhà chí sĩ Việt-nam » (Huế : Tân Thanh x.b., 1939) tr.123. Hai bài « Sống », « Chết » trên đây do LƯƠNG TRỌNG MINH sao lục in lại trong Nguyệt san « Tân Văn », số 12, tháng tư 1969).
I. KHÓC BẰNG PHI
Ớ Thị Bằng ơi ! đã mất rồi !
Ớ tình, ớ nghĩa, ớ duyên ôi !
Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói
Sớm ngõ trưa sân, liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại, để dành hơi.
Mối tình muốn dứt, càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.
DỰC-TÔNG
(Bài này chép theo NGUYỄN TƯỜNG PHƯỢNG và TGK, « Việt-văn diễn giảng – Hậu bán thế kỉ XIX ». Trong « Thi văn bình chú », cuốn I, 1942, tr.105, dưới bài « Khóc nàng Bằng » NGÔ TẤT TỐ có viết : « Bài này nhiều người bảo là của vua Tự-đức. Nhưng các vị cố lão thì nói là của ông Nguyễn gia Thiều khóc nàng Bằng-Cơ, một người vợ lẽ của ông ». Ông PHAN VĂN DẬT quả quyết có bằng chứng đích xác rằng bài « Khóc thị Bằng » không phải của vua Dực-tông » và đề nghị : « Và từ đây, ta cũng nên để cái đề là « Khóc thị Bằng » chứ đừng để là « Khóc Bằng phi » nữa vì không có một lý do gì cho phép ta làm như thế ». (Sáng tạo, số 23 tháng tám 1958).
K. BÁN THAN
Một gánh kiền khôn quẩy tếch ngàn
Hỏi chi bán đó dạ rằng than
Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt
Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn
Ở với lửa hương cho vẹn kiếp
Thử xem sắt đá có bền gan
Nghĩ mình lem luốc toan nghề khác
Nhưng sợ trời kia lắm kẻ hàn.
TRẦN KHÁNH DƯ
(Bài này chép theo « Văn Đàn bảo giám » cuốn I, bản in năm 1968. Sách này không cho biết rõ tác giả là ai, sống vào thời nào.)
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.