Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Trong cuốn “tiểu thuyết” viết tặng các sơn binh Pháp và Ý ngã gục trên dãy núi Alpes vào tháng Sáu buồn thảm dạo nào của năm 1940 này, tất cả đều đúng sự thật: thời gian, con người, sự kiện, cảm xúc, không gian. Các nhân vật là những quân sĩ thám phòng, những khinh bộ binh của các tiểu đoàn Edolo, Morbegno, Tirana, Verona, họ mang tên thật, mặt thật. Nhiều người Ý trong số đó về sau ngã gục ở miền núi Hy Lạp hay trên các cánh đồng cỏ hoang vu ở Nga. Chỉ có bọn họ, bọn người chết đó, bọn người chết đáng thương của Pháp và Ý, mới đem lại cho cuốn “tiểu thuyết” này cái giọng thức tỉnh, cái âm sắc tuyệt vọng, cái tiếng nói buồn bã quạnh quẽ. Chỉ có bọn họ mới cho cuộc chiến mê muội kia cái ý nghĩa bi đát trong tính vô ích của nó. Nếu những người chết ấy có được một công ích gì, thì cuộc chiến mê muội kia đã xoay chiều ra sao? (Với bao tàn ác vô ích, giết chóc vô ích và đổ nát vô ích, cuộc chiến tranh đó hiện nguyên hình một công trình pháp lý hung tàn phanh phơi sự góp mặt cần thiết, sự dự phần tiếp tay không thể thiếu của Thượng đế.) Lũ người chết vô ích: chỉ có thể biện giải theo cách đó thôi. Từ nay ta cần phải nói, không phải nể nang người sống làm gì, rằng chẳng có một cái gì ở châu Âu xứng đáng để ta phải chết. Cũng chẳng đáng phải chết để chứng tỏ rằng chết là vô ích, rằng cái chết chẳng dùng vào việc gì, chẳng cứu giải được gì, rằng thắng trận có lẽ còn vô đạo đức hơn bại trận; mà cũng chẳng cần chết mới chứng tỏ rằng đứa chết xứng đáng hơn đứa sống. (Vâng, nghiễm nhiên sự thắng trận là một điều nhục nhã. Ở châu Âu, còn gì cho chúng ta đâu, ngoại trừ niềm an ủi đến với chúng ta từ đạo Ki tô.)

Tóm lại một trận giặc chẳng có phong điệu mã thượng, chẳng hoa mỹ, chẳng khoa trương. Tóm lại, than ôi, một trận chiến chẳng chút vinh quang. Một trận giặc có Hector tuẫn tiết dưới chân Achille, Achille hy sinh thân mình cho mấy ngọn cờ treo trên hàng bao lơn, trong khi đám đông bên cửa sổ nhổ nước bọt đầy mình Achille mà hò reo: đồ hèn nhát. Một trận giặc vô vọng, dưới Mặt trời lãnh đạm, trơ ra, đui mù trước bao nỗi thống khổ của con người. Xin mặt trời soi sáng hành động con người: ta không thể đòi hỏi điều gì khác hơn. (Mặt trời, trong “tiểu thuyết” này, giống như Mặt trời theo người xưa, có khi là Thần Mộc vương, có khi là thần Apollon, hay là Thần Chết, Thần Chết rỡ ràng sinh ra sự sống; Mặt trời cùng một ý nghĩa như Caïa trong pho thần học thô sơ nào đó của thời Trung cổ, trong một số nghi thức tế lễ bình dân nào đó của Tây Ban Nha, cái ý nghĩa của kẻ Tội phạm lạnh lùng, của tên Sát nhân hung ác lừng danh, gieo rắc diệt vong, giống như Apollon trong thần thoại Thèbes.) Ta không thể đòi hỏi Mặt trời khổ lụy theo ta, động lòng vì những nỗi khổ của ta. Ta không thể đòi hỏi Mặt trời từ tâm, công chính, xót thương. Mặt trời mù. Cuối cùng chúng ta cũng thế, có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử tối cổ, chúng ta nay không được tiếp cứu, không thoái thác, không biện bạch, dưới con mắt mù lòa của Định mệnh, dưới con mắt nhìn chằm chặp vào chúng ta mà nào thấy chúng ta, nó sáng rực, vô cảm, ở ngoài và ở trong chúng ta, đâm bổ xuống đầu, đâm bổ vào tận cùng ý thức chúng ta. Và, kêu gọi đấng Ki tô đối phó với con mắt trắng dã mù lòa kia làm gì vô ích, con mắt không mày không mi, im sững giữa khung trời hoang vắng của ý thức.

Trong “tiểu thuyết” này đặt ra một bi kịch ngoại lệ cho dân tộc Ý: cái dân tộc cảm thấy có lẽ là lần đầu tiên trong suốt trọn bước diễn tiến của lịch sử tối cổ của chúng ta, rằng họ bị đặt ra ngoài cái ý thức luân lưu của thế giới, cái dân tộc chỉ còn có nước căn cứ vào ý thức bản thân mà thôi, không còn căn cứ vào ý thức thế giới; phải trở thành vị quan tòa cho chính mình, và tìm lấy trong bản thân một cách thức mới, mang tính gỡ tội hơn, để làm một kẻ có đạo; lại còn cũng phải thanh toán một số vấn đề với ý thức chủ thể nữa. Vì chưa bao giờ như trong trận chiến cuối cùng, đặc biệt vào tháng Sáu 1940, trong chuỗi ngày vô cùng buồn thảm của cuộc xung chiến vì bội bạc, trận xung chiến đê hèn, mê muội, độc ác, đánh lại nước Pháp đã thua trận và tủi nhục, chưa bao giờ dân tộc Ý ý thức sâu xa và hào hùng cái hạn độ lỗi lầm và sự vô tội của mình đến như thế, chưa bao giờ họ nhục nhã như thế, nhục nhã cho mình, cho thân phận làm đối tượng chứ không phải làm chủ thể, nhục nhã cho lịch sử mình, cho sự quy hàng đau đớn trước lịch sử của mình như thể quy hàng một sự kiện xa lạ với ý thức nó.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x