Miền Lưu Dấu Văn Nhân – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
CẦM GIANG
Với mối tình ẩn khuất và miền thơ tây bắc
Nhắc đến Cầm Giang người ta nhớ ngay những bản dịch thơ tiếng Thái nổi tiếng thuở nào. Nhiều độc giả và không ít nhà văn nhà thơ mặc tưởng Cầm Giang sinh và lớn lên ở Tây Bắc. Phải là con đẻ của Tây Bắc mới làm thơ và dịch thơ về Tây Bắc ám ảnh đến thế.
Và tôi, nếu không có cuộc gặp ngẫu nhiên với người quen cũ của nhà thơ buổi chiều cuối thu Sài Gòn thì trong ký ức giáo khoa thư cũng đã yên bụi phai mờ về ông.
Cụ bà cán bộ ngân hàng hồi hưu, ngoại bảy mươi, quá vãng xuân sắc vẫn nguyên nét sự sang trọng, kiêu hãnh ở nụ cười ghìm giữ, ở mái tóc bạc suông mềm, ánh nhìn lắng trầm và cử chỉ khoan thai sắp có vẻ chậm. Căn phòng trên tầng mười một cửa mở hướng Tây – Bắc, gió lay dãy chậu cảnh, tung lá rèm lách cách khua những vòng treo.
Biết tôi là nhà văn ở Bắc, sau nửa ly vang lạnh, hồi ức những câu chuyện xưa của người đàn bà đa đoan bỗng nhắc địa danh Thái Nguyên đặc sản trà Tân Cương… giai điệu dân ca bản địa sli, lượn và nhà máy thép với âm sắc bỗng dịu dàng. Nụ cười phiêu du, bàn tay xếp chéo nhau trên bàn, bà nhìn vào màu rượu tím, hay là ánh xạ của pha lê. Một câu hỏi thẳng, như là lời tự sự:
– Ngoài Bắc, cháu nghe mấy ai còn nhắc đến Cầm Giang nữa không?
Ngỡ ngàng, tôi không chuẩn bị để nghe một cụ bà đài các từng là cán bộ quản lý tiền vàng nhắc về Cầm Giang. Chưa kịp giao lễ thì bà đã nối tiếp qua nụ cười rưng rưng:
– Mấy mươi năm trước, tôi là trại viên trại sáng tác văn học nghệ thuật quân khu Việt Bắc mà Cầm Giang làm trại trưởng. Người thơ đã tặng tôi một quyển sổ bìa giả da màu nâu và chiếc bút máy kim tinh… Anh ấy làm y tá của nhà máy thép, đôi lần tôi cảm cúm đều len lén đưa thuốc chữa bảo tôi uống… Mấy bài thơ tôi làm, tự anh ấy chép lại ngay ngắn, chân phương…
Thì ra làm nhà thơ, đôi khi được người đời nhớ đến vì tấm lòng nhân hậu chứ không phải những vần thơ đã viết. Và với câu chuyện của bà cụ, tôi cũng nhớ một Cầm Giang đã gặp vào những năm 80…
Tư gia nhà thơ Bùi Đăng Sinh, lúc đó ngụ ở làng Thổ Tang, Vĩnh Tường, một làng cổ nơi đỉnh tam giác đồng bằng Bắc bộ đã sinh ra Nguyễn Thái Học, là nơi ghi dấu cuộc gặp của tôi với Cầm Giang. Trước đó, tiềm thức tôi vẫn xác quyết Cầm Giang là người gốc Tây Bắc. Ông đang ở làng bản nào Tây Bắc, ngẩn ngơ ngắm trinh nữ Thái tắm nơi suối vắng rừng hoang mà làm thơ.
Hễ hình dung miền thơ Tây Bắc thì lại thấy miền hoa ban trắng hoa ban hồng và nhớ ngay một giọng thơ Cầm Giang trong trẻo, hồn nhiên chân thật đến nao lòng: Tôi nhớ vợ tôi lắm, xin anh về hai ngày. Tôi càng bắn trúng Tây, vì tay có hơi vợ…
Cầm Giang tài hoa, đôn hậu bao nhiêu thì cũng lận đận bấy nhiêu. Dường như để bù lại những lao lực, trầm thăng, cuộc đời dành cho nhà thơ nhiều hơn người khác một chút, đó là tình yêu. Với tình yêu Cầm Giang có được hương vị ngọt đằm nhất của nó và cũng không kém đắng cay.
Duyên phận bốn người đàn bà đa đoan với nhà thơ đã từng được nhà văn Hoàng Quảng Uyên nói kỹ trong cuốn sách “Ẩn số Cầm Giang” nên tôi không tiếp lạm bàn.
Người đàn bà thứ năm, bên cạnh bà Nguyễn Thị Kiên, người vợ thứ hai ở thôn Khách Nhi xã Vĩnh Thịnh, Yên Lạc, Vĩnh Phúc, luôn là hai hình ảnh song trùng, mờ chồng, đan xen trong miền thơ Tây Bắc của Cầm Giang. Một thiếu nữ người Thái, đã từng được giới chức Phìa, Tạo tuyển chọn từ bé đào tạo bài bản múa xòe bản phục vụ chúng và quan thầy thực dân Pháp.
Lương Cầm Giang nhập ngũ từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa năm 1948, trong đoàn binh Tây Tiến vượt biên giới sang Lào rồi vòng về giải phóng Tây Bắc. Và người đẹp Cầm Bạch Thiêm xuất hiện trước mắt ông như bông hoa rừng đẹp quý phái nhưng lại ở trong vòng cương tỏa của bao nhiêu nghi kỵ…
Nhà thơ Bùi Đăng Sinh lúc ấy là giáo viên giỏi dạy Văn cấp III. Các nhà thơ kiêm thầy đồ ngày đó không dạy thêm dạy kèm như bây giờ. Các thầy làm thêm nghề lộn cổ áo sơ mi hay bán nước chè nước vối đầu đường góc phố, nuôi lợn trên ban công, nuôi gà đẻ trong buồng.
Nhà thơ kiêm thầy giáo còn có nghề cuốn thuốc lá cối, giao buôn. Một công việc có vẻ mang tính chất sản xuất hàng hóa. Tôi không hút thuốc lá nhưng mỗi lần qua lại Thổ Tang thường ghé Bùi Đăng Sinh. Hoặc nghe ông đọc thơ hoặc uống nước chè tươi ăn ngô luộc hoặc nữa là sẽ có một bịch thuốc lá cuốn. Bùi Đăng Sinh lấm lét nhìn quanh không thấy bóng vợ mới nhét vội thuốc vào chiếc túi vải bạt tôi đeo bên sườn gửi mấy người bạn thơ trên Việt Trì.
Một lần, trong lúc Bùi Đăng Sinh đang vờ xếp những bịch thuốc cuốn một trăm điếu vào thùng giấy, nhờ tôi canh chừng bà vợ để tìm cách bớt xén sản phẩm thì có người động cửa. Tôi giật mình. Bùi Đăng Sinh thì không, thậm chí còn thở phào, nói nhỏ: “Quân ta cả đấy mà.”
Người đàn ông chừng ngoại năm mươi, ngăm đen, cao lớn, nét tròn tròn hiền hậu nhưng tinh anh. Quần áo ka-ki vàng đất. Bên vai áo, một miếng vá trái màu. Mũ lá cũ được gia công khâu lại chắc chắn như một mái lá gồi có thể chịu đựng mọi cơn mưa nắng. Đôi dép rọ màu nâu nhiều ánh tím, kiểu sĩ quan quân đội, hàn vá bằng đủ thứ nhựa khắc màu. Chiếc xe đạp tồng tộc, nơi ghi-đông ngoắc lồng chiếc túi vải bạt vàng vào hai quai bọc vải giả da, góc đáy túi loang một quầng mực thấm như thứ nấm đen, thò lên mấy xấp tài liệu bọc bìa xanh loăn quăn mép rách. Hai ngón tay kẹp điếu thuốc cuốn ám khói như móng giò thui. Thần khí người đó toát lên một sắc vàng nghệ non.
Nhà Bùi Đăng Sinh ngay mặt phố. Người đàn ông dựng xe tỳ tường nhà, dưới bệ cửa sổ lớn bày tủ kính bán hàng. Một nửa bánh xe thập thò vào giữa cửa chính để tiện trông chừng.
Sách liên quan
Hoàng Hậu Vô Đức – Đọc sách online ebook pdf
Tửu Tiểu Thất
Câu Lạc Bộ Dumas – Đọc sách online ebook pdf
Arturo Pérez-Reverte
Người Ru Ngủ – Đọc sách online ebook pdf
Donato Carrisi
Hồng Nhan Loạn – Đọc sách online ebook pdf
Đóa Đóa Vũ
Hoa Hồng Ký Ức – Đọc sách online ebook pdf
Lâm Địch Nhi