Mô Thức Mới Cho Thị Trường Tài Chính – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Bối cảnh
Chúng ta có thể chính thức coi tháng Tám năm 2007 là điểm bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại. Đó là khi các ngân hàng trung ương phải can thiệp để cấp thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Theo trình tự như BBC đã tường thuật: [1]
Ngày 6 tháng Tám, American Home Mortgage, một trong những công ty cho vay thế chấp địa ốc độc lập lớn nhất Hoa Kỳ, đã ra tòa tuyên bố phá sản sau khi đuổi việc phần lớn nhân viên. Công ty nói rằng họ là nạn nhân của tình trạng trì trệ trên thị trường nhà ở Hoa Kỳ giống như nhiều người cho vay và đi vay nợ nhà dưới chuẩn khác.
Ngày 9 tháng Tám, các thị trường tín dụng ngắn hạn đóng băng sau khi một ngân hàng lớn của Pháp là BNP Paribas phong tỏa ba quỹ đầu tư trị giá 2 tỉ euro của nó, với lý do là có những rắc rối trong khu vực cho vay thế chấp địa ốc dưới chuẩn Hoa Kỳ. BNP nói rằng họ không thể tính được giá trị tài sản của các quỹ này nữa vì thị trường của chúng đã biến mất. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bơm 95 tỉ euro vào hệ thống ngân hàng khu vực sử dụng đồng euro để giảm bớt căng thẳng trong việc cạn kiệt tín dụng gây ra bởi các khoản vay dưới chuẩn. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng có những bước đi tương tự.
Ngày 10 tháng Tám, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã cấp thêm 62 tỉ euro cho các ngân hàng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nói họ sẽ cung cấp đủ tín dụng qua đêm cần thiết để đối phó với tình trạng cạn tín dụng.
Ngày 13 tháng Tám, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bơm 47,7 tỉ euro vào thị trường tiền tệ, là lần thứ ba bơm tiền trong vòng chừng đó ngày làm việc. Các ngân hàng trung ương của Mỹ và Nhật cũng bơm tiền lên cao vượt mức trước đó. Goldman Sachs nói sẽ bơm 3 tỉ USD vào một quỹ phòng hộ đã bị đánh gục bởi tình trạng cạn tín dụng để vực lại giá trị của quỹ này.
Ngày 17 tháng Tám, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt tỉ suất chiết khấu (lãi suất mà cơ quan này cho các ngân hàng vay) một nửa điểm phần trăm để giúp các ngân hàng đối phó với những khó khăn về tín dụng. (Nhưng việc này chẳng giúp được gì. Hậu quả là các ngân hàng trung ương của các nước phát triển cuối cùng thì đã bơm tiền trên diện rộng trong một thời gian dài, và chấp thuận nhận thế chấp là chứng khoán nhiều hơn bất kỳ khi nào trong lịch sử.)
Ngày 13 tháng Tám, có thông tin tiết lộ rằng Northern Rock (ngân hàng cho vay thế chấp địa ốc lớn nhất Anh quốc) đang bên bờ vực mất khả năng chi trả (và thông tin này đã gây ra một vụ chạy đua rút tiền kiểu cổ điển từ ngân hàng này – sự việc xảy ra lần đầu tiên trong cả trăm năm qua ở Anh quốc).Khủng hoảng đến từ từ, nhưng người ta đã có thể trông đợi nó từ nhiều năm trước. Nó có nguồn gốc từ cú vỡ bong bóng Internet vào cuối năm 2000. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đối phó với việc đó bằng cách cắt giảm lãi suất quỹ liên bang từ 6,5% xuống 3,5% chỉ trong vòng vài tháng. Tiếp sau đó là vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Để chống lại sự đổ vỡ của nền kinh tế, Fed tiếp tục hạ lãi suất – xuống hẳn tới mức 1% vào tháng 7 năm 2003, là mức lãi suất thấp nhất trong vòng nửa thế kỷ qua, và lãi suất đứng ở mức đó trong một năm tròn. Suốt ba mươi mốt tháng liên tục, lãi suất ngắn hạn cơ bản được điều chỉnh cho lạm phát đã bị âm.
Tiền vay rẻ đã sinh ra bong bóng địa ốc, bùng nổ những vụ mua hội đồng các công ty, cùng nhiều thứ quá đà khác. Khi có thể dùng tiền miễn phí, người cho vay dựa trên lý trí sẽ cứ cho vay đến khi nào không còn ai để cho vay. Những người cho vay địa ốc nới lỏng các tiêu chuẩn và sáng chế ra nhiều phương cách mới để kích thích kinh doanh và tăng thu phí. Các ngân hàng đầu tư phố Wall nghĩ ra đủ loại kỹ xảo mới để đẩy rủi ro tín dụng sang cho các nhà đầu tư khác, như các quỹ lương hưu và quỹ tương hỗ đang khát mức lãi cao. Họ cũng tạo ra các công cụ đầu tư kết cấu (Structured Investment Vehicles) để cho giữ các khoản đầu tư ở ngoài bảng cân đối tài sản.
Từ năm 2000 đến giữa năm 2005, giá trị thị trường của những căn nhà có sẵn đã tăng hơn 50 phần trăm, và người ta điên cuồng đi xây dựng mới. Merrill Lynch đã ước tính rằng khoảng một nửa tăng trưởng GDP của Mỹ vào nửa đầu năm 2005 là dính líu đến nhà cửa, hoặc trực tiếp thông qua việc xây nhà và mua sắm liên quan đến nhà như sắm đồ đạc mới, hoặc gián tiếp thông qua việc tiêu tiền có được từ việc đảo nợ nhà sang mức lời thấp hơn. Martin Feldstein, cựu chủ tịch của Hội đồng Cố vấn Kinh tế, ước tính rằng từ năm 1997 tới năm 2006, người tiêu dùng đã rút ra hơn 9 ngàn tỉ đô-la từ giá trị chủ sở hữu của họ trong nhà mua thế chấp. [2] Một nghiên cứu do Alan Greenspan chỉ đạo vào năm 2005 đã ước tính rằng trong suốt những năm 2000, tiền rút ra từ giá trị trong nhà mua thế chấp đã tài trợ cho 3% tất cả tiêu dùng cá nhân. Vào quý đầu năm 2006, tiền rút ra từ giá trị trong nhà thế chấp đã đóng góp gần 10% cho thu nhập khả dụng của cá nhân. [3]
Sách liên quan
Hồ Sơ Số 113 – Đọc sách online ebook pdf
Émile Gaboriau
Hang Dã Thú – Đọc sách online ebook pdf
Jeffery Deaver
Sài Gòn Năm Xưa – Đọc sách online ebook pdf
Vương Hồng Sển