Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Một Giọt Nắng Nhạt của tác giả Nguyễn Khải mời bạn thưởng thức.

Cho đến bây giờ, tôi đã là một ông già, con cái gọi mình là ông già tức thị cũng là một thứ ông già rồi còn gì, nghĩ lại mấy tháng cuối năm 45 và gần hết một năm 46 vẫn còn ớn rợn. Sống gì mà nhục thế, mà khổ thế, mà kỳ cục thế. Con chẳng ra con, đày tớ chẳng ra đày tớ, bỏ đi không được, cứ nhẫn nhục mà sống, trơ tráo mà sống, là người thừa của gia đình, nói cũng thừa, cười cũng thừa, ra ra vào vào lại càng thừa. Thôi, cái chuyện buồn ấy để nói lui lại một chút, trước hết tôi xin thuật lại với bạn đọc trẻ tuổi hôm nay cái đận đi lên chiến khu của đám trẻ con chúng tôi ngày ấy, cách đây đã trên bốn chục năm.

Là có đi chiến khu thật, ngồi trên ba cái xe tay, thùng xe giống như xe xích lô đạp bây giờ, nhưng có cặp càng dài ở phía trước, người kéo tì tay lên càng xe mà chạy bước một, gọi là xe tay. Mỗi người đều mang theo hành lý của mình, chăn màn quần áo và cả sách để đọc những lúc rảnh rỗi. Người cầm đầu là một anh bạn cùng phố hơn tôi hai tuổi, anh mười bảy, đứa ít tuổi nhất là mười bốn. Xe chạy qua cầu sông Cái, qua phố Gia Lâm đi ngược lên phía sông Đuống. Đã đi được nửa buổi mà chưa thấy núi, chưa thấy rừng, nhìn ra xa vẫn chỉ là đồng ruộng và làng mạc.

Vậy thì chiến khu ở đâu nhỉ? Đường đi không biết, địa điểm không biết, cứ ngỡ qua sông được một đoạn là rừng rồi, và sẽ gặp ngay các anh Giải Phóng quân đang luyện tập, sẽ có ngựa nghẽo, có cả súng lớn súng nhỏ, có doanh trại san sát và cờ đỏ sao vàng bay đỏ trời. Bàn tính với nhau một hồi, bí quá, chẳng thằng nào biết được gì hơn, mà đã bắt đầu nhớ Hà Nội rồi, cả nhớ nhà nữa, lại cho quay xe trở về, lại qua cầu, về được đến Bến Nứa trời vừa tối. Mẹ tôi hỏi: “Người ta không nhận mày à?” Tôi đáp: “Họ bảo chúng con còn ít tuổi quá”.

Mẹ tôi nói: “Tao đã bảo có sai đâu, thôi ở nhà, tìm việc quanh quẩn trong Hà Nội mà làm. Lại được gần mẹ, gần em”. Cái chí viễn du coi như không thành, đành làm người chiến sĩ của đường phố vậy, tối tối về ăn cơm nhà, vẫn đám bạn bè cũ, vẫn những thói quen cũ, cũng là hay.

Khoảng nửa tháng sau, bố tôi lại lên Hà Nội, là do có việc phải về Hà Nội, chứ chẳng phải chỉ thăm có mẹ con tôi. Bố mẹ tôi ngồi trò chuyện ở phòng ngoài rất lâu, rồi nghe mẹ tôi thút thít khóc, hình như bố tôi nói gắt câu gì đó lập tức tiếng khóc nín bặt. Chỉ nghe có bố nói, nói thì thào lúc to lúc nhỏ những gì gì, chứ không nghe mẹ trả lời. Rồi ông gọi tôi ra, trỏ vào cái ghế, bảo: “Ngồi xuống kia!”

Tôi xin kể lại một chút về ông bố của tôi. Từ lúc tôi biết tới năm 15 tuổi, chưa lần nào tôi được nhìn thật rõ gương mặt của người đã đẻ ra mình. Cứ thấp tha thấp thoáng, hư hư thực thực. Bố tôi ngồi ở huyện Thư Trì, thì mẹ con tôi ở Nam Định. Ông đổi về Kim Thành thì chúng tôi ở Hải Phòng. Ông về Kim Động thì chúng tôi lại trở về Hà Nội.

Năm cách mạng, ông ở huyện Mỹ Lộc thuộc Nam Định. Nam Định là quê nội, có nhà thờ họ ở phố hàng Nâu. Tuy ông ở Mỹ Lộc nhưng mấy mẹ con tôi vẫn ở lại Hà Nội vì Mỹ Lộc kề gần thành phố quá. Bà cả ở huyện, bà hai ở thành phố, cách nhau có dăm ba cây sợ rằng sẽ có chuyện xô xát giữa hai bên. Ông tới thăm chúng tôi lúc thì mặc bộ đồ ta, khăn xếp, áo sa, và đi giày. Nếu là mặc theo lối ta, ông có đeo thêm cái bài ngà, nhưng bỏ bên trong vạt áo. Vợ chồng trò chuyện hàn huyên như thế nào anh em tôi không được rõ, chỉ khi ông gọi tôi mới dám ra.

Tôi ngồi khép nép vào một góc, cách xa ông, càng xa càng tốt, lưng thẳng, đầu thẳng nhưng mắt vẫn nhìn xuống, đầu óc lù mù vì sợ hãi, vì ngượng ngịu. Tiếng ông hỏi như bay lướt trên chỏm tóc: “Học hành thế nào?” – “Thưa cậu, trung bình ạ.”- “Sao lại trung bình, không có môn nào giỏi à?”. Mẹ tôi nói đỡ: “Môn văn nó giỏi, ông thầy dạy nói thể”. Ông dặn: “Học cho chăm, đừng có mải chơi, hiểu chưa?”- “Thưa, hiểu ạ”. Tôi chưa thấy ông ăn bao giờ, cũng chưa thấy ông ngủ bao giờ. Hiện ra rồi biến mất, như ông thánh ông thần chứ không phải là bố của mình nữa.

Mắt ông ra sao nhỉ? Miệng ông ra sao nhỉ? Hàm răng có đều không? có trắng không ? Không thể biết, có dám nhìn thẳng bao giờ mà biết. Cho tới hôm nay tôi vẫn tự hỏi: “Bố tôi có thương anh em tôi không? Ông có ân hận vì đã đẻ ra chúng tôi không?”. Khi tôi phải về sống với bố và bà mẹ già ở phố hàng Nâu, có một buổi chiều bố tôi ra tận cửa đón một ông khách cực kỳ sang trọng, một quan thầy gì đó cũng phải về vườn như bố tôi. Ông khách đi xe tay tới, nhưng là xe của nhà, khăn xếp, áo đoạn và đội cái nón dứa. Ông nói tiếng miền Trung, cũng gọi bố tôi là quan lớn.

Trò chuyện được một lúc, ông khách hỏi: “Quan lớn được mấy người con?”. Bố tôi thưa: “Bẩm cụ lớn, chúng con được bảy cháu, hai trai và năm gái”. Tức là không có hai anh em tôi trong bảy người con được kể. Cuối năm 45, tôi phải từ giã mẹ và em, từ giã Hà Nội đã bắt đầu có cái căng thẳng của nhiều sự rối ren về chính trị để về một thành phố rất yên tĩnh là Nam Định, sống với cái gia đình chính thức nhưng xa lạ và đầy bất trắc.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x