Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

LẦN ĐẦU GẶP GỠ Ở HẬU VIÊN

Nam tử nhị thập nhi quan, hữu vi nhân phụ chi đoan. Nữ tử thập ngũ hử giá, hữu quát nhân chi đạo; vu thử nhi vãng, tắc tự hôn hỷ. Đây là một định luật tự cổ chí kim, ngàn đời không đổi.

Là nước giàu có nhất vùng Vọng Xuyên, Nam Vu thịnh hành tảo hôn. Bất luận là nam hay nữ, chưa đến tuổi thích hợp để kết hôn, họ đã sớm định đoạt hôn ước. Đợi tới khi nam tử trưởng thành, nữ tử cập kê, liền tổ chức hôn sự, cứ như thể sợ không lấy được vợ, không gả được chồng sẽ bị người đời cười chê vậy. Kiếm một nương tử đẹp tựa hoa cũng được, gả cho một lang quân như ý cũng xong. Nhà nào có điều kiện thì còn được chọn đông chọn tây, điều kiện không tốt, đành ngồi trơ ra đấy đợi người ta đến chọn thôi. Nam tử đơn giản hơn, chỉ cần ngũ quan cân đối, tứ chi đầy đủ, cho dù đã qua tuổi kết hôn, cuối cùng vẫn có thể lấy được vợ. Nữ tử lại khác, một khi qua tuổi xuất giá, liền thành dưa chuột mùa thu, không còn ai thèm nhòm ngó nữa.

Theo Khổng Tử: Nam tử hai mươi tuổi làm lễ Gia Quan (lễ trưởng thành) xong có thể làm cha được. Nữ tử mười lăm hiểu đạo lý, có thể gả đi. Từ đó về sau, có thể kết hôn.

Thanh Thu cảm thấy mình thật oan uổng, mỗi lần nghĩ tới việc gả chồng lại khó chịu tới mức không thể diễn tả bằng lời.

Là quản gia thiện phòng của phủ Hiền Bình quận vương, hằng ngày ngoài việc lo ba bữa ăn cho mọi người trong phủ ra, thời gian còn lại nàng rất nhàn rỗi. Nhưng nàng không vui nổi, ai bảo nàng là một cô nương già ế chồng chứ? Những lời bàn ra tán vào, chê cười thì cũng có thể cho qua, nhưng năm nàng mới vào vương phủ, từng có một lão quản gia ở tiền viện muốn lấy nàng về làm thiếp. Nhiều lần cầu thân nàng trước mặt mọi người khiến Thanh Thu không nhẫn nhịn được hơn nữa, cầm cả cái nồi đập vào đầu lão già không có mắt kia khiến ông ta ngất xỉu, từ đó nàng mới được yên thân.

Theo lý thì cho dù tất cả nữ tử trong thành Việt Đô này không lấy được chồng, thì cũng không nên có nàng trong số đó. Từ nhỏ nàng đã là một tiểu tiểu giai nhân trong mắt mọi người, khuôn mặt tròn như trăng rằm giống hệt những hài nhi trong bức tranh Tết. Lớn thêm một chút, mặt mũi như được tạc, ai cũng nói cô bé này khi trưởng thành nhất định sẽ có dung mạo khuynh quốc khuynh thành. Vì vậy còn chưa tới tuổi cập kê, nàng đã đính hôn với nam nhân nhà họ Cao – phú thương giàu có nổi tiếng trong thành Việt Đô.

Nhưng đó chỉ là lúc nhỏ thôi, lớn lên chưa chắc nàng đã thành giai nhân. Con gái nhà người ta mười tám tuổi sẽ thay đổi, càng lớn càng xinh đẹp, Thanh Thu hoàn toàn ngược lại, nhưng không phải trở nên xấu xí. Nếu đem gương ra ngắm rồi tự đánh giá, nàng cũng được coi là dung mạo không tầm thường, chỉ có điều không còn xuất chúng như thời thơ ấu mà thôi. May mà nàng đã đính hôn từ nhỏ, chỉ đợi sau khi làm lễ cập kê sẽ thành thân với vị hôn phu, rồi ba năm sinh hai đứa, thành thiếu phu nhân. Ai ngờ Nam – Bắc hai nước giao tranh xảy ra chiến sự, hoàng đế hạ chiếu yêu cầu các nam tử trong độ tuổi trưởng thành phải tòng quân. Vị hôn phu của nàng là con cháu nhà giàu, bỏ ra ít bạc thì mấy chuyện tòng quân vất vả ấy sẽ không tới lượt chàng, nhưng tiểu tử nhà họ Cao kia tại sao nhất định đòi ra chiến trường chứ? Lẽ nào là vì chê nàng không còn xinh đẹp như trước, sợ khi nàng tới tuổi cập kê phải cưới nàng về làm vợ?

Khi danh sách tướng sĩ tử trận được chuyển về Việt Đô đã là cuối thu, Thanh Thu vừa tròn mười lăm tuổi, cũng là lúc nàng nhận được tin báo tử của người đó. Cao gia mất đứa con trai độc nhất, tâm nguội ý lạnh nên chẳng buồn quan tâm tới nàng, lặng lẽ rời khỏi Việt Đô, nghe nói về quê sống. Đúng khi ấy người cha là chỗ dựa cuối cùng của Thanh Thu lâm trọng bệnh qua đời, nàng buồn bã đau khổ để tang ba năm, thế là qua tuổi đẹp nhất để xuất giá.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x