
Mùa lũ – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Trước tiên tôi không bàn về sáng tác, mà bàn về việc đọc. Sáng tác của nhà văn thường được quyết định bởi việc đọc của độc giả.
Vậy thì “việc đọc của thiếu nhi” là gì? Liệu có thể định nghĩa thế này không: Trẻ em đọc dưới sự hướng dẫn thậm chí là giám sát của chuyên gia, thầy cô và phụ huynh. Bởi vì, thiếu niên và nhi đồng đang hình thành khả năng nhận thức và cảm nhận về cái đẹp, chính vì thế nhận thức và cảm nhận cái đẹp của chúng còn non nớt, thậm chí là không đáng tin cậy.
Chúng ta không nên quên một điều là: Chúng ta là những người làm về giáo dục, còn thiếu nhi là đối tượng được giáo dục. Trên một số phương diện, bao gồm cả việc đọc, chúng ta phải có trách nhiệm thẩm định, chăm sóc, quản thúc, hướng dẫn và uốn nắn. Điều này không chỉ là thực tế mà còn là thước đo đạo đức.
Khi làm ra vẻ là thần hộ mệnh và người phát ngôn, mà không hề màng đến việc tôn trọng một vài lựa chọn bao gồm cả việc đọc của trẻ, liệu chúng ta có từng hoài nghi tính chuẩn xác trong hành vi của mình không? Khả năng nhận thức và cảm nhận cái đẹp của con người chín dần trong quá trình giáo dục lâu dài sau này, không phải chuyện một sớm một chiều. Chỉ vì thiếu nhi thích, nên tác phẩm đó là hay hay xuất sắc, quan hệ logic này có đứng vững được không?
Làm thế nào xác định một số cuốn sách là hay, là xuất sắc, có lẽ phải thành lập một bồi thẩm đoàn. Mà thành viên bồi thẩm đoàn này chắc chắn không thể chỉ có trẻ em, buộc phải có cả chuyên gia, những người làm công tác giáo dục, phụ huynh, v.v. Chỉ có phán quyết của bồi thẩm đoàn này mới đáng tin cậy.
Niềm vui từ việc đọc sách, thậm chí coi đọc sách là một cách tiêu khiển là hợp lý trong thời đại mà xu hướng hưởng thụ đang thịnh hành. Đối với những độc giả bình thường, thì không cần thiết phải yêu cầu họ bỏ những cuốn sách nông cạn xuống để tiếp cận những cuốn sách sâu sắc và hại não. Bởi vì trong thế giới này không cần có nhiều người quá sâu sắc. Với một số người, chỉ cần không đọc những cuốn sách độc hại cũng đủ rồi.
Chúng ta đang phải đối mặt với một thời đại đọc sách hời hợt, đây là thực tế không thể thay đổi. Tuy nhiên, một xã hội, quốc gia, dân tộc có chiều sâu, chắc chắn sẽ có những người sẵn sàng vứt bỏ những cuốn sách nông cạn đi để đọc những cuốn khá sâu sắc. Cũng chính vì sự tồn tại của lớp độc giả như vậy, mới khiến cho việc đọc của một xã hội, một quốc gia, một dân tộc duy trì ở trình độ khá cao.
Con trẻ đang ở thời kỳ vun đắp hứng thú đọc sách, vì thế, dưới tiền đề đảm bảo cho chúng thu hoạch được niềm vui qua việc đọc sách, lại tồn tại vấn đề làm sao vun đắp hứng thú đọc tao nhã của chúng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến trình độ đọc của một xã hội, quốc gia và dân tộc trong tương lai. Nếu chúng ta không dẫn dắt việc đọc cho trẻ, thì chúng ta không thể hy vọng có văn hóa đọc chất lượng cao trong tương lai.
Trong một lần đi diễn thuyết, tôi đã từng đặt câu hỏi: độc giả của văn học thiếu nhi là ai? Thoạt nghe thì khá hoang đường, độc giả của văn học thiếu nhi đương nhiên là thiếu nhi rồi. Song, trước khi thiếu nhi trở thành độc giả, chúng vẫn chỉ là trẻ con. Vậy chúng trở thành độc giả như thế nào? Tác phẩm như thế nào biến chúng trở thành độc giả? Đáp án cho câu hỏi này không hề đơn giản. Thời cổ đại không hề có văn học thiếu nhi, nhưng trẻ con vẫn phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Tào Tuyết Cần, tác giả bộ tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng”, chưa từng đọc Andersen, nhưng ông vẫn phát triển toàn diện và lành mạnh cả về nhân cách và tâm lý.
Thời Lỗ Tấn, đã có văn học thiếu nhi, thậm chí ông còn dịch văn học thiếu nhi, quan hệ giữa ông và nhà văn khiếm thị người Nga Eroshenko còn là giai thoại trong lịch sử văn học. Thời thơ ấu, Lỗ Tấn chỉ làm bạn với đồng dao. Nhưng sự thiếu hụt này không hề ảnh hưởng ông trở thành vĩ nhân. Nhưng nói gì thì nói, sau này đã có một loại hình văn học mang tên “văn học thiếu nhi”, hầu hết trẻ em đều trở thành độc giả của nó. Bất luận thế nào, đây vẫn là một trang quan trọng trong lịch sử văn minh nhân loại.
Vấn đề ở đây là: Trẻ em trở thành độc giả của văn học thiếu nhi, là kết quả của sự vun đắp và nhào nặn hay chỉ là vì cuối cùng thế giới này cũng cho ra đời một loại hình văn học phù hợp với bản tính trời sinh của chúng? Sau khi thừa nhận trẻ con có bản tính của trẻ con, chúng còn chưa phát triển hết chiều cao, một số nhà văn viết cho thiếu nhi đã đề xuất khái niệm “ngồi xổm sáng tác”. Thế nhưng thái độ của đa số nhà văn viết cho thiếu nhi được công nhận lại không đồng thuận với quan điểm này. E.B White nói: “Bất cứ ai ngồi xổm sáng tác cho thiếu nhi cũng đều lãng phí thời gian…”, trẻ em thậm chí lại thích ngước nhìn khuôn mặt của người lớn cao to hơn mình.
Kinh nghiệm mách bảo chúng ta: Trẻ con có bản tính trời sinh của trẻ con. Nhưng kinh nghiệm đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta: một trong những bản tính trời sinh đó có thể vun đắp và nhào nặn. Không còn nghi ngờ gì nữa, cần phải có dòng “văn học thiếu nhi” có thể vun đắp hứng thú tao nhã và phẩm chất cao quý của trẻ.
Đọc những thứ có chiều sâu có thể mang lại niềm vui cho con người, niềm vui đó không chỉ là sự thích thú trong chốc lát tác phẩm mang lại cho người đọc, mà còn ở quá trình đào sâu suy nghĩ. Về mặt chất lượng, đọc qua loa hời hợt chỉ mang lại cho độc giả một niềm vui, đọc có chiều sâu mang lại cho người đọc hai niềm vui, mà hai niềm vui này chắc chắn đều vượt xa sự thích thú trong chốc lát khi độc giả đọc qua loa.
Sách cũng có thứ bậc. Mặc dù đều là sách, nhưng trên thực tế lại khác nhau một trời một vực. Đối với trẻ đang trưởng thành, trừ những đầu sách độc hại không thể đọc ra, cho dù đều là sách có ích thì cũng chia làm hai loại: một loại dùng để khích lệ tinh thần, một loại đọc sau khi đã khích lệ được tinh thần. Nó lọt vào tầm ngắm của trẻ theo thứ tự trước sau, cũng giống như sơn cửa vậy, phải quét sơn lót trước, rồi mới quét sơn phủ. Những cuốn sách hướng thiện, hướng tới cái đẹp, mở mang tri thức là để khích lệ tinh thần con trẻ, chức năng của nó là giúp trẻ xác định quan điểm về sự tồn tại và giá trị bản thân một cách cơ bản, hợp lý và lành mạnh, cũng như tình cảm và hứng thú tao nhã.
Sách cũng có huyết thống, đây là quan điểm nhất quán của tôi. Có loại sách mang huyết thống cao quý, có loại huyết thống không được cao quý cho lắm. Tôi nói vậy không có ý mập mờ rằng: chúng ta chỉ cần đọc những cuốn sách huyết thống cao quý, mà bài xích gạt ra lề những cuốn sách không có huyết thống cao quý. Ý tôi muốn nói là: Chúng ta không thể ép con cái chúng ta chỉ chăm chăm đọc những cuốn sách “theo bản năng”, mà không có cơ hội tiếp cận những cuốn sách mang huyết thống cao quý. Những áng văn mang huyết thống cao quý là những áng văn ở tầm cao nhất, nó liên quan đến nhân cách và phong cách của một con người thì tự khắc cũng sẽ liên quan đến nhân cách và phong cách của một dân tộc—nếu một người hay một dân tộc muốn trở thành một người hay một dân tộc tao nhã mà lại không bén duyên với những áng văn như vậy thì đó là việc không thể.
Nếu một tác phẩm văn học thiếu nhi hay một nhà văn sáng tác cho thiếu nhi chỉ thuộc về tuổi thơ của độc giả, còn độc giả sau khi trưởng thành lại quên sạch nó, thì những tác phẩm và tác giả như vậy đương nhiên không phải là hạng nhất. Một tác phẩm văn học thiếu nhi đỉnh cao, một nhà văn viết cho thiếu nhi xuất chúng thì phải đi theo độc giả cả đời.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.