
Mười Câu Chuyện Văn Chương – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Cách đây non nửa thế kỉ, giữa một niên khoá, ba tôi xin cho tôi vào vào lớp năm (lớp Dự bị: Cours préparatoire) trường tiểu học Pháp Việt Yên Phụ (Hà Nội). Mấy buổi đầu tôi còn bỡ ngỡ thì một hôm thầy học chúng tôi hỏi một anh bạn tôi:
– Pourquoi étiez vous absent hier?
Anh bạn đó đáp:
– Parce que je suis malade.
Thầy chúng tôi cau mày la:
– Non, vous n’êtes plus malade.
Tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì cả, mà các bạn tôi cũng vậy. Cả lớp tái mặt, im phăng phắc. Đau thì đáp “Je suis malade”, đúng như vậy mà sao thầy còn rầy? Hay thầy ngờ anh ấy không đau mà nói dối. Thầy chúng tôi phải giảng mấy phút chúng tôi mới hiểu rằng phải dùng một “thì” đã qua, “thì imparfait”: Parce que j’étaits malade. Rõ rắc rối! Ai ngờ đâu được chuyện ấy. Việt ngữ làm gì có “thì”.
Buổi đó tôi sợ quá, chỉ lo theo không nổi, về nhà phải đòn chết.
Tôi kể lại chuyện ấy chỉ để cho các bạn trẻ thấy hồi xưa chúng tôi bị nhồi Pháp ngữ ra sao, mới lớp năm đã như vậy thì dĩ nhiên không được luyện Việt ngữ rồi. Việt ngữ là một môn rất phụ.
Ở ba lớp sơ học: đồng ấu, dự bị, và sơ đẳng, mỗi tuần chỉ được ba bốn giờ Việt ngữ mà hồi ấy gọi là “Annamite”: một hai giờ tập đọc (lecture annamite), một giờ ám tả (dictée annamite), một giờ học thuộc lòng (récitation annamite).
Giờ ám tả Pháp ngữ đáng sợ ra sao thì giờ ám tả Việt ngữ “khoẻ” bấy nhiêu. Thầy đọc một bài dăm sáu hàng cho chúng tôi viết, viết xong thì ngồi chơi trong khi thầy đi từng bàn sửa từng tập một, đánh lỗi, cho điểm rồi chúng tôi kêu điểm để thầy ghi vào sổ. Thường thường, dở tệ gì cũng được điểm trên trung bình. Lên lớp trên, bài dài, thầy sửa không kịp mới để chúng tôi đổi tập sửa cho nhau.
Nhưng thầy không hề giảng giải gì cả. Có lẽ chính thầy cũng không hiểu tại sao tru là giết phải viết là tr, chu là khắp phải viết ch, xiên xẹo phải viết x, và siêng phải viết s, vân vân…
Thầy cũng ít khi rầy chúng tôi khi viết sai, không dặn chúng tôi coi chừng những tiếng thường dùng và viết thường lầm… Vì cả thầy lẫn trò đều cho môn chánh tả Việt ngữ là không quan trọng (thi tiểu học không có bài Dictée annamite), ngay Việt ngữ cũng không quan trọng vì nó không được dùng làm chuyển ngữ (các môn Sử, Địa, Khoa học, Toán đều dạy bằng Pháp ngữ). Chương trình như vậy thì ai cũng dạy tắc trách như vậy hết.
Tóm lại, chúng tôi chỉ có giờ ám tả Việt ngữ, chứ không được học chánh tả Việt ngữ, học một cách có hệ thống như học chánh tả Pháp ngữ.
Hình như lên tới lớp nhì nhất, không có giờ ám tả Việt ngữ nữa, điều đó tôi không nhớ rõ, nhưng chắc chắn là lên Cao đẳng tiểu học và Trung học thì mỗi tuần chúng tôi chỉ còn hai giờ Việt ngữ: một giờ giảng văn và một giờ luận. Nửa tháng mới có một bài luận, viết được vài trang, giáo sư chỉ đọc qua ở tại lớp rồi cho điểm, thấy lỗi nào nặng thì gạch bỏ chứ ít khi giảng lỗi ở đâu.
Vì vậy mà có tình trạng ngược đời này: Càng học lên cao, chúng tôi càng dốt chánh tả, càng cho chánh tả Việt ngữ là không quan trọng, tuyệt nhiên không chú ý tới vì có ai đâu mà bắt lỗi, vã lại viết sao thì người ta cũng hiểu được kia mà.
Lên trường Cao đẳng Công chánh, trong chương trình không còn môn Việt ngữ, vì bọn “lục lộ” chúng tôi mà có dùng gì tới tiếng Việt: ở phòng giấy có làm “calcul” (tính) hay làm “rapport lên Ipal” (báo cáo lên Chánh kỉ sư: ingénieur principal) thì dùng tiếng Pháp; mà ra công trường, có sai bảo nhân viên thì dùng một thứ tiếng “Pháp Việt đề huề”, chẳng hạn “ngày mai đi lơ-vê (lever: đo đất), nhớ mang theo cái “tắc kê” (tachéomètre, một loại máy nhắm) và bốn bó “gia-lông” (jalon: cây tiêu) nhé.”
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.