Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Mười Chín Chân Dung Nhà Văn Cùng Thời của tác giả Vũ Bằng mời bạn thưởng thức.

ĐI SÂU VÀO TÂM SỰ VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Vũ Hoàng Chương và tôi là bạn với nhau từ thuở nhỏ. Cùng sinh trưởng một nơi (làng Phù Ủng, Hưng Yên), cùng học một trường, đến lúc ra đời lại cùng làm nghề văn bút một thời, chúng tôi lúc nào cũng e là nói đến nhau sẽ không được chiết trung.

Vì thế bài này không phải để khen hay chê Vũ Hoàng Chương. Khen thì các nhà văn, nhà báo trong nước và ngoại quốc (trong đó có 2 cuốn UN DEMI SIECLE DE POÉSIE và INTRODUCTION À LA LITÉRATURE VIETNAMIENNE) nói tới rồi, mà chê thì lúc nào nước ta cũng sẵn sàng có những tay ngự sử trẻ tuổi điểm thơ văn của Chương một cách gắt gao, lẫm liệt, không kỳ thị.

Để góp phần vào số báo đặc biệt này, tôi gặp Vũ Hoàng Chương nói chuyện với tư cách bạn lâu ngày mới gặp nhau. Độc giả muốn liệt bài này vào loại gì cũng được, nhưng nếu cho là phỏng vấn thì tôi thiết nghĩ đây là một bài phỏng vấn tâm tình (interview sentimentale) chớ không phải là một bài phỏng vấn quảng cáo (interview publicitaire).

Tôi vừa ngồi xuống ghế thì Chương ngạc nhiên nheo mắt lại:

Chương. – Ồ, sao mà anh khác hẳn đi! Trước “đàng ấy” mặt tròn, sao bây giờ lại dài?

Tôi. – Chúng ta ai chẳng thay đổi. Ngày tháng, bịnh tật chiến tranh… bao nhiêu thứ tàn phá và làm mòn mỏi chúng ta.

Chương. – Chết, thế tôi cũng thay đổi rồi ư? Ờ phải đấy nhỉ, ngót sáu mươi rồi… Năm nay tôi năm mươi nhăm, thế mà mình quên đi mất cứ tưởng là còn trẻ. Thôi chẳng nói đến già, với trẻ làm gì. Có khá không?

Tôi. – Anh cứ nhìn anh, xem có thấy khá không thì biết tôi ra thế nào. Chúng ta cùng thuộc một giai cấp: anh là con nhà giầu ở Bến Thóc Nam Định, nhà rộng ngót 800 thước vuông, gạo chất như núi, lên học trường Albert Sarraut Hà Nội, tưởng cả đời ăn không hết của. Vì chiến tranh, chạy ra bưng hết sạch, đến lúc về Hà Nội, lần thứ nhất trong đời anh phải nghĩ đến chuyên làm ăn sinh sống. Tôi tự phụ hiểu nỗi buồn của anh hơn ai hết. Nhưng tôi hỏi thực trong thâm tâm anh có lúc nào buồn không?

Chương. – Có chứ. Buồn vô cùng về cái chiến tranh này. Nếu không thì đâu cái thân mình phải ra thế này: lo từ cái rất nhỏ lo đi, tính từ cái rất ti tiểu mà tính lại. Bây giờ mỗi ngày phải dậy học ba tiếng đồng hồ để sinh sống. Nói thế thôi, chớ sinh sống cái nỡm gì?

Tôi. – Nhà thơ vẫn dậy toán phải không?

Chương. – Tản cư ở Bắc Việt một năm, hết tiền tôi bắt đầu dậy toán ở Thái Bình trong khi Đinh Hùng dậy quốc văn và Pháp văn. Năm 1949, Mao Trạch Đông thành công ở lục địa. Bảo Đại và Bollaert ký một hiệp định ở Vịnh Hạ Long, theo đó thì Pháp chịu trả độc lập cho nước Việt Nam. Thay vì trở về quê hương bản quán ở Nam Định, tôi lên Hà Nội. Nhà cửa ở Nam Định bị tàn phá, tôi phải tiếp tục dậy học – và vẫn dậy toán lý hóa – một thời gian rồi dậy Quốc văn cho trường Văn Lang của anh Ngô Duy Cầu. Hiện giờ, tôi chỉ còn dậy 16 giờ một tuần, buổi chiều tôi nghỉ. Tiền thù lao chẳng đi đến đâu hết, so với lúc trước tôi dậy 48 giờ mỗi tuần, nhưng mình cũng chẳng có cách gì làm khác được, vì mỗi tuổi mỗi yếu, dậy cả sáng cả chiều không có cách gì chịu nổi.

Lúc nãy anh có nói “ở bưng về lần thứ nhất trong đời tôi phải nghĩ đến chuyên làm ăn”. Thực ra, không đúng. Trước khi tản cư, tôi có làm phụ tá kiểm soát viên tập sự (contrôleur adjoint à l’essai) cho công ty xe lửa Đông Dương. Theo lệ thì sau hai năm, người phụ tá được làm kiểm soát viên chính thức; nhưng được tin đậu chính thức rồi, tôi xin thôi việc.

Tôi. – Vì cớ gì?

Chương. – Tại vì tôi nhận làm contrôleur-adjoint để có dịp đi “giang hồ vặt”. Tôi không muốn làm một nhân viên chính thức. Những cuộc xê dịch trong hai năm tập sự này ảnh hưởng rất nhiều đến nhãn quan và tâm tình tôi. Nhiều bài thơ “say” như Phương xa, Con tầu say… được tạo nên trong lúc này.

Tôi sống hoàn toàn theo ý thích của tôi vì lúc đó tôi không phải lo nghĩ gì về tiền nong. Ông thân tôi làm tri huyện nghèo, nhưng mẹ tôi buôn thóc gạo lúc nào cũng có đồng ra đồng vào nên mình chỉ ngao du ngày tháng, viết văn, làm thơ và hưởng lạc. Năm 1941, ông thân tôi mất. Năm 1946, Việt Pháp đánh nhau, bà thân tôi, tôi và vợ tôi vào Nam. Và cũng từ đấy tôi phải trực tiếp lo cho sự sống của gia đình, thêm một con trai nhỏ là Vũ Hoàng Tuân (tôi đặt tên ấy vì tôi nhớ Nguyễn Tuân). Sao mà lại không buồn, hở anh? Mình đâu có phải là thứ người lý tưởng trong thơ “If” của Dudyard Kipling “nếu anh trông thấy cơ nghiệp tan tành, nếu anh thấy lâu đài mộng đẹp đổ vỡ…” cho nên mình không thể phớt tỉnh được, mình cứ phải băn khoăn. Băn khoăn cho số kiếp mình rút lại chẳng làm tròn gì hết: không tròn bổn phận làm con, làm bố, làm chồng, làm dân, mà ngay đến cái nghiệp của mình theo là nghiệp văn bút cũng không ra gì.

Tôi. – Tính ra thì anh theo đuổi nghiệp thơ văn được bao nhiêu lâu rồi?

Chương. – Từ lúc mười sáu tuổi, lúc tôi còn đi học ở trường Saint Pierre. Bài thơ đầu tiên của tôi đăng trên tờ Ngọ Báo của Bùi Xuân Học mang tên Dòng suối.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x