
Mười Chín Sinh Viên Việt Nam Bị Trục Xuất – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
II. Phong-trào du-học
Phong-trào sang Pháp đã có lâu rồi, có từ 1922, do số vốn của tư-bản Pháp đem sang sau trận giặc đầu-tiên của thế-giới. Số vốn ấy, một số người bổ xứ được hưởng.
Họ, thương-gia, thầu-khoán, v.v… Họ bắt đầu giàu. Trong xứ, các ngành tiểu-công phát-đạt. Đông-Dương lại là xứ sản-xuất lúa gạo được ngoại-quốc mua nhiều. Lúa có giá, nhà nông lớn, nhỏ được tiền bạc dồi-dào. Tiền quan sụt giá rất nhiều đối với đồng bạc (một đồng bạc đổi được 25 quan).
Phong-trào du-học rất sôi-nổi, nhất là ở Nam-Bộ. Tiên-khởi con chủ điền, kế đến con của quan lại cao-cấp.
Cũng nhờ sau giặc, tàu bè từ Pháp sang Viễn-Đông mỗi tuần mỗi có. Con đường trước kia xa tít-mù, lúc bây giờ coi gần-gũi. Thư-từ qua lại mau chóng. Một trăm bạc Đông-Dương gởi qua Pháp, học-sanh xài mỗi tháng dư-dả lắm rồi. Tới năm 1924 thì học-sanh Việt-Nam ở Pháp khá đông. Họ ở rải rác các tỉnh như Marseille, Montpellier, Aix, Toulouse, Bordeaux, và một số rất đông trú-ngụ tại kinh-đô nước Pháp.
Năm ấy họ cũng đã có tổ-chức hội-hè để giúp lẫn nhau. Có một ban ở Marseille xuống mỗi chuyến tàu bên nầy qua để rước người đồng-hương mới tới lên bờ và chỉ bảo đường đi nước bước cho họ.
Đến 1925, phong-trào quốc-gia ầm-ỳ nổi dậy. Ban đầu, nhận cuộc tiếp-rước cụ Bùi-quang-Chiêu và đám tang cụ Phan-châu-Trinh, học-trò các trường trung-học bãi-khóa để hưởng-ứng dân-chúng ở ngoài, nhưng sự thật bên trong cũng phản-đối những cái ngược-đãi trong trường. Các thanh-niên ấy không còn như xưa mà đã có mòi giác-ngộ về sự học. Họ không còn nghĩ đến các vụ làm quan ngất-ngưởng nữa.
Viễn-cảnh cho họ thấy họ phải làm cái gì khác hơn hủ-tục từ trước đến giờ. Song họ chưa giác-ngộ đầy đủ, và phong-trào quốc-gia còn phôi-thai. Những bọn phú-hào bổn-xứ, tuy làm tiền-phong trong giai-đoạn ấy, nhưng không đủ năng-lực làm hơn sự phản-đối sơ-sơ để giành riêng cho họ một địa-vị.
Sau những cuộc bãi-khóa ở các trường trung-học, thanh-niên Việt-Nam sang Pháp rất nhiều.
Nhà đương-cuộc Đông-Dương lúc bấy giờ không khứng cho thanh-niên bãi-khóa giấy phép sang Pháp. Họ nhào xuống tàu làm bồi, phụ bếp, giặt ủi, để đi cho được. Con nhà giàu đi đại qua bên ấy rồi gởi thư về xin tiền cha mẹ. Con nhà nghèo đánh liều đi qua được đến Pháp sẽ hay.
Năm 1926, học-sanh Việt-Nam ở Pháp đông hơn số học-sanh các thuộc-địa khác.
Các học-sanh nghèo sống một cuộc đời vất-vả, đi làm thợ sơn mài, đứng bán các nhà hàng như Samaritaine, họ không chê nghề nào hết.
III. Những hoạt-động chánh-trị đầu-tiên của du-học-sinh
Vào khoảng 1925-1926, dân-chúng Pháp hoạt-động chánh-trị gắt-gao. Họ biểu-tình đòi sanh-sống đầy-đủ, lương-bổng cao. Trên các tờ báo cách-mạng nhiều bài viết nảy lửa. Phía bên Việt-kiều, Nguyễn-thế-Truyền, một học-sinh đã thành-tài, có vợ người Pháp, xuất-bản tờ VIỆT-NAM-HỒN.
Sau lưng Nguyễn-thế-Truyền có một số lao-động Việt-kiều ở các bến tàu và một số học-sinh giác-ngộ.
Đảng VIỆT-NAM ĐỘC-LẬP thành-lập, số học-sinh theo đảng này rất đông. Trong thời-kỳ ấy mà tờ báo VIỆT-NAM-HỒN của Đảng in bằng chữ nhà in. Báo ấy cũng được gởi về Đông-Dương do anh em lao-động làm tàu tận-tâm dấu-đút dưới « canh » tàu.
Ở đây, mỗi lần có ai được một tờ VIỆT-NAM-HỒN thì họ lấy làm quí.
Vì ở đây không thể viết được những câu văn ấy, hay nói một lời xúc-động đến nhà đương-cuộc, nên lén đọc những hàng văn tự-do của đồng-bào ở Pháp viết ra, người ta khoan-khoái trong lòng, bằng uống năm bẩy thang thuốc bổ.
Thời-cuộc nước Pháp rối beng, mỗi ngày đều có thợ-thuyền đình-công, biểu-tình. Học-sinh và lao-động các thuộc-địa khác ở Paris cũng hoạt-động như người Việt-Nam. Mỗi khi mết-ting thì có đại-biểu các xứ thuộc-địa và bảo-hộ lên diễn-đàn để phản-đối chế-độ thực-dân.
Ông Doriot của Đảng Cộng-sản Pháp lúc bấy giờ lo về vấn-đề thuộc-địa và dân-tộc nhược-tiểu có triệu-tập các đại-biểu của các xứ để làm giống như một mặt-trận. Họ có riêng phòng giấy tại trụ-sở của Đảng.
Anh Hoàng-ngọc-Bích làm quản-nhiệm tờ báo VIỆT-NAM-HỒN, bị đưa ra tòa về tội đi phát truyền-đơn phiến-loạn. Tòa kêu án sáu tháng tù. Ở khám, anh Bích được tiền giúp và thư-từ, điện-văn an-ủi của lao-động, học-sanh khắp nước Pháp.
Đồng thời, năm ấy cũng có tại Aix một cuộc đại-hội của học-sanh.
Nguyễn-an-Ninh, sau khóa tù đầu-tiên, được nhà chức-trách Đông-Dương cho giấy phép sang Pháp. Ninh qua bên này có đi từng tỉnh để diễn-thuyết.
Ở được ít lâu, anh về nước với vợ chồng Nguyễn-thế-Truyền.
Nguyễn-thế-Truyền về nước, công-việc để lại cho một vài anh em, song lúc này Đảng Việt-Nam Độc-lập bị chia sẻ. Một số hội-viên của Đảng gia-nhập vào Đảng Cộng-sản Pháp.
Trong số anh em theo Đảng Cộng có anh Nguyễn-văn-Tạo hăng-hái hơn hết, cho nên Đảng cử anh vào Ủy-ban thuộc-địa và cũng có chưn trong ban Trung-ương-chấp-hành của Đảng vào năm 1929.
Đảng Việt-nam Độc-lập qua năm 1926 thì hết hoạt-động, nhường lại cho các anh em Việt-kiều ở Đảng Cộng-sản. Mãi đến năm sau, Tạ-thu-Thâu ở Đông-Dương sang, mới triệu-tập Đại-hội và chỉnh-đốn nội-bộ trở lại.
Song cũng không đặng như trước kia, kế năm 1928, sau khi xảy ra vụ đổ máu tại khu La-tinh, trong tiệm cà-phê Turquetti, thì Đảng nầy bị tòa-án quận Seine ra án giải-tán.
Vụ đổ máu nầy làm chấn-động dư-luận cả châu-thành Paris.
Sở-dĩ xảy ra tại tiệm cà-phê nói trên là hôm ấy một thanh-niên Việt-Nam tên Đỗ-đình-Thạch, quê-quán Bắc-bộ, con của một ông quan nào đó, đứng ra tổ-chức một cuộc hội-họp với một thanh-niên Pháp tên De Sèvre, con của một chủ hầm-mỏ cũng ở Bắc-bộ. Mục-đích để kêu gọi thanh-niên Việt-Nam hợp-tác với nước Pháp đặng làm cho xứ-sở được giàu-mạnh. Sau khi diễn-giả thốt những lời vàng ngọc ấy, thì Dương-bạch-Mai phản-đối, kế đèn trong phòng nhóm tắt hết và có tiếng la lên cầu-cứu.
Lính cảnh-sát ở ngoài tràn vào, đèn cháy lại thì De Sèvre nằm trên vũng máu, nhưng may chưa chết, còn Đỗ-đình-Thạch chạy thoát đâu rồi. Cò bót đến nơi không biết ai mà bắt, bèn bắt Dương-bạch-Mai, bởi vì khi nãy, người ta có nghe anh nầy la lên inh-ỏi.
Cách hai ngày sau, Dương-bạch-Mai được thả ra, vì xét không có tội. Luôn dịp ấy nhà chức-trách đưa Đảng của Tạ-thu-Thâu ra tòa để giải-tán.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.