
Mười Hai Học Thuyết về Bản Tính Con Người – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
ÐẠO CỦA HIỀN NHÂN
Không một nhân vật nào khác có ảnh hưởng trên tử tưởng và văn hóa Trung Hoa hơn là Khổng Tử (551 − 479 TCN). Người phương Tây dân dã ít được biết đến nhân vật quan trọng này, kẻ được coi là “người thầy của vạn thế hệ” (“vạn thế sư biểu”) trong lịch sử Trung Hoa. Ông sinh ra trong gia đình họ Khổng, một gia đình quý tộc nhưng nghèo, thuộc nước Lỗ, nay thuộc tỉnh Sơn Đông, bờ biển phía Đông Trung Quốc.
Chúng ta được nghe nói, ông sớm mồ côi cha và rất ham học. Sau này khi lớn lên, ông đã bỏ nước Lỗ và đi qua nhiều nước khác trong vùng [như Tề, Tống, Vệ], sẵn lòng giúp việc như một tư vấn cho các vua quan phong kiến thời bấy giờ, nhưng ông đã không nhận được một chức vụ nào cho phép ông đưa ra thực hiện những tư tưởng xã hội của ông, và Khổng Tử đã trở về lại nước Lỗ dành cuộc đời còn lại cho công việc dạy học.
Chi tiết về sự thất bại trên đây nên được ghi nhận khi xem xét về một số khía cạnh vấn đề trong giáo huấn của ông. Khổng Tử được sử biên niên Trung Hoa tôn trọng như một người thầy lớn, đức Khổng, phương Tây thường gọi ông là Great Master K’ung.
Theo hiểu biết hiện nay, tập Luận Ngữ là nguồn thư văn được coi là đáng tin cậy nhất về tư tưởng của Khổng Tử. Luận Ngữ là tập hợp những lời dạy của Khổng Tử được các đệ tử sưu tầm gom góp lại sau khi Khổng Tử qua đời. Tranh luận hàn lâm đặt câu hỏi, chỉ một vài phần hay toàn bộ Luận Ngữ được coi là lời dạy đích thực của Khổng Tử.
Có người cho rằng một số chương sách đã được thêm vào sau này. Mặc dầu Khổng học hay Khổng giáo là một truyền thống phát triển lâu dài, trong đó Luận Ngữ là phản ảnh những tư tưởng sớm nhất và trung tâm nhất của Khổng Tử, và những tư tưởng này vẫn tiếp tục xác định truyền thống Khổng học qua nhiều thế kỷ.
Bởi vậy, trong khuôn khổ của một chương giới thiệu nhập môn, (A) tôi sẽ giới hạn công việc tìm hiểu Khổng giáo này vào tập sách Luận Ngữ, xem xét Luận Ngữ trong toàn bộ thư văn của nó và lấy tên Khổng Tử như nguồn tác giả của các lời dạy trong thư văn này. (B) Tiếp theo đó, tôi sẽ trình bày thêm hai phát triển sau này của Khổng giáo thông qua hai tác giả lớn là Mạnh Tử (371 − 289 TCN) và Tuân Tử (298 − 238 TCN) liên quan đến học thuyết về Bản tính con người, chủ đề chính của tập sách này.
Học thuyết về Vũ trụ
Chủ đề chính quan trọng nhất trong Luận Ngữ là vấn đề nhân bản, không phải siêu hình. Điều ấy có nghĩa, điều Khổng Tử quan tâm hàng đầu là vấn đề hạnh phúc của con người và ít hơn về vấn đề bản tính tối hậu của thế giới trong đó chúng ta sống. Khi có lần được hỏi về lễ nghi đối với quỷ thần, Khổng Tử đã trả lời: “Đạo thờ người còn chưa biết, làm sao biết được đạo thờ quỷ thần?” (XI. 11).
Và khi được hỏi về sự chết, Khổng Tử đã nói: “Sự sống còn chưa biết, sao biết được sự chết?” (XI. 11). Tránh những suy luận siêu hình, Khổng Tử kêu gọi cho một chính thể khai triển cuộc sống phúc lợi cho toàn dân và đưa lại những tương quan hòa hợp giữa người dân với nhau.
Tuy vậy, Khổng Tử cũng nhìn nhận có những năng lực trong trời đất định đoạt cuộc sống của con người chúng ta. Ông xác định những năng lực này bằng cách sử dụng hai ý nghĩa tương quan của chữ Mệnh: mệnh lệnh của Trời (Mệnh Trời/Thiên mệnh) và định mệnh của Đời (Mệnh đời/Định mệnh).
Khổng Tử nhấn mạnh, chúng ta sống trong một thế giới đạo đức. Đạo đức là thành phần của chính công trình thế giới. Đối với Khổng Tử, có một cái gì thiết yếu tối hậu và siêu việt trong tư cách đạo đức. Có lần ông lưu ý: “Trời chở che đùm bọc người có đức” (VII. 23). Khái niệm Mệnh Trời/Thiên Mệnh được rộng rãi đón nhận ở Trung Hoa vào thời Khổng Tử.
Mệnh Trời được hiểu như là một mệnh lệnh đạo đức trong việc quản trị, đặt trên nền tảng lòng tin Trời chăm sóc sâu xa đến hạnh phúc của toàn dân. Trời chỉ hỗ trợ một ông vua bao lâu ông cai trị với mục đích tối cao này chứ không phải vì lợi ích riêng tư của mình. Khổng Tử bổ sung học thuyết này bằng cách mở rộng khung tư tưởng về Mệnh Trời bằng cách bao hàm mọi người vào trong đó.
Từ đây, mọi người − chứ không chỉ riêng ông vua – là chủ thể của luật pháp phổ cập đòi hỏi mỗi người phải hành động đúng với lề luật của đạo đức để được hòa đồng với Mệnh Trời. Như vậy, sự thiện hảo cuối cùng, theo Khổng Tử, có nghĩa là vun trồng một nền đạo đức siêu việt xứng hợp với Ý Trời. Nhưng dĩ nhiên con người vẫn có thể kháng cự và bất tuân Mệnh Trời.
Dẫu vậy, cũng có những chiều kích của cuộc sống vượt ra ngoài sự kiểm soát của con người, những lĩnh vực trong đó nỗ lực của con người không đưa lại hiệu quả nào. Chiều kích bất định của cuộc sống con người như thế thuộc phạm vi Định mệnh; đây là một khía cạnh của Ý đồ của Trời (Heaven’s Design) vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người.
Chỗ đứng của con người trong cuộc sống, thành công trong xã hội, giàu sang, và tuổi thọ tất cả đều do Định mệnh. Gắng sức năng nổ bao nhiêu đi nữa cũng không thay đổi được gì; đơn giản mọi sự đều đã được Định mệnh an bài quyết định. Trong khi Mệnh Trời có thể hiểu được − mặc dầu với nhiều khó khăn − thì Định mệnh lại vượt ra ngoài tầm hiểu biết.
Sự phân biệt giữa Mệnh Trời (mà con người có thể thích ứng hoặc không) và Định mệnh (vượt ra ngoài tác động của con người) là điều cơ bản đối với Khổng Tử, bởi nếu ta hiểu rằng những tiện nghi vật chất của cuộc sống là do Định mệnh, thì ta sẽ nhìn nhận tính phù phiếm trong việc theo đuổi chúng và sẽ dành mọi năng nổ cố gắng của mình để theo đuổi tính đạo đức của Trời. Như thế, đạo đức – không can dự gì với thành tựu xã hội – là điều độc nhất đáng được theo đuổi trong cuộc sống.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.