
Nam Bộ Với Triều Nguyễn và Huế Xưa – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sau khi mất ngôi Chúa vào tay quân Trịnh và nhà Tây Sơn, vào cuối thế kỷ XVIII, dòng họ Nguyễn ở xứ Đàng Trong trung hưng được là nhờ nhân tài vật lực của Nam Bộ. Sau ngày kháng chiến thành công, các quan lại chủ chốt của vua Gia Long là người Nam. Vì thế nhiều hoàng nữ của các vua đầu triều Nguyễn đã hạ giá(2) cho con trai các quan người Nam.
Người phò mã Nam Bộ đầu tiên của triều Nguyễn là Võ Tánh – người Biên Hòa, lấy Công chúa Ngọc Du, chị của vua Gia Long – con gái của Hưng Tổ Hiếu Khương hoàng đế. Ông Phò họ Võ đã trung thành tuyệt đối với sự nghiệp trung hưng của nhà Nguyễn. Võ đã cùng Ngô Tùng Chu tử thủ giữ thành Qui Nhơn, thu hút quân Tây Sơn để cho Nguyễn Phúc Ánh rảnh tay ra giải phóng Phú Xuân hồi mùa hè năm 1801. Trong văn tế ông, vua Gia Long đã hết lời ca ngợi tấm gương tuẫn tiết của ông. [Về sau cháu nội của ông là Hoài hầu Võ Văn Mỹ (con trai Võ Khánh) lấy Công chúa Lộc Thành (Uyển Diễm) – con gái thứ ba của vua Minh Mạng].
Vua Gia Long có 18 hoàng nữ, nhưng chỉ có 14 người hạ giá, một nửa số đó hạ giá cho con các quan người Nam Bộ. Công chúa Bảo Thuận (Ngọc Xuyến, thứ 5) và Công chúa Định Hòa (Ngọc Cơ, thứ 13) hạ giá cho hai anh em ruột Nguyễn Huỳnh Toán – Nguyễn Huỳnh Thành, con Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức, người Định Tường. Hạ giá được ba năm thì chồng mất, Công chúa Định Hòa lập am ở làng Dương Xuân để ở thờ chồng. Cái am của bà được phát triển thành chùa Đông Thuyền thành phố Huế ngày nay.
Hai công chúa An Thái (Ngọc Nga, thứ 7) và Nghĩa Hòa (Ngọc Nguyệt, thứ 9) hạ giá cho hai anh em ruột Nguyễn Đức Thiền và Nguyễn Đức Hỗ, người Thừa Thiên đã dời vào Gia Định từ đời ông, con của Khoái Châu Quận công Nguyễn Đức Xuyên.
Công chúa An Nghĩa (Ngọc Ngôn, thứ 10), hạ giá cho Lê Văn Yến người gốc Quảng Ngãi vào Định Tường từ thời nội tổ, con trưởng của Lê Văn Phong, con thừa tự của Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt. Năm 1835, xử vụ án Lê Văn Duyệt, Yến bị tội chết, bà Chúa An Nghĩa thủ tiết thờ chồng cho đến cuối đời (1856).
Công chúa Mỹ Khê (Ngọc Khuê, thứ 12), hạ giá cho ông Nguyễn Văn Thiện, người An Giang, con Kinh môn Quận công Nguyễn Văn Nhân.
Công chúa Ngọc Thành (thứ 16) hạ giá cho ông Hồ Văn Thập, anh ruột bà Hồ Thị Hoa – mẹ vua Thiệu Trị, người Biên Hòa (nay thuộc Thủ Đức), con của Phúc Quốc công Hồ Văn Bôi. Về sau, con của Hồ Văn Thập là Hồ Văn Ngoạn (có lẽ không phải con của Công chúa Ngọc Thành) lấy Công chúa Xuân Vân (An Nhàn) hoàng nữ thứ 51 của vua Minh Mạng. Như thế trong nhà họ Hồ, người anh làm Phò mã vua Gia Long, người em làm dâu vua Minh Mạng, người cháu làm Phò mã vua Minh Mạng. Nhờ có nhiều người làm Hậu, làm Phò mã như thế nên ở nguyên quán Thủ Đức triều Nguyễn cho lập nhà thờ gọi là Hồ tộc từ đường.
Vua Minh Mạng có 64 hoàng nữ, 12 người mất sớm, 52 người có gia thất, trong đó có 11 người hạ giá cho người Nam Bộ. Chuyện Phò mã Mỹ lấy Công chúa Lộc Thành, Phò mã Ngoạn lấy Công chúa Xuân Vân đã nói trên, 9 người còn lại là: Công chúa Vĩnh An (Hòa Thục, thứ 6) hạ giá cho Nguyễn Trường người Bình Dương, Gia Định, con trai của Thị vệ Nguyễn Văn Lộc. Công chúa An Trang (Trinh Đức, thứ 7), hạ giá cho Trần Văn Thạnh, người Bình Dương, Gia Định, con trai Thị Lang bộ Công Trần Văn Tính. Công chúa Định Mỹ (Đoan Thuận, thứ 10) hạ giá cho Đỗ Tài, người Tân Long, Gia Định, con trai Thống Chế Đỗ Quí; Công chúa Phú Mỹ (Đoan Trinh, thứ 11) hạ giá cho Đoàn Văn Tuyển, người Đông Xuyên, An Giang, con trai Tiền phong Dinh đô thống Đoàn Văn Sách; Công chúa Phương Duy (Vĩnh Gia, thứ 12) hạ giá cho Lê Tăng Mậu, người Bảo Hựu, Vĩnh Tường, con Thiếu bảo Ân Quang tử Lê Văn Đức; Công chúa Tân Hòa (Đoan Thuận, thứ 13) hạ giá cho Trịnh Hoài Cẩn, người Tân Long, Gia Định, con trai Thiếu Bảo Cần Chánh Điện Đại Học sĩ Trịnh Hoài Đức; Công chúa Mậu Hòa (Gia Trinh, thứ 15) hạ giá cho Trần Văn Đức, người Bình Dương, Gia Định, con trai Thống chế Tiền phong Dinh Bình Khánh Tử Trần Văn Trí; Công chúa Qui Đức (Vĩnh Trinh, thứ 18), em Tùng Thiện Vương hạ giá cho Phạm Đăng Thuật, em út bà Từ Dũ, người Tân Hòa, Gia Định, con trai Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng. Năm 1861, Pháp đánh Nam kỳ, Phò mã Thuật được lịnh vua Tự Đức đi thám sát, không may ông đã chết ở trận tiền. Công chúa thương tiếc, xin vua cho đưa xác Phò mã về Kinh và chịu đựng 10 năm khổ tiết thờ chồng. Công chúa Phương Hương (An Nhàn, thứ 41), hạ giá cho Hoàng Văn Ban, người Bình Long, Gia Định, con của Thự Tổng Đốc Hoàng Văn Ân.
Vua Thiệu Trị có 35 hoàng nữ, 21 người mất sớm, chỉ có 14 người thành gia thất, người đứng đầu trong 14 hoàng nữ ấy là Công chúa Diên Phước (Tĩnh Hảo, thứ nhất), chị ruột vua Tự Đức đã hạ giá cho Nguyễn Văn Ninh, người Bảo Hựu, Vĩnh Long, con trai Hoàng Trung hầu Nguyễn Văn Trọng. Nhà thờ của bà có tên là Vĩnh Âm Viên ở đầu thôn Kim Long, phía bên trên đền thờ Đức Quốc Công Từ dành cho ông ngoại của bà. Bà còn được thờ ở chùa Diệu Đế – nơi trước kia vua cha Thiệu Trị đã ra đời.
Có thể xem ông Nguyễn Văn Ninh là Phò mã chính thức cuối cùng của triều Nguyễn. Bởi vì hết đời Thiệu Trị qua đời Tự Đức, một phần Tự Đức không có con, một phần Nam Bộ bắt đầu kháng Pháp và lọt vào tay Pháp nên con trai Nam Bộ không còn cơ hội làm Phò mã nữa.
Đến triều Thành Thái (1889 – 1907), các Công chúa con vua Thành Thái còn nhỏ nên chưa có Phò mã. Nhưng sau khi nhà vua bị tốn vị và đày sang đảo Réunion (1916), các Công chúa con vua bị đày lớn khôn có chồng, các chàng rể ông vua bị đày vẫn được thần dân xem là Phò Mã. Ông Phò mã người Nam Bộ nổi tiếng nhất của vua Thành Thái là luật sư Vương Quang Nhường.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.