Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Namaskar là lời chào hỏi phổ biến nhất ở Ấn Độ, chào cả khi gặp mặt lẫn khi chia tay. Câu chào Namaskar còn có nghĩa là “tôi xin cúi mình trước bạn”. Hai bàn tay chắp vào nhau, đưa lên chạm vào trán, ở nơi có “con mắt thứ ba” theo quan niệm của đạo Hindu, sau đó hạ xuống, chắp trước ngực. Thông thường chỉ cần chắp hai tay trước ngực là đủ. Hai tay chắp vào nhau mang ý nghĩa Một Tinh Thần, hay là cái tiểu ngã gặp được Đại Bản Ngã. Bàn tay phải tượng trưng cho bản thể thiêng liêng và cao quý hơn, bàn tay trái đại diện cho bản thể trần tục hơn.

Thay cho câu Namaskar nhiều chất kính trọng, người ta còn chào câu Namaste thân mật hơn. Namaskar có thể bắt đầu xuất hiện từ cổ đại: người ta chắp tay trước ngực khi mới đến để cho thấy rằng mình đã có mặt với thiện chí và không mang theo vũ khí.

Ấn Độ là một bảo tàng sống. Hầu như rất nhiều phong tục tập quán có từ mấy nghìn năm được lưu giữ trọn vẹn cho đến tận bây giờ. Chẳng hạn, hãy nhìn thiếu nữ đi trên đường kia. Tấm sari cô mang trên người cũng chính là tấm sari của mấy nghìn năm trước. Cái dáng đi khoan thai, có phần hơi chậm rãi, đi mà như ngày rất dài, đời rất dài, cũng chính là dáng đi mấy nghìn năm của người Ấn Độ. Bao nhiêu ý kiến của các tổ chức phụ nữ, các đoàn thể yêu cầu cải tiến trang phục cho hợp với đời sống lao động hiện đại, nhưng hầu như rất ít được hưởng ứng… Nhờ thế và nhờ nhiều điều như thế, Ấn Độ luôn luôn là một bảo tàng sống.

Đấy là nhận xét của phần lớn những người nghiên cứu văn hóa phương Đông. Lớp chúng tôi ngày ấy đa số là người Âu – Mỹ, khi hỏi vì sao họ chọn Ấn Độ để nghiên cứu, mà không phải là Trung Quốc, không phải là Ai Cập? Họ đều bảo chính là vì Ấn Độ còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn mọi thứ. Không phải lưu giữ hiện vật chết trong bảo tàng, mà lưu bằng cả một đất nước, một xã hội sống động. Những cái nôi văn minh khác đều đã bị tàn phá ít nhiều bởi thiên tai và những cuộc cách mạng, bởi những biến động lịch sử. Riêng ở việc bảo tồn sống động này, liệu ta có phải biết ơn tính bảo thủ của người Ấn?

Những ngày đầu ở Ấn Độ, tôi như chìm giữa một biển sương mù. Cái nóng làm cho người ta u mê, ý nghĩ chậm chạp, cử động chậm chạp, phản ứng chậm chạp. Một buổi chiều sau giờ học, tôi ngồi một mình ở bến xe buýt, trong cái nóng chỉ chực làm cho mình mê đi, dẫu có tỉnh cũng chỉ là cái tỉnh của cơn mộng du. Chính vào lúc ấy, hình như có một bóng người đi qua trước mặt. Một cánh tay đột ngột chìa tới như định cào vào mặt tôi. Lập tức gạt phắt cánh tay ra. Cánh tay ấy lại cố gắng chìa vào mặt tôi lần nữa. Tôi lại hất ra. Choàng tỉnh từ cơn u mê, tôi thấy một ông già râu dài tóc búi như hiện về từ cổ đại, trên trán quệt mấy vệt màu đỏ màu trắng, cổ đeo tràng hạt, tay cầm cây đinh ba nhỏ bằng đồng sáng bóng, một bình nước cũng bằng đồng sáng bóng. Chính ông vừa hai lần xỉa tay vào mặt tôi và hai lần bị tôi hất tay ra. Ông từ bỏ hành động lạ lùng ấy, lặng lẽ bước đi. Ông đi một lúc rồi mà trống ngực tôi vẫn đập thình thình.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x