Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Lũ trò nhỏ mài son mài mực đã xong, và chúng đang cùng nhau ê-a học theo sự chỉ dẫn của mấy trò lớn hơn.

Đây một em đang đọc sách Tam Tự Kinh :

« Nhân bất học – Bất tri lý

Ngọc bất trác – Bất thành khí »

Vừa học chữ em vừa dịch nghĩa từng câu một với những tiếng đệm ư a ngây thơ :

« Nhân bất học là người chẳng học

Bất tri lý – chẳng biết lý

Ngọc bất trác – ngọc chẳng dũa

Bất thành khí – chẳng thành đồ »

Em nhai đi, nhai lại mấy câu, rồi khi em đã thuộc hẳn, em mới hỏi anh học-trò lớn có nhiệm-vụ chỉ bảo em học sang câu khác. Thỉnh-thoảng em lại quên một chữ, tuy em luôn mồm nhắc lại những chữ đó.

Đây một em khác lớn hơn đang chăm chú học một đoạn sách Minh Đạo Gia Huấn của Trình Tử :

« Thiên kim di tử – Bất như nhất kinh

Vạn khoảnh lương điền – Bất như bạc nghệ »

Em cũng vừa học chữ vừa học nghĩa :

« Nghìn vàng để cho con

Không bằng một kinh sách

Vạn miếng ruộng rót

Không bằng một nghề bạc »

Trong khi các anh lớn bảo các em trò nhỏ. Khoan ngồi chấm câu, ngắt bài cho các em học. Sách chữ nho khi in thuở trước không chấm câu sẵn. Học trò chép lại sách in cũng không chấm câu và cho rằng đã có chấm câu sẵn sàng trong sách in, các trò chép lại cũng không được tự tiện chấm câu lấy. Bài học phải do ông đồ hoặc trưởng tràng chấm câu cho.

Đối với các trò nhỏ chưa tự viết lấy được, bài học do ông đồ, trưởng tràng hoặc một trò lớn nào khác viết và chấm câu ngay để các trò, đó học. Những trò đã tự chép được bài học, cũng như những học trò lớn học theo sách in đều phải do trưởng tràng hoặc ông đồ chấm câu. Chấm câu bằng son. Chỗ nào nên phẩy, chỗ nào chấm đều là nét son hết. Phần nhiều bài học của học-trò học sách in, bao giờ cũng do chính tay ông đồ chấm câu và lúc giảng cũng lại chính ông đồ giảng lấy.

Khoan ngồi chấm câu sách của lũ trò nhỏ trên một chiếc ghế nhựa kê ở bên cạnh gian nhà học.

Lớp học của ông đồ Ngư cũng giống như hàng trăm ngàn lớp học chữ Hán thời trước. Đấy là một căn nhà ba gian khá rộng, không có kê bàn ghế như tại các trường học ngày nay. Ở gian giữa về phía trong giáp tường là một chiếc sập có giải chiếu cạp điều. Trên chiếu có chiếc gối sơn dùng để ông đồ tỳ tay lúc giảng học, và những buổi trưa sau những buổi học ông đồ dùng để gối đầu ngả lưng xem sách.

Trước chiếc sập gụ là một án-thư nhỏ, có hai tràng-kỷ hai bên. Trên án-thư có để mấy chồng sách ông đồ thường dùng để dạy học-trò. Bên mấy chồng sách là bộ đồ nước để ông đồ tiếp khách và chiếc điếu ống, xe điếu vắt vẻo cong cong.

Hai gian bên cạnh có hai hàng ghế ngựa, chỗ cho học-trò học và viết.

Và ở mé ngoài có hai hàng dại bằng tre để che nắng gió. Gian giữa, ngang với hai hàng dại thẳng trước sập của ông đồ có chiếc mành mành cuốn lên hạ xuống tùy theo chiều trời quang đãng hay mưa nắng.

Lũ học trò ngồi học hỗn-độn không có chỗ nào nhất định, chỗ này một nhóm, chỗ kia một nhóm. Khi tập viết các cậu nằm bò ra ghế ngựa và cũng nằm không hàng lối gì ; chỗ này mấy cậu mới học đang tô lại chữ son trên vở tập viết, chỗ kia vài cậu học đã hơi lâu đang tô trên tờ phóng, qua lần giấy bản của vở viết. Gần đấy, những cậu khác, học đã kha khá, đang chép lại bài học trong mấy cuốn sách in.
Học chữ nho xưa, tập viết cũng như các em ngày nay học Việt ngữ. Bắt đầu tập viết là viết tô.

Ông đồ hoặc trưởng tràng viết sẵn bằng bút son những trang chữ cho các em tô lại. Khi các em tô đã hơi thạo, các em tập viết phóng.

Phóng là một tờ giấy có viết những chữ mẫu. Các trò nhỏ lồng tờ phóng nầy vào một tờ giấy của sách viết. Nét chữ phóng hằn lên, các em tô theo nét chữ hằn của tờ phóng. Sách vở chữ nho xưa kia đóng bằng giấy bản và chỉ in, viết có một mặt. Tờ giấy gấp đôi đóng lại thành lề. Khi viết tập các em lồng tờ phóng vào trong tờ giấy tập vở của mình.

Sau thời kỳ viết phóng đến thời kỳ phải tự coi sách chép lấy bài. Khi đã có thể tự coi sách chép lấy bài là đã tới trình độ đọc được nhiều chữ. Học trò tới trình độ nầy ít nhất cũng đã học qua sách « Tam Tự Kinh » hoặc sách « Ấu-Học Tân Thư » rồi.

Buổi học rất nhộn-nhịp vui-vẻ. Tiếng ê-a của các em, xen lẫn tiếng giảng bài của các anh lớn ; em nầy hỏi, anh kia trả lời.

Có một vài em đứng tựa vào những chiếc cột, phân cách ba gian nhà, vừa học vừa như nghiền ngẫm nghĩa lý của sách vở.

Vài cô nữ sinh ngồi riêng ở một góc ghế ngựa, cô lớn bảo cô bé.

Lớp học ồn-ào những tiếng ê-a, những lời giảng nghĩa cùng những lời hỏi đáp lẫn nhau.

Cũng như mọi ngày, một lát sau khoảng cuối giờ Mão, ông đồ Ngư tới lớp học. Học trò đang học bỗng ngưng bặt, rồi những tiếng « lạy thầy » vang lên tứ phía.

Ông đồ ngồi vào chiếu cạp điều trên sập, trong tay vắt vẻo chiếc roi mây.

Học trò lần lượt từ bé đến lớn lại đọc bài.

Học chữ nho xưa, buổi sáng mỗi khi vào học, học trò phải đọc bài hôm trước, sau đó học bài trong ngày rồi tập viết. Lớp học của ông đồ Ngư cũng ở trong thông lệ nầy, nhưng thường ông đồ hay xuống lớp chậm đôi chút, nên các trò nhỏ được Khoan, trưởng tràng cùng các trò lớn khác giảng cho bài mới trong khi chờ đợi đọc bài cũ với ông đồ.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x