Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Từ nhỏ đến lớn đều là bà đóng học phí cho cậu, mà thu nhập của bà chủ yếu bắt nguồn từ quán tạp hóa Oanh Oanh. Từ khi cậu hiểu chuyện, bà đã ngậm điếu thuốc, lái máy kéo rong ruổi khắp núi rừng, hàng hóa chất thành đống trong thùng xe.

Thuở bé, Lưu Thập Tam giận bà vì vô số việc, nhưng chủ yếu là ba chuyện: Một, cho ít tiền tiêu vặt. Hai, chơi mạt chược quá nhiều. Ba, không tôn trọng mơ ước của cậu.

Mỗi lần cậu nói: “Bà chơi ít thôi, dành tiền cho con này, để con thực hiện ước mơ.”, bà ngoại lại nghi ngờ hỏi: “Mày mới học lớp Bốn, mơ mộng cái gì?”

Lưu Thập Tam đáp: “Đỗ vào Thanh Hoa, Bắc Đại, rời khỏi Vương Oanh Oanh, đến thành phố lớn.”

Nghe vậy bà liền vơ dao đuổi cậu chạy khắp phố. Lưu Thập Tam trèo tót lên cây, nghiêm trang nói vọng xuống:

“Bà ngoại, con nói cho bà biết, bà phải tôn trọng mơ ước của con.”

Bà đáp: “Không thích ở với bà, định học theo mẹ mày, lẳng lặng bỏ đi đấy phải không?”

Lưu Thập Tam đáp: “Con không học theo mẹ, con gửi tiền cho bà, tám vạn mười vạn đều vô tư!”

Bà bổ dao vào gốc cây, “Bà đợi thế nào được đến lúc ấy, mày cứ đưa tiền mừng tuổi năm ngoái ra đây đã.”

Lưu Thập Tam ngớ người rồi òa khóc thảm thiết, “Xấu hổ lắm! Con không học tiểu học nữa đâu! Con thi luôn vào Thanh Hoa, Bắc Đại, lấy vợ sinh con thôi!”

Mười bốn năm trước, bà ngoại nhận được một bức thư. Bà không biết chữ, nhưng cũng không đưa cho Lưu Thập Tam đọc mà cất vào hộp bánh quy thiếc cùng mấy món trang sức. Bấy giờ Lưu Thập Tam tò mò lục ra xem rồi lén lút viết một bức thư trả lời, gửi theo địa chỉ ghi trên đó.

Cậu viết rất đơn giản: Xin chào, con tên Lưu Thập Tam, cháu ngoại bà Vương Oanh Oanh, hai bà cháu sống rất chật vật, gửi cho ít tiền đi.

Từ đó, cậu còn háo hức chờ hồi âm hơn cả bà.

Giữa con phố chính của thị trấn là cửa hàng mậu dịch cũ, về sau sửa thành nhà thờ. Trước cửa hàng có một hòm thư, đối diện quán bánh bao. Lưu Thập Tam đeo túi chéo, hỏi bác Trần bưu tá: “Có thư của cháu không? Có thì nhớ đưa cho cháu, đừng đưa cho bà Vương Oanh Oanh.”

Bác hỏi lại: “Sao vậy?”

“Bác già rồi hỏi nhiều thế làm gì, cháu chia hoa hồng cho bác nhé?”

Lưu Thập Tam đợi suốt cả học kỳ, đến Tết, nhân lúc bà ngoại uống say, cậu mới dám dò hỏi người kia rốt cuộc là ai, liệu có gửi tiền không?

Đột nhiên bà ngoại bật khóc nức nở, khiến Lưu Thập Tam phát hoảng, cuống quýt lau nước mắt cho bà, “Bà ngoại, bà đừng khóc nữa, đợi con lớn lên ra thành phố sẽ gửi tiền cho bà.”

Sau khi bác Trần qua đời, chẳng có bưu tá mới đến, hộp thư cũng biến mất, mọi người hiếm khi viết bằng bút máy. Bất kể ai trải giấy ra, viết ba chữ “anh yêu em”, đều có thể trở thành bức thư tình cuối cùng của thế kỷ 21.

Lưu Thập Tam cũng viết một bức, kẹp vào sách Ngữ văn của cô bạn Trình Sương ở lớp học thêm hè năm lớp Bốn, vỏn vẹn mấy chữ: Tớ thấy cậu xinh hơn cả cô La, ăn ô mai không?

Cô La là chủ nhiệm lớp, đồng thời cũng là dì của Trình Sương, mới ngoài hai mươi, tuổi xuân phơi phới. Hôm sau lên lớp, cô xách tai Lưu Thập Tam lôi vào phòng giáo viên, dịu dàng hỏi: “Em thấy cô có xinh không?”

Lưu Thập Tam quả quyết: “Xấu như ma cấu.”

Cả phòng giáo viên cười ồ lên, cô Vu dạy Toán ghé sang hỏi: “Còn cô thì sao?”

Lưu Thập Tam phân vân giây lát rồi đáp: “Chắc cô La định đánh em đấy, cô cứu em với.”

Cô Vu nói: “Cô ấy đánh là dĩ nhiên, giờ chỉ xem cô có đánh em không thôi.”

Lưu Thập Tam trả lời: “Cô trẻ hơn cô ấy nên xấu vừa vừa thôi.”

Cô Vu ra lệnh: “Ra hành lang, đứng dựa vào tường đến khi tan học.”

Lưu Thập Tam hỏi lại: “Cô không hỏi em thấy hiệu trưởng thế nào à?”

Mọi người trong phòng giáo viên vội ngừng công việc, bao nhiêu con mắt như đèn pha đổ dồn vào cậu. Cậu bĩu môi, “Thầy ấy chẳng ra sao, học thêm hè mà huy động từng này người thì khác gì học chính?”

Kết quả cậu bị đưa từ phòng giáo viên sang phòng hiệu trưởng.

Hiệu trưởng rót một chén trà, Lưu Thập Tam vội bưng ngay lên uống, khiến thầy ngạc nhiên ra mặt, “Thầy rót cho thầy cơ mà.”

Lưu Thập Tam thổi lá trà, nhấp một ngụm rồi tặc lưỡi, “Đắng ngắt, có tiền người ta đã uống nước quýt cho ngọt rồi.”

Hiệu trưởng gõ xuống bàn, “Thập Tam viết thư tình dở ẹc.”
Lưu Thập Tam khinh khỉnh liếc thầy, “Em đọc hết sách trong thư viện trường rồi, thầy dựa vào cái gì mà nghi ngờ năng khiếu văn học của em?”

Hiệu trưởng mỉm cười đưa cho cậu một quyển sách cũ nát, trang bìa lốm đốm mấy vết cháy sém, viết bốn chữ Khải: Nhân gian từ thoại*.

Tác phẩm phê bình văn học của học giả Vương Quốc Duy (1877-1927).

Lưu Thập Tam lật qua lật lại, đầu ong lên, đã văn ngôn* lại còn đọc theo hàng dọc.

Văn ngôn, còn gọi là cổ văn, là một loại ngôn ngữ viết của Hán ngữ thượng cổ dùng trong sách vở kinh điển truyền thống, khác xa với văn nói hiện đại Trung Quốc.

Hiệu trưởng nói: “Mấy hôm nữa tôi sẽ kiểm tra em.”

Trong đầu Thập Tam nhảy số thật nhanh, đáp ngay: “Năm 1997, Hồng Kông trở về với Đại lục.”

Hiệu trưởng hỏi: “Em nhắc tới chuyện này làm gì?”

Lưu Thập Tam nghiêm trang dõng dạc: “Hồng Kông được trả về, thế giới đại đồng, tàn dư phong kiến nhà thầy còn đọc chữ phồn thể, định phản động à?”

Hiệu trưởng lẳng lặng đặt chén trà xuống, để cuốn sách vào lòng Lưu Thập Tam, xoa đầu cậu rồi nghiêm nghị nói: “Em đọc đi, đọc kỹ vào, thằng oắt con, đọc không hiểu thì liệu hồn đấy, cút ra.”

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x