Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Ngày Xưa Thân Ái của tác giả Hòa Đa mời bạn thưởng thức.

Bây giờ, đi nhận nhiệm sở với hành trang gọn nhẹ nhất của một thầy giáo mới ra trường, chưa có vướng bận. Tôi gần như choáng ngợp với cái mượt mà, trù phú của miền Nam. Lần này vượt xa hơn về miền Tây, đối với tôi, cái gì cũng lạ và hấp dẫn…

Lần đầu tiên đi phà qua sông Mỹ Thuận, vào tháng chín, nước bắt đầu đổ về, những “giề ” lục bình trôi băng băng trên dòng sông rộng, làm tôi nhớ đến câu ví ở miền Nam:”Ăn như xáng múc, làm như lục bình trôi” mà mỉm cười một mình, làm như lục bình trôi như thế này thì tốt quá rồi. Về sau, khi sống hẳn ở nông thôn, thấy lục bình lờ đờ trôi ra trôi vào trên mương rạch, mới biết câu ví không sai.

Cái không khí ồn ào, náo nhiệt ở bến xe miền Tây, phà Mỹ Thuận… gây cho tôi một cảm giác vừa khó chịu vừa thích thú. Ở bến xe, người ta tranh khách một cách quyết liệt đến độ không cần biết khách có đồng ý hay không. Hai hãng xe lớn trên tuyến đường Sài Gòn – Vĩnh Long: Hiệp Thành và Nhan Nhựt, cứ chừng 15 phút có một chuyến hơn năm mươi khách rời bến, suốt từ bốn năm giờ sáng đến xế chiều… không biết khách ở đâu mà nhiều thế. Ngoài Vĩnh Long, còn có Cần Thơ, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng… dễ chừng lưu lượng xe rời bến để đi về miền Tây có thể đạt được một phút một chiếc. Làm con toán nhỏ, ta thấy ngay sự thịnh vượng của miền Nam. Cảnh này không có ở các tuyến đường đi về miền Trung, dù các tuyến đường miền Trung dài hơn và nhiều thành phố, thị trấn dọc quốc lộ hơn. Trên quốc lộ 1, gần như không có cảnh xe đua nhau, giành đường vượt ẩu, tài xế xe đò miền Trung giỏi băng đèo, vượt núi, nhưng không có cái liều lĩnh và khéo léo như tài xế xe đò miền Tây. Cả lơ xe cũng vậy, lơ xe miền Tây nhanh nhẹn và xông xáo hơn nhiều. Lúc đó, cầu Bến Lức và cầu Long An chưa làm mới, cầu cũ chỉ sử dụng một chiều… Phải tận mắt nhìn thấy cảnh cả đoàn xe chồm tới, giành đường, cố chiếm ưu thế để qua cầu trước, khi bảng tín hiệu lưu thông giữa cầu vừa đổi, mới thấy hết tài nghệ của tài xế và lơ xe… Cả đoàn xe, chiếc này chỉ cách chiếc kia vài tấc và tất cả đều phóng nhanh để giành ưu thế qua cầu. Mà khách đi xe cũng khoái được ngồi trên xe chiếm được thượng phong trên quốc lộ, xe nào chậm chạp là mất khách…

Qua khỏi Trung Lương, miền Nam mở ra như một bức tranh tươi mát, xóm nhà nào cũng nương mình sau một mảnh vườn nhỏ với cây ăn trái đủ loại, bên cạnh là những thửa ruộng xanh mướt, óng ả. Phong cảnh như một bức tranh đầy màu sắc, càng nhìn càng ưa. Cái phì nhiêu giàu có đã thể hiện ngay trước mặt, qua cách sinh hoạt, trang phục. Người bình dân ở đây không có nét lam lũ cơ hàn như người dân ở Trung phần. Miền Nam, vùng đất “làm chơi, ăn thiệt” như người dân ở đây vẫn thường hãnh diện, đã là vựa lúa chính cho toàn thể đất nước.

Sau khi nhận nhiệm sở ở thị xã Vĩnh Long, sắp xếp xong chỗ ăn ở, tôi bắt đầu quan sát nếp sinh hoạt chung quanh. Ấn tượng sâu sắc tôi cảm nhận được ngay là tính dễ dãi và hồn hậu của người dân. Họ biểu lộ tình cảm một cách chân tình, không che dấu như người miền Trung hay khách sáo như người miền Bắc. Đến nhà , tình cờ nhằm lúc đang bữa ăn, ta sẽ thấy người dân ba vùng của đất nước sẽ hành xử hoàn toàn khác nhau. Người miền Bắc sẽ lễ phép mời :”Mời bác xơi cơm”, khách phải biết lễ phép từ chối, nếu tự nhiên ngồi vào bàn là sẽ bị coi là thiếu lịch sự, tế nhị; Người Miền Trung sẽ tạm ngưng bữa cơm để tiếp khách, khách sẽ nói những gì cần thiết và xin kiếu, đi ngay; Người miền Nam sẽ chân thật hỏi : “Ăn cơm chưa?, sẵn bữa ăn luôn nghen!” dù bữa ăn của họ không phải lúc nào cũng sẳn sàng để đãi khách, và khách có thể không khách sáo gì ngồi vào bàn cùng gia chủ vừa ăn vừa nói chuyện. Chúng ta không thể nói cách nào hay hơn, đúng hơn. Nhưng người miền Nam rõ ràng không câu nệ những tiểu tiết và không cho rằng khách sẽ phật lòng vì những tiểu tiết ấy. Cũng vậy, sự xưng hô với nhau ở ba miền cũng thể hiện sự khác nhau.

Người miền Nam thường đặt người đối thoại vào vai vế của những bà con trong gia đinh, nên họ gọi nhau bằng chú bác, cô dì, cậu mợ… một cách thân mật và dễ dãi. Vợ chồng (vào khoảng dầu thế kỷ 20, đến nay vẫn còn thấy ở những cặp lớn tuổi ở nông thôn Nam bộ) vẫn còn gọi nhau “mày tao” . Cách người dân miền Nam tôn trọng người khác là họ thường gọi nhau bằng thứ: anh Ba, chị Năm, chú Tám, Bác Tư… chỉ khi nào cần phân biệt anh Ba này với anh Ba kia (danh xưng ngôi thứ ba) họ mới sử dụng thêm tên ngay sau thứ :anh Ba Thiệt, chú Ba Tiệm, mà đôi khi những cái tên này chỉ là tên tục, hay biệt danh nào đó do nghề nghiệp, tính nết, được mọi người công nhận. Lần đầu tiên gặp nhau, người miền Nam thường hỏi :”xin lỗi, anh thứ mấy? – Dà, thứ Năm – Vậy để tui gọi anh là anh Năm y tá nheng!”và như vậy là thành danh luôn. Cách thức này không phổ biến ở miền Trung và miền Bắc. Phải chăng điều kiện sinh hoạt, văn hóa, kinh tế… đã tạo nên những khác biệt đó? Cũng cần nói thêm là người miền Bắc và Trung thường đặt tên cho con, cháu theo những chữ rất hay, kèm theo một tên gọi khi còn nhỏ; ở miền Nam, ngoài những gia đình có chút ít học thức, thường sống nơi thị tứ hay thành phố, còn người bình dân, thường là nông dân, đặt tên con theo sự mơ ước đơn giản của miønh. Cha tên là Lúa, đặt tên các con là Dun (Vun), Đầy, Bồ, Dựa (Vựa) thỏa cái ước mơ muôn đời của người nông dân, lúc nào lúa cũng vun đầy trong bồ, vựa; Cha tên Khoẻ, đặt tên cho con là Mạnh,Vui, Mừng, Hớn, Hở…

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x