
Nghệ Thuật Tiểu Thuyết – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Phần thứ hai – Trò chuyện về nghệ thuật tiểu thuyết
Christian Salmon: Tôi mong muốn cuộc trò chuyện này sẽ tập trung vào vấn đề thẩm mỹ trong các tiểu thuyết của anh. Nhưng chúng ta nên bắt đầu từ đâu đây?
Milan Kundera: Từ điều khẳng định: các tiểu thuyết của tôi không phải là tiểu thuyết tâm lý. Nói chính xác hơn: chúng nằm ngoài cái thẩm mỹ của loại tiểu thuyết mà người ta quen gọi là tiểu thuyết tâm lý.
C.S: Nhưng chẳng phải là tất cả các tiểu thuyết đều tất yếu phải là tiểu thuyết tâm lý sao? Nghĩa là chăm chú vào cái bí ẩn của tâm thần.
M.K: Hãy nói cho chuẩn xác: tất cả mọi tiểu thuyết của mọi thời đại đều chăm chú vào bí ẩn của cái tôi. Từ lúc anh bắt đầu sáng tạo một con người tưởng tượng, một nhân vật, tức thì anh đối mặt với câu hỏi: cái tôi là gì? Bằng cách nào nắm bắt được cái tôi? Đấy là một trong những câu hỏi cơ bản trên đó tiểu thuyết được hình thành với tư cách là tiểu thuyết. Nếu anh muốn, qua các cách trả lời khác nhau đối với câu hỏi đó, anh có thể phân biệt các khuynh hướng khác nhau, và có thể, các thời kỳ khác nhau trong lịch sử tiểu thuyết. Các nhà tiểu thuyết đầu tiên của châu Âu chưa biết đến phân tích tâm lý. Boccace chỉ đơn giản kể cho chúng ta những hành động và những biến cố. Tuy nhiên, đằng sau các câu chuyện vui đó, người ta nhận ra một niềm tin: chính bằng hành động mà con người vượt ra khỏi cái thế giới lặp đi lặp lại thường nhật trong đó mọi người đều giống nhau, chính bằng hành động mà người ta tự phân biệt mình với những người khác và trở thành cá nhân. Dante đã nói điều đó: ”Trong mọi hành động, ý định trước tiên của kẻ hành động là biểu lộ ra hình ảnh của chính mình.” Lúc khởi đầu, hành động được hiểu như là chân dung tự họa của con người hành động. Bốn thế kỷ sau Boccace, Diderot tỏ ra hoài nghi hơn: anh chàng Jacques, kẻ theo chủ nghĩa định mệnh của ông ve vãn cô vợ chưa cưới của bạn anh, anh mê mẩn hạnh phúc, bố anh nện cho anh một trận, lúc đó có một đoàn quân đi qua, bực mình anh đăng lính luôn, trong trận đánh đầu tiên anh bị một viên đạn vào gối và trở thành thọt cho đến ngày chết. Anh tưởng bắt đầu một cuộc phiêu lưu tình ái trong khi trong thực tế anh lại dấn thân vào cảnh tàn tật của mình. Anh không bao giờ tự nhận ra được mình trong hành động của mình. Giữa hành động của anh và bản thân anh, đã vỡ ra một kẽ nứt. Con người muốn bộc lộ hình ảnh mình ra bằng hành động, nhưng cái hình ảnh ấy chẳng giống anh ta. Tính chất nghịch lý của hành động, đó là một trong những khám phá lớn của tiểu thuyết. Nhưng nếu cái tôi không thể nắm bắt được trong hành động, thì ở đâu và làm thế nào có thể nắm được nó? Đến lúc tiểu thuyết, trong cuộc săn tìm cái tôi, đành phải quay mặt đi khỏi cái thế giới có thể trông thấy được của hành động và chú mục vào cái vô hình của đời sống bên trong. Đến giữa thế kỷ XVIII Richardson khám phá ra hình thức tiểu thuyết gồm những lá thư trong đó các nhân vật thổ lộ ý nghĩ và tình cảm của họ.
C.S: Sự ra đời của tiểu thuyết tâm lý chăng?
M.K: Thuật ngữ hẳn là không chuẩn xác và chỉ gần đúng. Nên tránh nó đi và hãy dùng một cách nói vòng: Richardson đã đưa tiểu thuyết vào con đường khai phá cuộc sống bên trong của con người. Ta biết những tác giả lớn kế tục tìm tòi của ông: Goethe của Werther, Constant, rồi Stendhal và những nhà văn cùng thế kỷ với ông. Đỉnh cao của sự tiến hóa ấy, theo tôi, là Proust và Joyce. Joyce phân tích một cái gì đó còn không thể nắm bắt được hơn cả “thời gian đã mất” của Proust: khoảnh khắc hiện tại. Không còn gì đương nhiên hơn, có thể sờ mó được hơn, có thể nắn bóp được hơn là khoảnh khắc hiện tại. Vậy mà, nó hoàn toàn tuột mất khỏi tay ta. Tất cả nỗi phiền muộn trên đời là ở đấy. Trong một giây thị giác, thính giác, khứu giác ghi nhận (cố ý hay vô tình) một mớ sự kiện và trong đầu ta diễn qua một chuỗi cảm giác và ý tưởng. Mỗi một khoảnh khắc biểu hiện một vũ trụ nhỏ bé, bị quên mất ngay liền sau đó không cứu vãn được. Thế mà cái kính hiển vi lớn của Joyce biết chặn lại, nắm bắt khoảnh khắc thoáng qua đó và cho ta được nhìn thấy nó. Song cuộc truy tìm cái tôi một lần nữa lại kết thúc bằng một nghịch lý: tầm soi của kính hiển vi quan sát cái tôi càng lớn bao nhiêu, thì cái tôi và tính đơn nhất của nó càng tuột mất khỏi chúng ta bấy nhiêu: dưới thấu kính của Joyce phân chẻ tâm hồn thành những nguyên tử, tất cả chúng ta đều giống nhau tất. Nhưng nếu cái tôi và tính đơn nhất của nó là không thể nắm bắt được trong đời sống nội tâm của con người, vậy thì có thể nắm lấy nó ở đâu và bằng cách nào?
C.S: Và có thể nắm bắt được nó không?
M.K: Chắc chắn là không. Cuộc truy tìm cái tôi kết thúc và sẽ mãi mãi kết thúc bằng một sự không thỏa mãn ngược đời. Tôi không nói là thất bại. Bởi vì tiểu thuyết không thể vượt qua giới hạn những khả năng của mình, và việc soi rõ những giới hạn đó đã là một khám phá to lớn. Điều đó không ngăn cản các nhà tiểu thuyết lớn, sau khi đã chạm đến đáy nhờ công cuộc thăm dò chi tiết cái tôi, đã bắt đầu tìm kiếm, một cách có ý thức hay không có ý thức, một phương hướng mới. Người ta thường nói đến bộ tam vị thần kỳ của tiểu thuyết hiện đại: Proust, Kafka, Joyce. Song theo tôi không có cái bộ tam vị ấy. Trong lịch sử của riêng tôi về tiểu thuyết, chính Kafka đã mở ra phương hướng mới: phương hướng hậu-Proust. Cách ông quan niệm về cái tôi hoàn toàn bất ngờ. Bằng vào đâu mà K. được xác định như một sinh linh đơn nhất? Chẳng phải bằng cái vẻ bên ngoài của anh ta (không ai biết nó ra sao cả), chẳng phải bằng tiểu sử của anh (không ai biết gì), chẳng phải bằng cái tên của anh (anh không có tên), cũng chẳng phải bằng những kỷ niệm, những thiên hướng, những mặc cảm của anh.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.