
Nghiên Cứu Lịch Sử Nhân Loại – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
II. NGHIÊN CỨU SO SÁNH CÁC NỀN VĂN MINH
Chúng ta đã phát hiện rằng xã hội (hay nền văn minh) phương Tây là hậu duệ của một xã hội tiền đề. Phương pháp hiển nhiên để theo đuổi cuộc tìm kiếm những xã hội tương đồng xa hơn sẽ là xem xét ví dụ những xã hội khác đang cùng tồn tại, đó là cộng đồng Cơ Đốc giáo Chính thống, cộng đồng Hồi giáo, cộng đồng Ấn giáo và cộng đồng Viễn Đông, và xem thử liệu chúng ta có thể phát hiện ra “cha mẹ” của những xã hội đó hay không.
Nhưng trước khi tiến hành cuộc tìm kiếm này, chúng ta phải làm rõ mình đang tìm kiếm điều gì, nói cách khác, đâu là những dấu hiệu của mối quan hệ trực hệ mà chúng ta có thể chấp nhận làm chứng cứ vững chắc. Và thực ra thì chúng ta tìm thấy những dấu hiệu nào của một mối quan hệ tương tự như giữa xã hội của chúng ta với xã hội Hy Lạp cổ? Hiện tượng đầu tiên là một nhà nước trung ương (tức Đế chế La Mã) đã hợp nhất toàn bộ xã hội Hy Lạp cổ thành một cộng đồng chính trị đơn nhất trong giai đoạn cuối của lịch sử xã hội này. Sự kiện này rất đáng quan tâm, vì nó đối nghịch rõ rệt với hiện tượng vô số chính quyền địa phương của Hy Lạp cổ đại đã bị phân chia trước khi Đế chế La Mã xuất hiện, và nó cũng đối nghịch rõ rệt không kém với việc vô số quốc gia của xã hội phương Tây được phân chia cho tới nay. Tiến xa hơn nữa, chúng ta thấy rằng ngay trước Đế chế La Mã là một thời kỳ loạn lạc, kéo dài (ngược chiều thời gian) ít nhất là tới cuộc chiến Hannibal. Trong thời kỳ này, xã hội Hy Lạp cổ không còn phát triển mà suy tàn rõ rệt, sự hình thành Đế chế La Mã đã ngăn chặn sự suy tàn đó trong một thời gian. Nhưng khoảng thời gian đó cuối cùng cũng đã chứng minh rõ ràng rằng, đó là triệu chứng của một căn bệnh nan у đang hủy hoại xã hội Hy Lạp cổ cũng như Đế chế La Mã. Một lần nữa, sự sụp đổ của Đế chế La Mã được tiếp nối bởi một khoảng dừng, hay một thời kỳ quá độ giữa thời điểm biến mất của xã hội Hy Lạp cổ và sự xuất hiện của xã hội Tây phương.
Khoảng dừng này được lấp đầy với các hoạt động của hai tổ chức: Giáo hội Cơ Đốc giáo, được thành lập trong và tồn tại qua thời Đế chế La Mã, và một số triều đại kế thừa sớm nở tối tàn mọc lên từ những vùng lãnh thổ cũ của Đế chế trong thời kỳ gọi là Völkerwanderung của những người man di đến từ “vùng đất hoang” phía bên kia các đường biên giới của đế chế. Chúng ta đã từng mô tả hai lực lượng này là giai cấp bị trị trong nước và giai cấp bị trị nước ngoài của xã hội Hy Lạp cổ. Mặc dù khác nhau về mọi mặt, song họ giống nhau ở chỗ phải chịu sự khinh rẻ từ tầng lớp thống trị của xã hội Hy Lạp cổ, những tầng lớp thống trị của xã hội cũ đã mất phương hướng và mất quyền lãnh đạo. Sự thật là, Đế chế La Mã sụp đổ còn Giáo hội thì tồn tại, chỉ vì Giáo hội cho đi quyền lãnh đạo để nhận về lòng trung thành trong khi Đế chế La Mã đánh mất cả hai mặt nói trên. Vì thế mà Giáo hội, một thành viên “sống sót” từ một xã hội bị diệt vong, đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng cho một xã hội mới ra đời.
Vậy đâu là vai trò của những nhân tố khác trong mối quan hệ trực hệ của xã hội chúng ta trong giai đoạn quá độ, bắt nguồn từ thời kỳ Völkerwanderung, thời kỳ mà những kẻ bị trị ngoại bang tràn xuống từ phía bên kia đường biên giới của xã hội cũ – bao gồm người German và người Slav từ khu vực rừng Bắc Âu, người Sarmatia và người rợ Hung nô từ thảo nguyên Á-Âu, người Saracen từ bán đảo Ả Rập, người Berber từ dãy Atlas và sa mạc Sahara – những chính quyền thừa kế sớm nở tối tàn đã cùng Giáo hội chia sẻ sân khấu lịch sử trong suốt thời kỳ quá độ hay còn gọi là thời kỳ Anh hùng? So với Giáo hội, sự đóng góp của họ mang tính tiêu cực và không đáng kể. Hầu như tất cả họ đều bị tiêu diệt bằng bạo lực trước khi thời kỳ quá độ kết thúc. Người Vandal và Ostrogoth bị đánh bại hoàn toàn trong những cuộc phản công của Đế chế La Mã đang suy tàn. Lan bùng lên cuối cùng của ngọn lửa La Mã cũng đủ để thiêu cháy tất cả những chú thiêu thân đáng thương này. Những nhóm khác bị tiêu diệt trong những trận chiến huynh đệ tương tàn: chẳng hạn như người Visigoth, nhận đòn đầu tiên từ người Frank và đòn kết liễu từ người Ả Rập. Số ít còn tồn tại trong cuộc đấu tranh sinh tồn giữa các xã hội này dần dần bị thoái hóa và sống vất vưởng cho tới khi bị dập tắt bởi các lực lượng chính trị mới sở hữu sức mạnh không thể thiếu. Do đó mà các vương triều Merovingian và Lombard đã bị lực lượng mà sẽ là “kiến trúc sư” kiến tạo ra Đế chế Charlemagne, quét sạch. Chỉ có hai trong số “chính quyền thừa kế” của Đế chế La Mã cho thấy có các hâu duệ trực hệ trong số những quốc gia thuộc Âu châu hiện đại, đó là chính quyền Austrasia Frank do Charlemagne sáng lập và chính quyền Wessex của Alfred.
Do vậy mà thời kỳ Völkerwanderung và các sản phẩm sớm nở tối tàn của nó, giống như Giáo hội và Đế chế La Mã, đều là dấu hiệu của mối quan hệ trực hệ giữa xã hội Tây phương và xã hội Hy Lạp cổ, nhưng giống như Đế chế La Mã và khác với Giáo hội, chúng chỉ là các dấu hiệu và không hơn gì thế. Khi chuyển từ nghiên cứu về dấu hiệu sang nghiên cứu về căn nguyên, chúng ta sẽ thấy rằng, trong khi Giáo hội thuộc về cả tương lai lẫn quá khứ, thì các thể chế thừa kế của người man di, cũng như Đế chế La Mã, hoàn toàn thuộc về quá khứ. Sự sinh sôi của chúng đơn thuần là hệ quả của sự sụp đổ Đế chế La Mã, và sự sụp đổ đó là dấu hiệu cảnh báo hiển nhiên cho sự sụp đổ của chính bản thân chúng.
Việc đánh giá thấp đóng góp của người man di đối với xã hội Tây phương của chúng ta chắc hẳn gây sốc cho các nhà sử học phương Tây của thế hệ trước (chẳng hạn như Freeman), những người luôn coi tổ chức chính quyền Lập hiến là sự phát triển từ một số tổ chức tự trị nhất định mà họ cho rằng các bộ lạc của người Teuton đã mang theo từ “vùng đất hoang”. Nhưng các tổ chức Teuton nguyên thủy này, nếu chúng có tồn tại, cũng chỉ là các tổ chức sơ khai mang đặc tính của người nguyên thủy hầu như mọi nơi và mọi lúc, và thực tế là họ đã không tồn tại qua thời kỳ Völkerwanderung. Lãnh đạo của các đạo quân người man di là những nhà thám hiểm quân sự và bản chất của các thể chế kế thừa, cũng như bản thân Đế chế La Mã vào thời của nó, là chuyên quyền cứng rắn tôi luyện bởi chiến tranh. Chế độ chuyên quyền cuối cùng của họ đã bị dập tắt từ nhiều thế kỷ trước, khi một hình thái xã hội mới ra đời và dần dần sản sinh ra cái mà chúng ta gọi là tổ chức nghị viện.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.