Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Phần 8

Triều Trần đổ nát Núi Lam Sơn dựng cờ cứu nước

SỚ CHÉM BẢY NGƯỜI

Chu Văn An người làng Quang Liệt nay là xã Thanh Liệt huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Thuở nhỏ, An sớm là người có nghị lực, ngày đêm chuyên cần học tập, lại chăm sửa mình cho trong sạch, không cầu danh lợi. Lớn lên đi thi, Chu Văn An đậu Thái học sinh (tiến sĩ) đời Trần. Vốn là người ham đọc sách hơn ham mũ cao áo rộng nên ông không chịu ra làm quan mà lui về mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, giáp làng Quang Liệt. Cái học của ông chủ ở thực hành, cốt xét cho rõ lẽ, giữ ngay chính lòng mình, trừ gian tà, bỏ thói bậy. Học trò trong nước nghe danh đổ về theo học ông đông lắm. Trọng đạo làm thầy, giữ mình ngay thẳng, ông rất nghiêm nghị với học trò. Nhiều người sau này thành đạt rồi, như Phạm Sư Mạnh người ở Hiệp Sơn (Hải Dương) và Lê Quát người huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) đều đỗ Thái học sinh, làm quan đến chức Nhập nội hành khiển (Tể tướng) mà khi về thăm thầy cũng phải quỳ lạy dưới giường. Hễ được thầy bảo ban cho mấy lời thì lấy làm hân hạnh lắm. Bằng có điều gì không phải, thầy liền quở trách ngay, có khi còn quát mắng đuổi đi, không cho vào gặp. Khắp thiên hạ từ quan đến dân đều tôn quý ông, kính trọng ông như bậc thầy.

Tiếng tăm ông lừng lẫy động đến tận cung cấm. Vua Trần Minh Tông hâm mộ, liền vời ông ra làm Tư Nghiệp Quốc Tử Giám, giảng sử sách cho thái tử. Đáp lại thành lý của vua, ông đành rời Huỳnh Cung vào kinh thành nhận chức. Khanh tướng trong triều, nho sĩ bốn phương hay tin ấy đều hoan hỉ. Quan tư đồ Chương Túc Hầu Trần Nguyên Đán(1) làm bài thơ mừng ông, trong có câu:

Học hải hồi lan tục tái thuần

Thượng trường Sơn Đẩu đắc tư nhân.

(Bể học xoay chiều sáng, phong tục trở lại thuần hậu.Trường cao cấp nhất nước mời được ông thầy sáng như sao Bắc Đẩu, vững tựa núi Thái Sơn).

Vua Minh Tông mất, Trần Dụ Tông lên ngôi, chơi bời hư hỏng, phung phí của kho, tàn hại sức dân. Năm Quý Mão (1363), Dụ Tông sai đào hồ lớn ở vườn ngự nơi hậu cung; trong hồ chất đá giả làm núi, bốn mặt khai sông cho nước chảy vào. Trên núi trồng tùng trúc cùng nhiều thứ hoa thơm cỏ lạ, lại thả chim quý, thú hiếm. Phía tây hồ trồng hai cây quế, lập một toà điện gọi là Lạc Thanh điện và gọi hồ ấy là Lạc Thanh Trì. Lại đào một hồ nhỏ khác, bắt nhân dân Hải Đông chở nước biển về đổ vào đó để nuôi các hải vật như đồi mồi, ba ba, cá bể; buộc dân chúng Hoá Châu (Thừa Thiên) chở cá sấu đem về thả. Dụ Tông còn dung túng bọn nịnh thần lộng hành; nghe viên Ngự y Trâu Canh giết trẻ con lấy mật hoà với rượu làm thuốc uống cho khoẻ người; rủ bọn hào phú Đình Bảng (Bắc Ninh), Nga Đình (Hà Tây) vào cung đánh bạc mỗi tiếng bạc đến ba trăm quan để mua vui. Khi ấy, dân bị lụt lội mất mùa, người chết đói đầy đường. Thế mà Dụ Tông vẫn cứ nhơn nhơn, miệt mài hoang chơi không hề lo nghĩ; lũ quyền thần ra sức che đậy, bày trò mua vui xu nịnh nhà vua.

Việc triều chính đổ nát, lòng người li tán, dân tình oán hận, nhóm nhau nổi dậy như ong. Đau lòng vì việc nước, Chu Văn An mấy phen mặc triều phục đội mũ, cầm hốt đến trước bệ rồng giập đầu can ngăn. Dụ Tông vẫn không mảy may động lòng, lại có ý lảng tránh, không cho gặp. Chu Văn An bèn viết một tờ sớ dâng vua, xin chém bảy tên nịnh thần để trừ kẻ lộng quyền, giữ yên phép nước. Người đời vẫn gọi biểu ấy là Thất trảm sớ (sớ xin chém bảy người). Sớ đệ vào, Dụ Tông nể bảy người quyền quý đó nên bỏ qua. Chu Văn An thất vọng liền treo trả áo mũ vua ban ở ngoài cửa khuyết(2), bỏ về quê, mở lại trường dạy học. Ít lâu sau, nhân ra chơi vùng Chí Linh (Hải Dương), thấy phong cảnh núi Phượng Hoàng đẹp, ông dời nhà đến ở, tự mệnh danh là Tiều Ẩn(3) làm thơ, dạy học.

Dụ Tông có lần tỏ ra hối tiếc, muốn mời ông lại trao cho chức quyền. Ông thấy Dụ Tông vẫn hư hỏng thì cố từ chối, nhất định không chịu ra. Bà Huệ Từ Thái hậu biết chuyện, mới bảo Dụ Tông:

– Người ấy là bậc cao hiền. Nhà vua không thể bắt người ta làm bề tôi được thì làm sao có thể giao chính sự cho người ta.

Vua giữ lòng kính trọng, thường sai người đem lễ vật đến ban tặng. Ông đều kiếm cớ chối từ. Lần nào khó từ tạ phải nhận, ông liền đem cho hết.Năm Canh Tuất (1370), ông mất tại nhà riêng ở Chí Linh. Vua Trần Nghệ Tông mới lên ngôi, nhưng vốn mến tài đức ông, nên sai quan đại thần về tận quê ông để tế, lại ban tên thuỵ là Văn Trinh và cho thờ ở Văn Miếu.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x