
Ngọn Hải Đăng Nơi Cuối Trời – Đọc Sách Online Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Ngọn Hải Đăng Nơi Cuối Trời của tác giả =Jules Verne mời bạn đọc thưởng thức.
Chương 2: Hòn Đảo “Đa Quốc Gia”
Hòn đảo “Đa Quốc gia” hay còn gọi là “Vùng đa Quốc gia” nằm ở cực đông nam của Tân lục địa. Đó là mảnh đất cuối cùng nằm ở cực đông của quần đảo Magellan mà những trận địa chấn thời kỳ Pluto đã cấu tạo nên, nằm ở vĩ tuyến năm mươi lăm, cách vòng cực nam khoảng ba3y độ. Đảo được bao bọc bởi nước biển của hai đại dương, những con tàu đi từ đại dương này sang đại dương kia vẫn thường xuyên đi ngang qua nó, khi thì từ hướng đông bắc lại, khi thì từ hướng tây nam khi đã vượt qua mũi Horn.
Vùng biển đẹp, chỉ rộng từ 25 đến 30 cây số, được một nhà hàng hải người Hà Lan tên là Lemaire khám phá ra từ thế kỷ 17, nên vùng biển mang tên ông này, là vùng biển phân cách giữa đảo “Đa Quốc gia” và vùng “Đất lửa”. Biển này giúp cho các tàu thuyền có một con đường vừa ngắn vừa dễ đi hơn, tránh được các cơn sóng bừng đáng sợ vẫn thường hoành hành ở vùng duyên hải của đảo Đa Quốc gia.
Đảo này phân cách về phía đông với eo biển Lemaire trên một chiều dài chừng mười hải lý kéo dài từ mũi Santa – Antoine đến mũi Kempe và những tàu hơi nước cũng như thuyền buồm khi đi qua đường này được che chắn nhiều hơn là khi đi qua đường phía nam của đảo. Chiều dài của đảo Đa Quốc gia đo được ba mươi chín hải lý nằm theo hướng đông tây, từ mũi Saint – Barthélemy đến mũi San – Juan, còn chiều rộng của nó dài từ mũi Colnett đến mũi Webster, đo được mười một hải lý.
Bờ biển của đảo Đa Quốc gia cực kỳ manh mún. Đó là một chuỗi những vịnh, những vũng mà lối vào thường bị những cù lao, những tảng đá ngầm chắn ngang. Rất nhiều tàu thuyền đã bị đắm ở đây, ngay dưới những vách đá dựng đứng hay những bờ lởm chởm đá tảng mà ngay những hôm trời lặng, sóng biển ở đây cũng tạo nên những tiếng ì ầm giận dữ.
Đảo không có người ở, nhưng không phải là không sống được, tháng Mười một, tháng Chạp, tháng Giêng, và tháng Hai làm thành mùa hạ của nơi vĩ độ cao này. Các đàn thú có thể tìm ra đủ thức ăn trong những cánh đồng rộng trải dài bên trong đảo, đặc biệt là khu vực nằm ở phía đông của cảng Parry, lọt thỏm giữa mũi Conway và mũi Webster.
Ngay khi những lớp tuyết dày tan ra dưới ánh nắng của mặt trời nam cực thì những bãi cỏ xanh mượt đã hiện ra và mặt đất sẽ còn giữ mãi một độ ẩm thích hợp cho đến mùa đông. Có lẽ những loài động vật nhai lại quen với điều kiện sinh sống vùng cực nam rất phong phú ở đây. Nhưng khi mùa lạnh đến thì cần phải đưa đàn thú về những nơi có khí hậu ôn hòa hơn, hoặc ở vùng Patagonie, hoặc ở ngay vùng Đất lửa.
Ta có thể gặp nơi đây vài ba con hoẵng, một loài hươu nhỏ có thịt rất ngon khi nướng hay quay. Và nếu như những con thú đó không chết đói trong suốt mùa đông kéo dài ở đây là vì chúng biết cách bới tuyết để tìm những rễ cây hay loài rêu mà dạ dày của chúng có thể tiêu thụ.
Hai bên những cánh đồng trải dài ra ở trung tâm của đảo một vài cánh rừng thưa phô bày những nhánh cây khẳng khiu cùng những chùm lá vàng nhiều hơn là xanh. Đấy là những cây sồi vùng địa cực có thân cao tới hai mươi mét, cành của chúng đâm ngang, hoặc là một vài loại cây gai có thể cho một thứ tinh dầu thơm như mùi vani.
Thực ra thì những cánh đồng và cánh rừng chỉ chiếm khoảng một phần tư diện tích toàn đảo. Phần còn lại là những núi đồi mà thành phần chính của chúng là đá thạch anh, rồi những thung lũng sâu, những dãy đá trôi giạt kéo dài rải rác đó đây, kết quả của những cuộc phun trào núi lửa vào thời rất xa xưa.
Ngày nay người ta cũng chẳng còn tìm ra được những miệng núi lửa trong vùng Fuégie hay Magellan. Ở phần trung tâm của đảo có những cánh đồng rộng trông như những thảo nguyên và trong tám tháng mùa đông địa cực, không có một cây cỏ nào có thể mọc lên giữa lớp băng tuyết phủ kín mặt đất. Càng về phía tây của đảo thì địa hình càng trở nên rõ nét với những vách đá cao đứng rải rác trên bờ biển.
Nơi đây có cả những quả núi cao mà đỉnh của chúng có thể lên đến gần 1. 000 mét so với mực nước biển. Đứng trên những ngọn đó, tầm nhìn của ta có thể bao quát toàn đảo. Đó chính là cái vành đai cuối cùng của dãy núi Ande kỳ diệu trải dài từ bắc xuống nam, làm thành cái sườn vĩ đại của tân lục địa.
Chắc chắn là trong những điều kiện khí hậu như thế, dưới ảnh hưởng của những cơn giông tố lạnh lẽo khủng khiếp ở vùng địa cực thì các loài thảo mộc của đảo chỉ còn lại vài loài hiếm hoi, những loài không thể nào quen được với thủy thổ của vùng lân cận với eo biển Magellan hay quần đảo Malouines cách bờ biển Fuégie chừng một trăm hải lý. Đó là những cây huyền sâm, cây đậu chổi, cây địa du, cây rau thủy… những loại cây này có màu sắc rất nhợt nhạt.
Dưới sự che khuất của các tán cây rừng lẫn giữa các đám thấp lè tè của đồng cỏ, những bông hoa nhợt nhạt của các loài thảo mộc kể trên phô bày trăm hoa, nhưng khi vừa nở xong thì lại tàn héo ngay. Dưới chân những tảng đá ở bờ biển, trên các sườn dốc có nhiều phấn thổ, các nhà tự nhiên học còn có thể tìm thấy những loài rêu và những rễ cây có thể ăn được; thí dụ rễ cây khô (họ đỗ quyên) mà các bộ tộc Pécherais ăn thay cho bánh mì, tuy nhiên chúng cũng chẳng có mấy chất dinh dưỡng.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.