
Ngu Ngơ – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
GIAI ĐIỆU TỰ HÀO
Mấy năm nay thi thoảng bật ti vi lên, vô tình lọt vào tai tôi, mắt tôi những “Bài ca đi cùng năm tháng” qua chương trình “Giai điệu tự hào” của truyền hình Việt Nam. Và mới tối thứ sáu vừa rồi tôi lại nghe gần hết “Giai điệu tự hào”. Phải, tự hào lắm, nhưng tôi thực sự không hiểu và đâm ra lo lắng. Lo lắng và buồn…. Cái buồn khó nói. Tôi cứ có cảm giác chúng ta đang mất đi, không phải ngay một lúc mà dần dần, mỗi ngày một ít. Rồi sẽ có ngày cái mà chúng ta trân trọng nâng niu sẽ không còn là “Bài ca đi cùng năm tháng” nữa…
Sau mỗi bài hát là màn hỏi đáp rất ngô nghê của cả người dẫn chương trình lẫn người được mời tham dự “Hội đồng”. Trẻ cũng như già. Kẻ tung, người hứng, cổ xuý cho những thứ họ (tôi nhấn mạnh), chỉ họ thôi chứ không phải chúng tôi, những khán thính giả bất đắc dĩ.
Nhìn những vẻ mặt ngượng nghịu, cách trả lời lấp lửng của nhạc sĩ, người có ca khúc được trình diễn trong “Giai điệu tự hào”, tôi thấy họ đã trả lời không thành thật. Họ miễn cưỡng hài lòng.
Ngay thuật ngữ “cũ” mà người ta gán cho những ca khúc mà một thời cùng ăn, cùng ngủ, cùng hành quân, cùng chiến đấu với những người đã từng yêu thương và căm giận, đã từng hiến dâng tuổi thanh xuân và cả máu của mình cho dân tộc này đủ thấy ở những người làm chương trình lộ ra sự kém hiểu biết, cả về chiều ngang, chiều dọc và chiều sâu của ngôn từ. Họ vô tình đến vô tâm để rồi làm biến dạng, méo mó nhiều giá trị tinh thần. Trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, nhiều, rất nhiều người đã ngã xuống. Máu của nhiều người con ưu tú đất Việt đã đổ. Nhiều bộ phận trên cơ thể đã không cùng trở về với những người chiến thắng. Chúng nằm lại đâu đó trong những cánh rừng già, trong những chiến hào khét lẹt mùi thuốc súng…
Có lần tôi được tham dự buổi quay “Gala Giai điệu tự hào”, do NSƯT Kiều Hưng mời. (Anh có trình bày trong Gala đó). Tôi tưởng chẳng quen ai, không ngờ lại gặp người quen, nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn (1929-2016). Anh nhận ra tôi trong muôn vàn khuôn mặt trong trường quay. Chúng tôi chỉ kịp tranh thủ trao đổi sơ qua một vài câu về công việc và thăm hỏi sức khỏe. Thời gian ở trường quay không có nhiều. Nhất là anh. Ngày ấy người dẫn chương trình là nhà thơ Hồng Thanh Quang. Anh ta nói tràng giang đại hải. Một câu những “bài hát cũ”, hai câu những “bài hát cũ”. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã chỉ thẳng vào mặt Hồng Thanh Quang mắng: “Đã ngu dốt thì nên im lặng, chịu khó học hỏi. Người ta sẽ nói cho mà nghe, đằng này lại cứ, luyến thoắng, mồm mép, nói năng huyên thuyên”. Cố nhiên khi phát nhà đài đã “cắt” đi phần nhạy cảm này…
Tại sao chúng ta phải “làm mới” những giai điệu đã đi vào lòng người? Phải chăng không làm mới không được? Nếu nói không “làm mới” thì công chúng hôm nay sẽ không hát, không nghe nữa thì quả thật hàm hồ. Tôi biết có những ca sĩ như Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Anh Thơ… vẫn hát những bài hát “cũ” mà công chúng vẫn đón nhận đầy đủ, không mảy may thiếu phân, lạng nào. Tôi cũng biết có gia đình ba thế hệ: cha, con, cháu đều đã, đang và sẽ còn yêu thích giọng hát Kiều Hưng.
Tôi thiển nghĩ. Thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ hôm nay cứ sáng tác, cứ hát những ca khúc “mới” phù hợp với cách nghĩ, cách cảm của các bạn. Nếu hay, chúng tôi sẽ vỗ tay tán thưởng. Chỉ xin các bạn làm ơn đừng “làm mới” các giá trị, các giai điệu truyền thống. Hãy trả lại cho đất nước này những giai điệu như nó vốn có. Hãy trân trọng, hành xử một cách trung thực và có văn hoá với các tác phẩm âm nhạc. Trong đời sống âm nhạc nói riêng và đời sống văn học nghệ thuật nói chung không có “cũ, mới”. Chỉ có hay và chưa hay. Chỉ có tồn tại lâu hay mau trong dòng chảy âm nhạc mà thôi. Nếu vì một lý do gì đấy “bắt buộc” phải hát, phải biểu diễn các ca khúc “cũ” thì hãy hát, hãy trình diễn sao cho nhạc sĩ nhận ra đấy là nhạc phẩm của mình, người thưởng ngoạn nhận ra đấy là ca khúc mình yêu thích….Thời đại đang thay đổi. Sở thích cũng đang thay đổi. Thời chúng tôi từng sống, từng nghe, nhiều ca khúc được phối khí còn sơ sài (vì thiếu thốn đủ thứ), nhiều ca từ còn ngô nghê (vì cần phải phục vụ vào những nhiệm vụ cụ thể). Vậy mà khá nhiều ca khúc đến nay vẫn còn xúc động lòng người. Nên chăng, nếu có lòng, các bạn nên phối khí lại những ca khúc “cũ” ấy. Tôi lấy ví dụ như ca khúc “Gửi em chiếc nón bài thơ” của cố nhạc sĩ Lê Việt Hoà (1935-2014). Đã được phối khí lại với giọng ca của Trọng Tấn đã tôn lên vẻ đẹp của giai điệu. Mới nhưng người nghe vẫn nhận ra nó như nó vốn có. Mới mà vẫn quen thuộc. Nghĩa là trường độ, cao độ, luyến, láy, lặng của ca khúc vẫn là những gì mà nhạc sĩ đã thổi hồn vào nhạc phẩm của mình. Nên thế và chỉ dừng ở đấy thôi.
Có thể không muốn nghe nhưng tôi cũng phải thành thật nói với những người làm chương trình “Giai điệu tự hào” là đừng lãng phí thời gian, tiền bạc vào những cái “mới” mà các bạn tâm đắc hôm nay. Vì rất nhanh thôi nó sẽ lại “cũ”.
Đừng để con cháu chúng ta lại phải “làm mới” những cái “mới” hôm nay…
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.