Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Ngụ Ngôn của tác giả Doãn Quốc Sỹ

LUẬN VỀ THỂ NGỤ NGÔN

Chúng ta hãy tuần tự xét ba vấn đề sau đây về thể ngụ ngôn :

– Nguồn gốc thể ngụ ngôn Đông Tây

– Vấn đề chính danh

– Tác dụng của thể ngụ ngôn

A) NGUỒN GỐC THỂ NGỤ NGÔN ĐÔNG TÂY

Nói về thơ ngụ ngôn ta thường nghĩ ngay đến Esope, La Fontaine của Tây phương và thâm tâm thường như có khuynh hướng chấp nhận ngay thuỷ-tổ thể thơ ngụ ngôn là Esope. Song le trước khi sang vấn đề chính danh, còn quan niệm ngụ-ngôn theo nghĩa thật rộng, thì bài ngụ ngôn cổ nhất còn truyền lại tới ngày nay lại là của Trung-Hoa. Vậy cho hợp lý chúng ta phải nói về ngụ ngôn Đông phương đã, sau đó hãy xét sang Tây-phương.

1) NGỤ NGÔN ĐÔNG PHƯƠNG

Chúng ta tuần tự xét từ Trung-Hoa qua Ấn-Độ rồi nước Việt nhà :

a) Ngụ ngôn Trung-Hoa

Theo Nguyễn trọng Thuật trong một bài báo đăng trong Nam-Phong tạp chí của ông thì lối văn ngụ ngôn trong văn học sử thế giới có lẽ là có sớm nhất ở Trung Quốc, đó là bài thơ « Quạ Kia » của Ông Châu-công trước Tây lịch ước hơn một ngàn năm.

Nguyên vua Vũ-Vương là anh ông Châu-Công đánh bại vua Trụ lấy được thiên hạ của nhà Thương, rồi thương tình phong cho con vua Trụ là Vũ-Canh ở một xứ nhỏ và cho hai em là Quản Thúc và Sái-Thúc đến giám-đốc. Ít lâu sau Vũ-vương chết, con là Thành-vương còn nhỏ lên nối ngôi, Châu-Công làm Thủ-tướng. (Chính ông là người đã thay mặt Trung-quốc tiếp đãi lần đầu sứ thần nước ta). Thấy Vũ-Vương mất rồi, Quản-thúc với Sái-thúc bèn mượn tiếng Vũ-Canh dấy lên làm phản, phao ngôn đi rằng : « Châu-Công muốn lợi dụng thằng bé con ». Châu-Công phải đi đánh giết được Quản-Thúc và Vũ-Canh mà xem ý Thành-vương cũng còn chưa tin bụng mình mới làm ra bài thơ « Quạ Kia » đưa về cho Thành-vương để tỏ lòng ưu quân ái quốc của mình, mượn lời con chim mẹ bảo con quạ « Mày đã bắt mất con tao, mày đứng phá nhà tao nữa ». Chim mẹ ví vào Ông, con quạ ví Vũ-Canh, chim con bị giết ví Quản Thúc, tổ chim ví quốc gia nhà Châu.

Bản dịch toàn bài « Quạ Kia » như sau (bản dịch cũng của Nguyễn trọng Thuật).

« Quạ kia đã bắt con ta,

Thôi đừng phá hủy cửa nhà ta chi.

Biết bao bú mớm bù trì,

Thương con ai cũng lòng kia khác nào.

Hôm nay trời chửa mưa dầm

Bẻ cành dâu để ta khuân về nhà

Khuân về chằng buộc nhà ta,

Dưới kia ai dám lân-la nhòm hành.

Ta đi tha rác mọi nơi,

Ta đi tìm kiếm lấy mồi chắt-chiu,

Chân nam đá với chân chiêu,

Miệng khô vì nỗi dùm kiu cửa nhà.

Ta kêu réo rắt gần xa,

Đuôi ta cụp lại cánh ta xập xòe.

Vì chưng gió lật mưa đè,

Cửa nhà lay chuyển chỉn e rã rời ».

Xuống đến đời Đông Châu, nghĩa là từ Xuân Thu đến Chiến-Quốc, hơn bốn trăm năm thời cục xoay dần ra cái thế liệt quốc cạnh tranh, học thuật tự-do, tư tưởng tự do, ngôn luận tự do, nhân đó triết học, văn học phát triển mạnh, các phái học giả đua nhau nào lập thuyết, nào du thuyết để răn khuyên người đời, do đó lối văn ngụ ngôn càng phồn thịnh dữ, mà Trang tử và Mạnh-tử là hai kiện tướng lừng danh về loại văn thể này. Từ đời Tần trở về sau lối văn ngụ ngôn có sút kém.

b) Ngụ ngôn Ấn-Độ

Trong kinh-sách Phật-giáo – vẫn theo lời Nguyễn trọng Thuật – thì những bài dụ (ngụ-ngôn) là để dễ bề cảm hóa đám chúng sinh bình dân, trình độ trí thức kém. Song những bài dụ đó thiên về tư tưởng xuất thế, khác hẳn với tư tưởng gần nhân sinh xã-hội của loại ngụ ngôn khác. Tỷ như câu chuyện dụ-ngôn về người đời : « Có một người bị bốn con cuồng tượng đuổi chạy đến cái hố sâu vô để, miệng hố có cái dây leo thòng xuống. Người ấy bám dây lần xuống, đến nửa chừng, trông xuống thì thấy những giống độc ác, trông lên thì thấy có hai con chuột đến gặm cái dây ».

« Người ấy » chỉ về người đời, « bốn con cuồng tượng » ví bốn cái nghiệp nó khu bách người ta, « cái dây » ví với đời người ; « hai con chuột gặm » ví ngày tháng mòn mỏi, « dưới hố » ví nơi sa đọa. Nghĩ đến đời người như thế còn có thú gì mà không tu hành giải thoát. 1

Thật ra không phải chỉ về sau trong kinh sách nhà Phật mới có những dụ ngôn (như tập Jataka kể lại những chuyện tự hằng hà sa số kiếp tái sinh của Đức Phật), mà ngay sinh thời đức Thích-ca, Ngài cũng vẫn thường dẫn những chuyện về muông thú cỏ cây để các tín đồ dễ hiểu những lời thuyết giáo của Ngài.

Nhưng có lẽ nguồn gốc ngụ ngôn cổ nhất của Ấn-độ phải kể tới tập cổ thư viết bằng chữ Phạn Panchatantra (Ngũ Thư). Những truyện ngụ ngôn trong tập cổ thư này thường rất dài, mắc míu đan dệt truyện nọ vào với truyện kia như kiểu những truyện trong « Ngàn Một Đêm Lẻ ». Còn nội dung cũng mang đậm màu sắc một lời khuyên hiền triết hơn là cái nhìn dí dỏm về nhân sinh.

Cũng những ngụ ngôn trong Panchatantra, bản dịch sang tiếng Ả-rập mang nhan đề là : « Ngụ ngôn của Pidpai ». Chính Pidpai được coi như ông tổ của thể ngụ ngôn Ấn-độ, nhưng tiểu sử của ông thì rất mờ mịt, chẳng biết ông sống vào thời nào và ở nơi nào tại Ấn-độ. Người ta chỉ biết ông là một nhà tu hành và đã từng phò tá vua Dabchélim (?).

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x