Ngược Đường Trường Thi – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
CÁI TIẾT THÁO BÌNH THƯỜNG KHÔNG CAO KHÔNG THẤP CỦA MỘT KẺ SĨ HỒI CUỐI MẠC
Hồi đầu nhà Trần, nước ta bị rợ Mông Cổ sang lấn đất, định biến giang san mình thành một hành tinh của đế quốc Mông Cổ. Khi ấy, nhờ lòng người cố kết, trên dưới một lòng, nên ta đuổi nổi kẻ thù ra ngoài cõi, giữ vững nền độc lập, mặc dầu quân Mông Cổ là quân đã chinh phục được từ Đông Á đến Tây Âu, từ đồng tuyết Tây Bá Lợi Á đến bờ sông Hằng Hà, mặc dầu quân ấy ba lần thiên binh vạn mã kéo sang ta, mặc dầu ở nước ta có nhiều kẻ phản.
Mặc dầu bên ta có nhiều kẻ cam tâm thờ giặc. Chỗ mặc dầu này quan hệ lắm, ta nên xét kỹ hơn. Lúc quân Mông cổ lấn cõi, chiếm hồ hết đất nước ta, từ Ninh Bình đến cửa Nam Quan, từ đèo Hoàng Mai vào đến Nghệ Tĩnh, lúc ấy ai còn tin rằng ta có thể đuổi được quân giặc. Thói thường vẫn thế, tin vào cái thế có thể có được chứ không ai tin vào cái thế nghìn mất một còn. Đại biểu cho cái tâm lý ấy là bọn Trần Ích Tắc, Trần Kiện Lê Tắc. Trần Ích Tắc là chú ruột vua Trần Nhân Tông, anh ruột Trần Nhật Duật. Trần Kiện là cháu vua Trần Thái Tông. Lê Tắc là gia thần Trần Kiện. Trần Kiện khi ấy trấn Nghệ An. Đáng lẽ y phải hợp sức với Trần Quang Khải chống với quân Toa Đô ở Chiêm Thành ra, y lại bàn với gia thần của y là Lê Tắc rằng:
– Nước nhỏ không địch được nước lớn, kẻ yếu không đương nổi kẻ mạnh. Đời xưa, Vi Tử đầu nhà Chu là phải lắm. Ta đây là con cháu vua nước Nam, ta không thể để cho nước ta tiêu diệt.
Bằng cái giọng nói rửa mặt vô lý và phản quốc ấy, y đem cả gia quyến cùng ba vạn quân dưới quyền y ra hàng Toa Đô.
Câu ấy phát biểu một cách rõ rệt cái tâm lý của kẻ “chỉ trông mong ở sự mạnh yếu một thì mà không có lòng tin là sức mạnh muôn thuở”.
Câu ấy, phản bội một cách rõ rệt và về đủ các phương diện đối với câu của Trần Thủ Độ và Trần Quốc Tuấn: “Đầu tôi còn thì bệ hạ đừng lo” – “Bệ hạ chặt đầu Tuấn trước rồi hãy nói chuyện hàng”.
Các anh có xem thi kéo dây bao giờ không? Hễ mà đôi bên còn ngang sức nhau thì bên nào bên ấy còn cố sức cả, kẻ đứng xem cũng không thiên vị bên nào. Hễ một bên nghe chừng đuối thì lòng chán nản đã bắt đầu có ở người kéo dây bên đuối, lòng thiên vị đã bắt đầu nảy nở ở kẻ đứng xem. Đuối lắm, thiên vị lắm, chán nản lắm, có khi người ta thấy kẻ kéo bên đuối bỏ phe mình mà qua kéo bên khỏe, kẻ đứng xem ồ vào giúp bên khỏe. Kẻ đương đầu thì cục là người kéo dây, dân chúng là lũ người xem kia. Hồi nhà Trần chống rợ Nguyên, lũ Trần Ích Tắc Trần Kiện là đứa kéo dây bỏ đầu dây bên này sang đầu dây bên kia.
Còn ra biết bao nhiêu kẻ đã hoặc ngấm ngầm hoặc công nhiên hàng giặc. Những tráp thư tín vãng lai với giặc, sau khi quân Mông Cổ ra khỏi cõi, chính phủ đã bắt được cả. Giá truy nguyên ra thì triều đình nhà Trần có thể làm tội được mấy ngàn kẻ nữa. Nhưng vua Nhân Tông, một là vì bụng khoan hồng nhân hậu, hai có vì hiểu thấu tâm lý của kẻ bình thường nên đã đem đốt hết, không thèm xem. Thật thế bọn tầm thường ấy chỉ có cái tâm lý của kẻ vỗ tay vào chỗ an vui, lảng xa những nơi hiểm trở. Giặc Nguyên lấn cõi thì phản bội, nhưng sau trận Bạch Đằng thì bụng họ lại cố kết với Trần ngay.
Trong chục triệu con người mấy ai có cái gan quyết đánh, quyết thắng, quyết tìm cả ở những lúc mà công việc trước mắt khiến gan nào cũng mềm, chí nào cũng núng, tin nào cũng lung lay? Hồi Đại cách mệnh ở Pháp, dân chúng đã hoảng sợ muốn lùi rồi. Danton gào ở Viện: “Hỡi đồng bào! Tiếng súng đồng bào nghe đó, chẳng phải tiếng súng cấp cứu đâu mà là tiếng súng quân ta bắn giặc. Phải quả cảm, phải quả cảm, rồi Tổ Quốc sẽ thoát khỏi hiểm nghèo!”. Có lẽ sự thật là tiếng súng cấp cứu, nhưng Danton nói ra như thế để giữ lòng tin đã trùng, quả cảm đã lung lay!
À mà thôi, tôi kéo dài mãi thì lại sắp nói đến cả lịch sử thế giới bây giờ. Tôi quay lại chỗ đương nói, chỗ những người phản nhà Trần ra đón quân Nguyên. Về chỗ ấy Sử lại chép rằng: Dân hai làng Bằng Hà, Ba Điểm, cả làng theo giặc. Cả hai làng theo giặc, cái đó có khiến các anh nghĩ ngợi gì không? Sự phản bội khi đó nhiều lắm, nhưng đều là hành động của cá nhân cả. Nhiều người phản, nhưng ở mỗi người đều là cách cư xử riêng. Đây ta thấy cả hai làng phản, ta thấy một cái hành động nhất trí của một đoàn thể. Cả đoàn thể phản? Cái đó, chúng ta phải nghĩ ngợi lắm.
Từng người phản cái cớ phản chỉ là lợi riêng chứ không phải vì mối gì chung. Cả làng phản, cái đó khiến ta phải tìm một cái cớ chung. Tại làm sao mà cả làng lại phản. Tôi nói một cái thí dụ gần hơn cho các anh nhận ra ý tôi muốn nói. Thí dụ như ở trường này. Ở lớp nào cũng có học trò hỗn, hay nói chuyện, nhưng đó là những việc cá nhân và rời rạc, cái đó ông hiệu trưởng cùng cả trường không đáng chú ý. Nhưng ví phỏng ở một lớp, lớp này chẳng hạn, hốt nhiên cả lớp cứ làm rầm trên trước mặt tôi, không thèm nghe, không thèm học nữa, thì trước hết là tôi đây, sau đến ông hiệu trường phải lấy làm lạ, phải tự nghĩ hay tìm xem vì cớ gì mà cả lớp hơn năm chục người mà lại có cử chỉ nhất trí ấy…
Học trò nhao nhao vừa nói vừa cười:
– Bẩm không thể được ạ, bẩm không khi nào ạ…
– … Tôi biết rồi, không khi nào các anh lại thế. Nhưng ví phỏng có khi nào thì có phải là có một cái cớ chung hay không? Cái cớ đó đã khiến cả lớp cách mệnh ông thầy, các anh có hiểu không?
Sách liên quan
Thanh Mai – Đọc sách online ebook pdf
Vô Tụ Long Hương
Hoàng Hậu Vô Đức – Đọc sách online ebook pdf
Tửu Tiểu Thất
Câu Lạc Bộ Dumas – Đọc sách online ebook pdf
Arturo Pérez-Reverte