Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

• Nhìn xứ Quảng từ đèo Hải Vân qua cảm hứng thi ca

• Địa danh Quảng Nam có từ năm 1471

Nghĩ về Quảng Nam, hẳn trong ký ức của nhiều người thấy hiện lên một dãy đèo sừng sững, cao ngất, uy nghi giữa trời mây thênh thang, bát ngát. Trước mắt mở ra một vùng biển xanh trập trùng, xanh đến nao lòng. Bởi còn nghe sóng réo bên tai. Xanh đến ngây dại. Bởi mây xanh đang cuồn cuộn trên đầu. Phóng tầm mắt ra xa hơn, ta sẽ thấy thành phố Đà Nẵng nằm phía dưới kia lấp lóe sáng những ngọn đèn như nến thắp.

Phóng tầm mắt ra xa hơn nữa, ta sẽ thấy từ xa tít kia là vòm mây đang bay thong dong, thong thả. Và sau mây trắng phiêu bồng ấy kia dường như ngọn Ngũ Hành Sơn đang thấp thoáng hư ảo. Bất chợt thấy lòng như thoát tục, tâm trí nhẹ nhàng. Như đang đặt chân lên cõi thiên thai xa xăm. Như vừa rũ bỏ nhọc nhằn cơm áo từng ngày ám ảnh. Rũ bỏ mọi hỉ, nộ, ái, ố của cái cõi trần gian muôn mặt bất trắc. Đang thả hồn mơ mộng như thế, bỗng nghe ai đó gọi.

Giật mình. Ngoảnh lại, thấy ngay trước mắt là vách núi sừng sững. Đừng vui và cũng đừng buồn trong lúc này. Hãy nghe từ trên cao xanh kia, những dòng suối đang chảy róc rách như muốn hòa chung bản tình ca độ lượng giữa thiên nhiên và con người. Dòng suối ngàn đời cứ tuôn chảy dạt dào như một lẽ tự nhiên. Không cố gắng. Không điệu đàng. Không làm tịch làm bộ. Đó cũng là phẩm chất của thi ca. Dòng cảm xúc tuôn trào ồ ạt như một điều kiện cần phải có, chứ không thể nào khác được.

Khi đứng nhìn dòng suối chảy dạt dào kia, có lúc ta lại hỏi sao lại không dám sống một cách hồn nhiên và khoáng đạt như thế? Cảm giác này tôi có được khi đứng trên đèo Ải Vân (hay Hải Vân). Nó có độ cao 496m so với mặt biển, dài chừng 20km, đỉnh đèo gần như luôn quyện trong mây. Thử tưởng tượng một sáng đầu xuân, dừng chân đứng trên đỉnh đèo, khoác thêm chiếc áo ấm bởi sương giăng như mưa và mưa nã nớt bay như mây bềnh bồng thì tâm hồn ta bất chợt có một cảm giác bâng khuâng đến lạ thường.

Bâng khuâng như vừa cầm được tay người con gái ta yêu, tưởng chừng lúc ấy có một dòng máu nóng chảy qua tay mình, tưởng chừng như trái tim của người ấy đang đập trong ngực mình dù chưa một lần dám tỏ tình. Bâng khuâng như đêm về nhớ lại một mùi son thơm còn thấp thoáng trên môi. Son như lửa đỏ. Không nguôi nhớ.

Ngày trước, do địa thế hiểm trở, mỗi bước chân leo dốc vượt đèo cực kỳ gian nan nên các bậc thức giả đã xúc cảm thành thơ. Thơ có thể ra đời khi mà tâm hồn của thi nhân gợn lên một “vết xước” nào đó. Cũng giống như hạt cát cần phải có để tạo ngọc cho trai. Cũng giống như lúc ngọn tình ái quất vào trái tim để tạo ra một vết thương. Một vết thương êm ái và nhọc nhằn. Nhưng không chỉ có thế. Sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự thân thiện của cây cỏ, sự nhân ái của loài người cũng tạo ra nguồn cảm hứng cho thơ.

Với đèo Hải Vân thì lạ lắm, nếu qua đèo bằng xe ô tô lăn bánh ngon trớn, ngồi ung dung trong điều hòa không khí lại khó có thể có cảm hứng cho thơ. Tôi nghĩ như thế, vì sau này khi khảo sát thơ ca Việt Nam hiện đại ít thấy có thơ viết về đèo Hải Vân. Trong khi đó, ở thế kỷ trước hầu như các nhân vật lừng lẫy khi qua lại nơi này đều có thơ ngâm vịnh.

Mà vượt qua đèo Hải Vân, theo tôi, sự thú vị không ở chỗ đi xe hơi. Phải đi bằng xe lửa. Hoặc đi bộ. Có thế, ta mới sống, mới cảm nhận được hết sự quanh co, khúc khuỷu, gập ghềnh của con đường uốn lượn quanh đèo xuyên núi mà không một địa thế nào có thể thay thế được.

Ở thế kỷ XVIII, có một nhà bác học kiệt xuất, chỉ với bàn tay thư sinh nho nhã mà có thể thu tóm cả tri thức của loài người. Đó là Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Mười ngón tay ông đã chạm đến nhiều lãnh vực và để lại những dấu ấn huy hoàng từ nghiên cứu lịch sử, địa chí, ngôn ngữ đến triết học.Ông lên Hải Vân chắc chắn không phải bằng xe lửa, mà bằng những bước chân nhọc nhằn, bằng những giọt mồ hôi xối xả, bằng những cheo leo mệt nhọc.

Ông bảo đây là “đất cổ họng của Thuận – Quảng” (Phủ biên tạp lục). Một cách gọi tài tình và đầy ấn tượng. Sau này, nhà nghiên cứu Dương Văn An trong sách Ô Châu cận lục cũng đánh giá Hải Vân “bền vững như chiếc khóa vàng, chính là nơi đầu não của miền Thuận – Quảng”. Nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông, người phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc huyện Vàm Cỏ – Long An) trong bài thơ Hải Vân quan – nhìn thấy: Núi non quanh co như bầy rồng, Chạy từ tây sang ngăn bể đông. Cheo leo đường trạm bên sườn núi, Đá dựng như vách giữa không trung. Cao Tự Thanh – Đoàn Lê Giang dịch Hơi thơ hào sảng.

Khí thơ ngất trời. Bốn câu thơ như vẽ ra trước mắt ta cái cảnh hiểm trở, cheo leo. Bút lực như thế hẳn không phải là người tầm thường. Nhưng có lẽ, bài thơ hay nhất, được nhiều người biết đến nhất vẫn là bài thơ của Trần Bích San. Cụ là học trò của Tiến sĩ Phạm Văn Nghị, người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc (Nam Định); đậu Giải nguyên, Hội nguyên và Đình nguyên nên được người đời gọi là Tam nguyên Vị Xuyên.

Còn vua Tự Đức đổi tên cho cụ là Trần Hy Tăng – ví như Vương Tăng đời Tống cũng đậu Tam nguyên. Sau khi thi đậu, cụ được “bố trí” làm tri phủ T hăng Bình (Quảng Nam). Những ngày tháng này, cụ có ba lần đi lại trên đèo Hải Vân và có được bài thơ tuyệt hay. Đây là bài thơ mà tôi thường nhớ đến khi lang thang trên đèo Hải Vân. Thơ không chỉ vẽ lên cảnh sơn thủy kỳ thú mà qua đó, còn bộc bạch một quan niệm về sáng tác. Một quan niệm mới mẻ của thời ấy và nay vẫn còn “ý nghĩa thời sự”.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x