
Người Xô Viết Đã Chiến Đấu Vì Điều Gì – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Người Xô Viết Đã Chiến Đấu Vì Điều Gì của tác giả Alexander Dyukov mời bạn thưởng thức.
Chuẩn bị diệt chủng
Dù có đáng sợ đến đâu, những phát hiện của quân đội Soviet trong thời gian cuộc tấn công mùa đông năm 1941 chỉ là một phần nhỏ những tội ác mà quân phát xít đã thực hiện trên các lãnh thổ bị chiếm đóng, cũng như những tội ác mà chúng sắp ra tay. Còn rất nhiều bằng chứng về những tội ác đó. Từ những trang biên bản của ủy ban nhà nước đặc biệt được lập theo các dấu vết mới nhất, từ những báo cáo nội bộ của các cơ quan an ninh quốc gia, từ thông tin trinh sát của du kích, từ các ghi chép lại những câu chuyện của người dân đã trải qua cơn ác mộng của ách cai trị phát xít, trước mắt chúng ta hiện lên những gì cố bị lãng quên trong thời hậu chiến. Những thứ không thể nào quên trên thực tế, những thứ mãi mãi hằn sâu trong ký ức tập thể: những giá treo cổ, những hố chôn hàng ngàn xác chết, những nông dân bị thiêu sống, những cô gái bị cưỡng hiếp rồi mổ bụng, những cái đầu vỡ nát cửa trẻ sơ sinh, vết giày đinh đẫm máu của bọn phát xít trên đất Liên Xô.
Không một đất nước nào bị Đức Quốc xã chiếm đóng lại diễn ra những, tội ác tương tự như những gì chúng thực hiện trên lãnh thổ Liên Xô. Tại Pháp, Na Uy, Đan Mạch, Hy Lạp, thậm chí tại Ba Lan trong một thời gian dài quân chiếm đóng đã hành xử như những kẻ chinh phạt đàng hoàng, với sự chính xác quy củ của người Đức tuân thủ luật quốc tế và thông lệ chiến tranh.
Trong thời gian diễn ra phiên tòa Nürnberg, một chi tiết lý thú nhưng hết sức tiêu biểu đã được làm sáng tỏ: đặt chân vào lãnh thổ Pháp, Bỉ, Hà Lan, mỗi binh sĩ Wehrmacht đều có một bản ghi nhớ “Mười điều răn về hành vi chiến tranh”, quy định việc hành xử đúng mực với thường dân và không được vi phạm những quy tắc quốc tế về tiến hành chiến tranh. Còn khi Wehrmacht xâm chiếm Liên Xô một năm sau đó, binh lính của chúng lại được trang bị các chỉ thị sử dụng vũ khí đối với thường dân không cần suy tính.
Trong cả hai trưởng hợp, vấn đề không phải là một sự cố riêng biệt, mà là một hệ thống.
Đối với nước Đức Quốc xã, cuộc chiến ở Mặt trận phía Tây là cuộc đấu tranh trong nhà để giành ngôi bá chủ; những hiệp sĩ thời trung cổ đã chiến đấu như thế để giành quyền sở hữu các lãnh địa. Cuộc chiến ở Mặt trận phía Đông mang bàn chất khác hẳn. Không phải những cuộc chiến của các lãnh chúa, mà là những cuộc thập tự chinh trong dạng nguyên mẫu của nó; không phải để giành quyền sở hữu một mảnh đất, mà mục tiêu của nó là hủy hoại một nền văn minh khác, được coi là không đúng đắn.
Đối với giới lãnh đạo Đức Quốc xã, cuộc thập tự chinh về phía đông là điều hoàn toàn tất yếu; điều đó không phải được ước định bằng những sự kết hợp địa chính trị nào đó, mà do chính sự kiện tồn tại của Liên bang Soviet.
Chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa thực dụng hiển nhiên của Hitler đã gặp trục trặc thường xuyên khi đề cập đến đất nước trải rộng về phía đông này.
“Tất cả những gì mà tôi thực hiện đều nhắm vào việc chống lại nước Nga”, Quốc trưởng đã phát biểu vào tháng 8/1939. “Nếu phương Tây quá ngu ngốc và mù quáng không hiểu điều này, trước tiên tôi buộc phải đánh bại phương Tây, rồi sau thất bại của nó, tôi sẽ quay sang chống Liên Xô bằng toàn bộ sức mạnh tập trung được”.
Một năm rưỡi sau, khi chuẩn bị tấn công Liên Xô, Hitler biện luận chiến tranh là cần thiết, bởi sau khi từ chối ký hòa ước với Đế chế, giới lãnh đạo Anh đang nuôi hy vọng vào sự hỗ trợ của nước Mỹ ở bên kia đại dương và của nước Nga rộng lớn. Tuy nhiên, quy mô sàn xuất quân sự của Hoa Kỳ sau bốn năm nữa mới có thể đạt tới mức cần thiết; vì thế tạm thời có thể gạt sang một bên. Chỉ còn lại nước Nga. Một khi nó bị đánh bại, Anh sẽ chỉ còn một mình, và khi đó không còn gì để nghi ngờ gì vào chiến thắng chung cuộc của Đế chế Đức.
Nhưng trên thực tế các nguyên nhân tấn công vào Liên Xô lại khác; ngày 17/02/1941, tướng Franz Halder, tổng tham mưu trưởng OKH, đã ghi trong nhật ký phát biểu sau của Quốc trưởng tại một cuộc họp kín: “Nếu Anh bị thủ tiêu, tôi sẽ không thể xốc dân Đức dậy chống lại nước Nga. Vì thế, trước tiên phải xóa sổ nước Nga”.
Trong mắt giới lãnh đạo Đức Quốc xã, việc tiêu diệt Liên Xô là mục đích tự thân. Chính vì thế sau chiến thắng ở Mặt trận phía Tây, về mặt nguyên tắc thay vì khả năng đổ bộ vào Anh hoặc ít ra là “chiến lược Địa Trung Hải” như theo yêu cầu, Hitler lại chọn tấn công Liên Xô. Theo quan điểm duy lý thì đấy là một quyết định khá đáng ngờ, mà cuối cùng đã dẫn đến sự diệt vong của Đệ tam Đế chế; thế nhưng nếu nhìn vấn đề từ quan điểm cuộc đấu tranh ý thức hệ thì quyết định của Hitler lại hoàn toàn logic.
Việc tấn công Liên Xô cho phép biến cuộc chiến tranh từ cuộc xung đột nội bộ châu Âu thành “cuộc chiến của các nền văn minh”, đoàn kết châu Âu xung quanh nước Đức chống lại “cái ác từ phía Đông”. Không loại trừ khả năng lôi kéo được Anh tham gia vào cuộc thập tự chinh về phía đông này, bởi tiếng nói của dòng máu châu Âu và văn hóa châu Âu còn cao hơn những bất đồng về chính trị nhất thời; ít nhất không chỉ mỗi Hitler tin vào điều đó. ”Một điều gì đó tương tự bầu không khí của cuộc thập tự chinh đang lan tỏa khắp châu Âu”, tiến sĩ Goebbels ghi trong nhật ký một ngày sau khi chiến tranh bắt đầu. “Chúng ta có thể tận dụng tốt điều đó”.
“Tôi tin rằng”, Quốc trưởng lập luận, “việc kết thúc chiến tranh sẽ đặt ra khởi đầu cho tình hữu nghị bền chặt với Anh. Chúng ta và họ sẽ chung sống hòa bình. Đó là dân tộc mà chúng ta có thể kết đồng minh”. Lời nói đi đôi với việc làm: tháng 6/1941, Franz von Papen, đại sứ Đức tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhận chỉ thị từ Berlin: vào ngày đầu tiên tấn công Liên Xô phải thảo luận với đại sứ Anh vấn đề về liên minh chống lại chủ nghĩa Bolshevik.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.