Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Vào đầu thế kỷ 20, làn sóng Duy Tân từ Nhật Bản tràn sang nước ta qua các tân thư của các nhà cải lương Trung Quốc như Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu. Một sĩ phu yêu nước ở trong thế bế tắc sau khi ngọn lửa Cần Vương kháng chiến cuối cùng ở Vũ Quang do Phan Đình Phùng lãnh đạo đã bị dẹp tắt (1896), như người đang ốm nặng tìm ra y dược, bàng hoàng tỉnh giấc. Nếu Nhật Bản, một nước nhỏ bằng Việt Nam, sau khoảng mấy mươi năm canh tân kể từ thời Minh Trị (1868) đã tiến được lên hàng cường quốc chẳng thua kém gì các nước Tây phương, thì há nước ta lại không canh tân được sao? Sau đó họ thành lập Duy Tân Hội (1904), và đi đầu phong trào Đông độ, gởi thanh niên vượt biển sang Nhật Bản học. Phong trào này về sau chúng ta thường gọi là phong trào Đông du (1905 – 1909).

Tiêu biểu cho nhóm sĩ phu này là Phan Bội Châu, nhà nho yêu nước đã dấn thân vào gian ra khổ trong gần bốn mươi năm trường cho đến khi từ trần (1940) trong căn nhà đìu hiu ở Bến Ngự, nơi Cụ Phan bị giam lỏng mười lăm năm cuối cùng. Khi còn sinh tiền, đặc biệt trong những năm còn phong trào Đông du, cụ Phan trong các trước tác của mình thường nhắc đến công cuộc canh tân của Nhật Bản và các nhà lãnh đạo đã đưa nước Nhật trở nên phú cường. Tuy nhiên vì phải bôn ba cho phong trào, Cụ không có thời giờ tìm hiểu sâu về lịch sử, chính trị, và văn hóa của nước Nhật Bản. Thậm chí Cụ cũng không có dịp học tiếng Nhật, điều này Cụ có nhắc lại trong Ngục trung thư. Bởi thế, những kiến thức của Cụ về Nhật thường là những kiến thức tản mạn, rời rạc, mà Cụ đã tiếp thu qua sách báo chữ Hán, một số xuất bản từ Trung Quốc, một số phát hành tại Nhật Bản sau khi Lương Khải Siêu đã dời địa bàn hoạt động sang Nhật do kết quả của chính biến Mậu Tuất (1898). Cũng nên nhớ rằng chính Lương là một trong những người Cụ Phan tìm đến gặp trong những ngày đầu đặt chân đến Nhật. Qua nhiều năm trường đọc sách của Lương trước khi rời Việt Nam, Cụ Phan xem Lương như người quen biết từ lâu. Trong bức thư viết xin ra mắt gởi cho Lương, Cụ viết: “Lạc địa nhất thinh khốc, tức dĩ tương tri, độc thư thập niên nhãn, toại thành thông gia” (Ra đời khóc một tiếng đã là tương tri; sách vở đọc mười năm, trở nên thông gia).

Những năm “đắc ý” nhất trong cuộc đời của Cụ Phan là những năm hoạt động cho phong trào Đông du tại Nhật Bản. Trong thời kỳ này, Cụ viết rất khỏe, để lại nhiều trước tác, nổi tiếng nhất là Việt Nam vong quốc sử vàLưu Cầu huyết lệ tân thư. Trong số những trước tác trước đó, tác phẩm Cụ có nhắc đến Nhật Bản nhiều nhất là cuốn Tân Việt Nam (1908). Mặc dầu mục đích chính của Tân Việt Nam là giới thiệu với độc giả ở trong nước viễn tượng của Cụ về một nước Việt Nam độc lập trong tương lai, nhưng nói rộng ra, có thể xem đây là tác phẩm đầu tiên do một người Việt Nam viết có đề cập ít nhiều đến Nhật Bản. Nói chung, mục đích chính của Cụ là dùng Nhật Bản như một tấm gương để đánh thức quốc dân theo học kinh nghiệm của một nước láng giềng, “đồng văn, đồng chủng, đồng châu”, ngõ hầu có thể đưa đất nước ra khỏi vòng thuộc địa và tiến lên một nước phú cường; chứ không phải là viết sách có tính cách nghiên cứu. Do đó, dầu sự hiểu biết và nhận định của Cụ về Nhật Bản có nhiều hạn chế, thiết tưởng chúng ta cũng nên khách quan đánh giá để có cái nhìn rộng rãi và thích hợp hơn.

Từ ngày cuốn Tân Việt Nam ra đời cho đến nay đã có hơn tám mươi năm, nhưng số sách do người Việt ta viết về Nhật Bản thì hãy đang còn quá khiêm tốn, về chất cũng như về lượng.

Về số lượng, những sách viết về Nhật Bản có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhìn về nội dung, tuy những sách này nói chung là những cố gắng đáng kể, nhưng phần lớn vì tác giả không phải là những nhà chuyên môn nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Nhật Bản, do đó không tránh khỏi nhiều hạn chế.

Gần đây “Nhóm Tìm Hiểu Nhật Bản”, mà các thành viên là các cựu du học sinh Việt Nam ở Nhật, đã cho xuất bản tập san Tìm hiểu Nhật Bản ở Tokyo với những chuyên đề như “Chế độ giáo dục nhân viên và phương thức kinh doanh quản lý của xí nghiệp Nhật” (Số 1, 1983), “Bí quyết thành công của Nhật Bản trong việc kinh doanh và quản lý xí nghiệp” (Số 2, 1984). Tuy tập san này chưa được phổ biến rộng rãi cho lắm, nhưng đây là những gạch nối quan trọng đầu tiên giúp độc giả Việt Nam học hỏi kinh nghiệm của một nước láng giềng và đồng thời cũng là một trong những nước có nền công nghiệp tiên tiến nhất trên thế giới.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x