
Nhật Ký Trong Tù Và Lời Bình – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Chiều hôm là lúc bóng chiều đã tà, ánh sáng mờ dần, màn đêm từ từ bao phủ thì sự náo động cuộc sống của một ngày cũng theo đó lắng dần, lắng dần và rồi từ từ khép lại, lặng lẽ yên ắng. Cái cảnh tượng chiều hôm dễ gợi, dễ nảy sinh trong lòng người những thoáng ưu tư, những nỗi buồn vô cớ. Đối với người tù, khi bóng chiều đổ xuống, bóng tối trùm lên thì nỗi cô quạnh càng tăng và khổ cực đang rình rập sẽ ập tới.
Những điều nói trên là thực tế, là cái lẽ thường tình. Nhưng đối với người tù Hồ Chí Minh hoàn cảnh đã được hoán cải. Mặc dù phải chịu đựng những áp lực đang đè nặng, không gian thu hẹp dần, thời gian lặng lẽ trôi tự nhiên, thân cô thế cô, cơ cực khôn xiết, vậy mà tinh thần không nao núng, tâm hồn rộng mở, chủ động nhập cuộc, đón nhận, giao hòa với thế giới trong tù và cả với thế giới ngoài nhà tù. Cảnh tượng chiều hôm không còn cô quạnh, hoàn cảnh khắc nghiệt bị đẩy lùi trước sự giao cảm của con người với thế giới xung quanh.
Thơ kể rằng: Vãn xan ngật liễu, nhật tây trầm (cơm chiều xong, mặt trời đã lặn về tây). Mặt trời lặn tức trời bắt đầu tối, rồi tối hẳn, tối mịt khiến nhà ngục Tĩnh Tây trở nên u ám. Nhưng lại cũng chính lúc này Xứ xứ sơn ca dữ nhạc âm nơi nơi vang rộn tiếng ca dân dã và tiếng nhạc như một Viện hàn lâm nghệ thuật nhỏ vậy. Nguyên tác mỹ thuật tiểu hàn lâm có thể hiểu và xem đó là quán nhỏ nghệ thuật. Người dân tộc Choang ở huyện Tĩnh Tây rất yêu thích hát dân ca.
Từ trong nhà tù, nghe tiếng hát dân ca (sơn ca) và tiếng nhạc, người tù cảm thấy như đang được thưởng thức âm nhạc ở một quán nghệ thuật. Những sinh hoạt văn hóa này là ở ngoài nhà tù vang vọng vào trong nhà tù là do tù nhân – thi nhân Hồ Chí Minh cảm nhận và hóa thân vào một môi trường nghệ thuật đầy sức sống, biến ngục tù thành một mỹ thuật tiểu hàn lâm trong tâm tưởng.
Những chật hẹp, cực khổ bị đẩy xa, không gian được mở rộng hòa chung với cuộc sống sinh hoạt bình thường xung quanh, không còn bị tù túng, bị đóng khung trong bốn bức tường tù nữa, không phải như đã có người hiểu bài thơ là “sinh hoạt trong tù có lúc cũng tưng bừng tiếng cười tiếng hát”.
Đây là một cách nhìn và cảm nhận thế giới khác thường bằng thứ ánh sáng bên trong chứ không phải bằng con mắt và tình cảm thông thường. Khúc hát dân ca với tiếng đàn tiếng sáo đã làm cho bóng tối mờ mịt, không gian u ám trong nhà tù phút chốc bừng lên, biến thành nơi thưởng thức nghệ thuật, và người tù có thể hòa cùng với âm vang rộn ràng, tha thiết của tiếng hát dân ca đã chuyển buồn thành vui.
Cách diễn đạt bài thơ lại rất nhẹ nhàng, tinh tế, lời rõ, ý rõ, cứ hai câu làm thành một cặp đối lập. Hai câu đầu là đối lập giữa bóng tối và tiếng hát dân ca, tiếng nhạc khí:
Cơm xong, bóng đã xuống trầm trầm
Vang tiếng đàn ca, rộn tiếng ngâm.
Hai câu sau là đối lập giữa ngục tối Tĩnh Tây và nhạc quán Viện hàn lâm:
Nhà ngục Tĩnh Tây mờ mịt tối
Bỗng thành nhạc quán Viện hàn lâm
Nếu như có thể thay đổi, sắp xếp các câu thơ theo một trật tự mới, chuyển câu ba thành câu hai và câu hai xuống vị trí câu ba thì toàn bài thơ vẫn là sự đối lập:
Cơm xong, bóng đã xuống trầm trầm
Nhà ngục Tĩnh Tây mờ mịt tối
Vang tiếng đàn ca, rộn tiếng ngâm
Bỗng thành nhạc quán Viện hàn lâm.
Đối lập đã là một thủ pháp nghệ thuật để diễn tả sự hoán cải hoàn cảnh qua cảm nhận của con người, tất cả đều ấm áp hơi thở của sự sống và sức sống của con người. Đó là cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
Đổ Phạm – Tù Cờ Bạc
賭 犯
公 家 不 給 賭 犯 飯
欲 令 他 們 悔 前 非
硬 犯 餚 饌 天 天 有
窮 犯 飢 涎 共 淚 垂
Dịch âm Hán Việt:
Công gia bất cấp đổ phạm phạn,
Dục linh tha mẫn hối tiền phi;
“Ngạnh” phạm hào soạn thiên thiên hữu,
Cùng phạm cơ diên cộng lệ thùy.
Dịch nghĩa:
Nhà nước không cấp cơm cho tù cờ bạc
Là muốn họ hối cải tội đã phạm phải
Nhưng tù “anh chị” ngày ngày như ăn cỗ
Còn tù nghèo, đói chảy dãi cùng với nước mắt.
Dịch thơ:
Quan không cấp bữa cho tù bạc,
Để họ mau chừa tội cũ hơn;
Tù “cứng” ngày ngày no rượu thịt,
Tù nghèo, dãi với lệ cùng tuôn.(1)
NAM TRÂN – NGUYỄN HUỆ CHI dịch
(1) Bản dịch khác của Nam Sơn:
Cơm cho tù bạc quan không cấp
Muốn họ ăn năn sửa lỗi lầm
Tù sướng ngày ngày cơm thịnh soạn
Tù hèn, dãi lệ chảy không cầm.
TÙ “ANH CHỊ” NGÀY NGÀY NO RƯỢU THỊT
Nếu cái trớ trêu, nghịch lý, ngược đời ở bài thơ Đỗ (Đánh bạc):
Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội,
Trong tù đánh bạc được công khai
thì cái trớ trêu, nghịch lý ở bài thơ Đổ phạm (Tù cờ bạc) là
“Ngạnh” phạm hào soạn thiên thiên hữu,
Cùng phạm cơ diên cộng lệ thùy.
(Tù “anh chị” ngày ngày như ăn cỗ
Tù nghèo, đói chảy dãi cùng với nước mắt.)
Hiện tượng trên là một thực tế tại các nhà tù của chính quyền Trung Hoa dân quốc.
Cờ bạc là phạm pháp, cái trò sát phạt nhau để lại nhiều hệ lụy. Xem ra chính quyền Trung Hoa dân quốc cũng khá nghiêm khắc, bắt các con bạc bỏ tù và không phát cơm để những người tù này hối cải tội lỗi của mình đã phạm phải:
Công gia bất cấp đổ phạm phạn,
Dục linh tha mẫn hối tiền phi.
(Nhà nước không cấp cơm cho tù cờ bạc,
Là muốn họ hối cải tội đã phạm phải.)
Nhưng tiếc thay, khi những con bạc đã bị bắt vào tù rồi, thì lẽ ra phải phạt nghiêm với mọi người sai phạm, không trừ một ngoại lệ nào. Song đâu có phải như vậy, những tù “anh chị”, tù giàu có, có thế lực (Nam Trân dịch là tù “cứng”), tuy cũng bị “Nhà nước không cấp cơm” nhưng có bao giờ bị đói đâu, ngày ngày vẫn no nê rượu thịt, bữa ăn thịnh soạn như ăn cỗ, do người ngoài tiếp tế “Ngạnh” phạm hào soạn thiên thiên hữu.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.