Những Câu chuyện thành Rome – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
1 — Chuyện Đùa Ngày Hè
Vào những ngày hè, có lẽ bởi tôi còn trẻ và chưa quen cảm thấy mình là người chồng và người cha của gia đình, nên tôi luôn luôn muốn lỉnh đi đâu đó. Mùa hè ở Rôma, những nhà giàu đóng rèm cửa từ sáng, để giữ không khí mát của đêm lại trong những căn phòng rộng rãi. Ở những ngôi nhà như thế, mọi thứ đều ổn cả: gọn ghẽ, sạch sẽ, tinh tươm; sàn đá hoa, gương, tủ bóng lộn trong ánh sáng mờ; cả đến bầu không khí im lặng ở trong đó cũng có vẻ gì man mát, tối, đáng yên tâm. Muốn uống nước ư? — Người ta sẽ đặt trên khay mang đến cho anh một cốc pha-lê nước chanh hoặc nước cam mát lạnh, những cục đá kêu lanh canh vui vẻ dưới thìa, đến nỗi chỉ nghe tiếng lanh canh đó cũng đã đủ mát ruột anh.
Ở những nhà nghèo thì khác. Ngay ngày nực đầu tiên, cái nóng đã chui vào trong những căn phòng ngột ngạt và ở đó suốt mùa hè không chui ra. Khát nước — nhưng vòi nước ở trong bếp chỉ chảy ra một thứ nước ấm như nước canh. Trong phòng không có chỗ đi lại. Dường như mọi đồ vật — bàn ghế, giường tủ, áo quần, bát đĩa sưng vù lên, cọ vào người anh. Mọi người chỉ mặt sơmi không, mà người vẫn nhớp nháp mồ hôi. Thế mà nếu đóng cửa sổ lại, thì chết ngạt, vì khí lạnh ban đêm không tài nào vào được mấy căn phòng kín như hũ nút có sáu nhân mạng nằm ngủ ở trong. Mở cửa sổ ra thì đón nắng và đủ mọi thứ mùi ngoài phố: mùi xỉ than, bụi bặm, mồ hôi. Nóng lên, tính tình con người ta cũng khác, dễ cáu kỉnh, dễ cãi nhau chỉ vì những chuyện không đâu. Nhưng những người giàu thì rút sâu sâu vào mấy phòng trong, còn người nghèo thì cứ ngồi chúi mặt xuống những cốc nước cáu bẩn hoặc đi hẳn khỏi nhà.
Vào một trong những ngày nóng bức như thế, sau khi cãi nhau một trận với cả nhà: với vợ vì món xúp mặn và nóng quá, với em rể vợ vì hắn ta bênh vợ mà theo tôi hắn ta không có quyền làm thế vì hắn không tìm được việc làm chỉ ngồi nhà ăn bám; với em vợ vì cô ta đứng về phía tôi nhưng cái đó chỉ làm cho tôi bực thêm vì cô ta thích tôi và chỉ chuyên õng ẹo làm duyên; với bà mẹ vì bà cố xoa dịu tôi, với ông bố bảo “có để cho tao ăn hay không” ; và cuối cùng với đứa con gái vì nó cứ khóc váng lên, — tôi vùng dậy, giật phắt cái áo vét vắt ở lưng ghế và tuyên bố:
— Các người có biết không? Tôi đã chán ngấy tất cả các người rồi.
Đến tháng mười, mát mẻ, ta sẽ lại gặp nhau.
Và bỏ đi khỏi nhà.
Cô vợ, tội nghiệp, chạy xuống cầu thang, kêu với theo rằng hãy còn món xa-lát dưa chuột mà tôi vốn thích. Tôi đáp: “Cô đi mà ăn” — rồi đi ra phố.
Gia đình tôi ở đường Ôxtientê. Tôi qua đường, đi về phía cầu sắt cạnh cảng sông của Rôma. Hai giờ chiều là lúc nóng nhất trong ngày. Bầu trời xanh đục đến nhức mắt. Tôi vịn vào thành cầu sắt nóng bỏng tay. Sông Têverơ bị bó giữa hai bờ, nước vàng đục, giống như một rãnh nước tù. Những bình ga, những cái lò của nhà máy khí đốt, những cái tháp chứa thức ăn ủ chua, ống chứa xăng và mái nhọn của nhà máy nhiệt điện che lấp mất đường chân trời; tưởng chừng như không phải Rôma mà là một thành phố công nghiệp nào đó của miền Bắc. Tôi đứng một lúc nhìn dòng sông Têverơ vàng, hẹp, nhìn chiếc phà đậu ở bến chở đầy ắp những bao ximăng, và bỗng phì cười là cái khúc sông bé tí này cũng được gọi là cảng như các cảng ở Giênoa hoặc Napôli, nơi có các tàu lớn ra vào. Nếu tôi thực sự muốn đi xa, thì từ cái “cảng” này tôi có thể lên tàu đi một mạch đến Fiumichinô, ngồi ăn cá rán và ngắm trời ngắm biển.
Cuối cùng tôi qua cầu, đến một khu đồng không mông quạnh ở bên kia bờ sông Têverơ. Dù tôi ở gần đây, nhưng tôi chưa bao giờ đến đây cả, và không rõ mình đi đây là đi đến đâu. Lúc đầu tôi đi theo đường nhựa, hai bên là cánh đồng không với những đống rác ngổn ngang. Sau đó, đường nhựa biến thành một con đường mòn, còn những đống rác thì đã chất lên cao như những ngọn đồi. Tôi nghĩ rằng mình đã rơi vào một nơi mà người ta đem rác của toàn thành phố Rôma đến đổ. Ở đây, một ngọn cỏ cũng không mọc, bốn bề là những giấy lộn, vỏ đồ hộp gỉ, thức ăn thừa, nắng thì như thiêu như đốt, mùi thối rữa bốc lên. Tôi do dự: đi nữa thì không muốn, mà quay lại thì cũng ngại. Bỗng nhiên tôi nghe thấy có ai tặc tặc lưỡi như gọi chó.
Sách liên quan
Dịch Hạch – Đọc sách online ebook pdf
Albert Camus
Ngày Mai – Đọc sách online ebook pdf
Guillaume Musso
Những Câu chuyện thành Rome – Đọc sách online ebook pdf
Alberto Moravia
Hòn Đảo Cá Heo Xanh – Đọc sách online ebook pdf
Scott O’Dell
Chúng Ta Là Những Kẻ Dối Trá – Đọc sách online ebook pdf
Emily Lockhart