Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

LÝ THÁI TÔNG

Vị vua thứ 2 của nhà Lý là Lý Thái Tông, trong 26 năm ở trên ngôi báu, ông đã có những đóng góp tích cực tới hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng quốc gia, củng cố bộ máy nhà nước và để lại nhiều dấu ấn thú vị, đáng nhớ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lời nhận xét của sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá Lý Thái Tông “là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, trong lục nghệ không nghề gì không tỉnh tường. Vì có tài đức ấy nên có thể làm mọi việc”.

* Lý Thái Tông là vị vua Lý lên ngôi gặp trở ngại nhất. Ngày 3 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028)

Lý Thái Tổ mất, để lại di chiếu cho Thái tử Lý Phật Mã kế vị ngai vàng, chưa kịp đăng quang thì 3 người anh em của ông là Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương đem quân làm loạn để tranh giành ngôi báu. Nhờ có sự giúp đỡ của một số đại thần, tướng lĩnh do Lê Phụng Hiểu đứng đầu nên “loạn tam vương” mới được dẹp yên, Lý Phật Mã lên ngôi ngày 4 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028), đây chính là vua Lý Thái Tông.

* Lý Thái Tông cũng gắn với một giai thoại lạ về việc được thần báo mộng. Trước khi 3 vương làm loạn 1 ngày, “vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc 3 vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn nên bảo đem quân đánh ngay đi. Đến khi tỉnh dậy sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm” (Đại Việt sử ký toàn thư).

* Lý Thái Tông là vị vua đầu tiên đặt lệ thể trung nghĩa hàng năm. Sau “loạn tam vương” ông cho tổ chức lễ vào ngày 25 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028) lệnh cho các quan tướng phải tham dự và đọc lời thề rằng: “Làm cọn bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần linh giết chết”. Kể từ đó thành thông lệ hàng năm, về sau đổi sang ngày mồng 4 tháng 4.

* Lý Thái Tông là một trong những vị vua lập nhiều hoàng hậu nhất, tháng 5 năm Mậu Thìn (1028) ông lập cùng lúc 7 hoàng hậu. Đến tháng 7 năm Ất Hợi (1035) vua lập thêm một người thiếp làm hoàng hậu Thiên Cẩm.

* Lý Thái Tông là vị vua có tôn hiệu dài nhất. Nếu xét theo tôn hiệu đặt lần đầu thì ông kém vua cha của mình là Lý Thái Tổ 2 chữ, nhưng nếu xét gộp các lần đặt tôn hiệu thì Lý Thái Tông là vị vua có tôn hiệu dài nhất. Ngay sau khi lên ngôi, tôn hiệu của ông là: Khai thiên thống vận tôn đạo quý đức thánh văn quảng vũ sùng nhân thượng thiện chính lý dân an thần phù long hiện thể nguyên ngự cực ức tuế công cao ứng chân bảo lịch thông huyền chí áo hưng long đại định thông minh từ hiếu hoàng đế. Tất cả có 50 chữ. Đến tháng 6 năm Kỷ Mão (1039) lại tăng tôn hiệu thêm 8 chữ nữa là: Kim dũng ngân sinh, Nùng bình phiên phục. Tháng 11 năm Giáp Thân (1044) vua lại tăng tôn hiệu thêm 8 chữ nữa là: Thánh đức thiên cảm, tuyên uy thánh võ. Như vậy tôn hiệu của Lý Thái Tông có tổng cộng 66 chữ.

* Lý Thái Tông là một trong những vị vua đặt nhiều niên hiệu nhất, 26 năm làm vua ông đã đặt 6 niên hiệu, đó là: 1. Thiên Thành (1028-1034), 2. Thông Thụy (1034-1039), 3. Càn Phù Hữu Đạo (1039-1042), 4. Minh Đạo (1042-1044), 5. Thiên Cảm Thánh Vũ (1044-1049), 6. Sùng Hưng Đại Bảo (1049-1054).

* Lý Thái Tông là vị vua đầu tiên lấy của cải ban thưởng cho toàn dân; ngày 15 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028) ông “xuống chiếu cho lấy tiền lụa ở kho lớn ban cho thiên hạ” (Đại Việt sử ký toàn thư). Tháng 8 năm Tân Mão (1051) vua tổ chức “cho dân ăn uống to và ban cho dân vải lụa, tiền bạc theo thứ bậc khác nhau” (Đại Việt sử ký toàn thư).

* Lý Thái Tông là vị vua đầu tiên cho biên soạn và ban hành bộ luật thành văn của nước ta, đánh dấu sự phát triển cao của nền lập pháp Việt Nam và của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Hệ thống pháp luật lần đầu tiên được quy định cụ thể, áp dụng thống nhất trong cả nước và đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội. Sách sử cho biết, tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1042) vua sai quan trung thư “san định luật lệ, châm chước những điều thời thế thông dụng, xếp thành môn loại, biên rõ điều mục làm thành quyển Hình thư của một triều đại để cho người xem dễ biết. Sách làm xong, chiếu ban ra cho thi hành, dân đều lấy làm tiện.

Đến đây phép xử án được bằng thẳng, rõ ràng” (Đại Việt sử ký toàn thư).

* Lý Thái Tông là vị vua đầu tiên quy định phép khảo hạch quan lại, thông qua đó đánh giá năng lực, trình độ để làm căn cứ thưởng phạt. Quy định này bắt đầu thực hiện năm Tân Mão (1051), theo đó vua “định cho các quan văn võ làm lâu năm mà không có tội lỗi được thăng chức tước theo thứ bậc khác nhau” (Đại Việt sửký toàn thư).

* Lý Thái Tông quy định chặt chẽ, rõ ràng về kỷ luật quân đội. Tháng 5 năm Nhâm Ngọ (1042) vua ban chiếu quy định quan chức đô quản lý quân cấm vệ nếu bỏ trốn bị xử 100 trượng, thích vào mặt 30 chữ, người coi giữ trấn trại nếu trốn cũng bị xử như thế. Tháng 10 năm Quý Mùi (1043) “xuống chiếu rằng quân sĩ bỏ trốn hơn 1 năm thì xử 100 trượng, thích vào mặt 50 chữ, chưa đến 1 năm thì theo mức nhẹ mà bắt tội… Khi vua đi đánh trận mà không theo xa giá cũng bị xử trượng như thế và thích vào mặt 10 chữ (Đại Việt sử ký toàn thư). Tháng 12 năm Ất Dậu (1045) lại quy định quân lính bỏ trốn sẽ bị tội lưu đày theo 3 bậc khác nhau.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x