Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Những Gì Tôi Thấy Ở Việt Nam của tác giả Alain Wasmes mời bạn thưởng thức.

CHƯƠNG II. CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH

Thu 1974, Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam họp, phân tích tình hình Nam Việt Nam, Đông Dương và thế giới. Thế giới tư bản chủ nghĩa đang bị lung lay trong cơn khủng hoảng, và tình hình này đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Sài Gòn, một nền kinh tế sống dựa vào viện trợ nước ngoài, lúc này cũng đang gặp khó khăn trầm trọng. Khủng hoảng đã trở thành mối lo chủ yếu của Mỹ. Tại Mỹ, xung đột giữa chính phủ và quốc hội đã lên tới cực điểm với vụ bê bối Watergate, một vụ bê bối đã dẫn đến sự sụp đổ của Nixon. Nếu Kissinger vẫn còn được giữ ở nguyên vị thì tân tổng thống Gérald Ford, từ nay sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ của quốc hội, mà quốc hội thì kiên quyết từ chối mọi cuộc phiêu lưu mới ở Việt Nam. Chứng cứ là tháng Tám vừa qua, khi Nixon xin quốc hội cấp một khoản viện trợ quân sự cho chế độ Thiệu, quốc hội đã cắt giảm tới một nửa. Sự cắt giảm này đã hạn chế sức mạnh hỏa lực của quân đội Sài Gòn và từ nay họ sẽ phải đương đầu với những khó khăn lớn về vấn đề hậu cần.

Ở Lào, hình hình cũng không tiến triển như mong đợi của Mỹ. Khi ký Hiệp định Viêng Chăn, vị lãnh tụ già của phái trung lập, hoàng thân Xuvana Phuma đã đi theo quan điểm của Pathét Lào, một phe mà người lãnh đạo là người anh em cùng cha khác mẹ với ông là hoàng thân Xuphanuvông. Mặt trận yêu nước Lào cũng không ngừng củng cố và mở rộng các vị trí của họ trên khắp đất nước.

Tại Campuchia, Mỹ đã phải ngừng các cuộc ném bom. Quân đội Lon Non phải co vào cố thủ ở Phông Pênh.

Căn cứ vào tình hình bên ngoài và tình hình đang có lợi trên chiến trường và các đô thị miền Nam, Bộ chính trị đánh giá thời kỳ này là rất có lợi để mở một cuộc tổng tiến công ở miền Nam. Có hai vấn đề quan trọng cần xác định rõ để quyết định sự lựa chọn.

Mỹ có thể đưa quân trở lại không? Bộ chính trị cho rằng điều đó là không thể được. Nếu người Mỹ trù tính đưa quân ồ ạt trở lại thì họ đã không ký Hiệp định Paris. Trong bối cảnh của năm 1974, một việc làm như thế là gần như không thể được đối với Mỹ. Nhưng còn việc Mỹ ném bom ồ ạt và chi viện hỏa lực cho quân ngụy bằng không quân thì khả năng này không loại trừ. Song việc này cũng không thể đảo ngược được tình thế, bởi từ thời Johnson và Nixon nó đã không làm được điều đó.

Thế còn riêng mình quân đội bù nhìn, họ có thể kéo dài được cuộc chiến đấu không? Sự phát triển của tình hình chiến trường năm 1973 và 1974 đã chứng tỏ rằng điều đó là không, bởi khi ấy Quân đội nhân dân mới chỉ sử dụng một phần lực lượng mà quân đội Sài Gòn đã không thể chống đỡ nổi. Hơn nữa quân đội nhân dân còn có những lực lượng dự bị sung sức ở hậu phương. Nếu lực lượng này được tung vào trận, thì cán cân lực lượng giữa đôi bên sẽ thay đổi một cách tai hại cho quân ngụy. Thêm nữa không quân Sài Gòn lại không thể sánh được với không quân Mỹ. Vả lại dù Mỹ có tăng cường viện trợ quân sự và kinh tế cho chế độ Sài Gòn đi nữa thì điều đó cũng chỉ uổng công vô ích, bởi cái mà họ thiếu, không phải là vũ khí, mà là ý chí, quyết tâm chiến đấu.

Từ tình hình trên Bộ Chính trị cho rằng cách mạng có thể giành được thắng lợi quyết định trong một thời hạn tối đa là một năm[8]. Vậy cần phải chuẩn bị lực lượng cả về người về của cho một năm chiến đấu. Thế là vào giữa 1974, mọi mặt chuẩn bị cho một cuộc tiến công như vậy được đẩy mạnh: Công cuộc động viên được tiến hành trên một quy mô lớn. Mặc dù đã phải chịu đựng rất nhiều mọi thử thách của chiến tranh, nhân dân miền Bắc vẫn sẵn sàng chấp nhận hy sinh, huy động tới mức tối đa sức người, sức của của mình để chi viện cho tiền tuyến…

Hãy thử hình dung, để chuẩn bị về hậu cần cho một cuộc tiến công lớn cỡ cuộc tiến công 1975 ở một nước nông nghiệp lạc hậu, nơi mà 80% sản xuất đều làm bằng thủ công, thì ở đấy con người đã phải nỗ lực ghê gớm như thế nào? Để có một ý niệm, chúng ta hãy làm một so sánh: để bảo đảm cho cuộc tiến công Tết 1968, người ta đã phải chuẩn bị 30.000 tấn xăng dầu, súng đạn các loại cho cuộc tiến công 1972 là 70.000 tấn; thì nay chuẩn bị cho cuộc tiến công 1975 một khối lượng lớn là 250.000 tấn sẽ được đưa vào miền Nam, mà chủ yếu là phải vượt rừng núi. Riêng xe tăng, nó không thể tự hành trên 2.000 kilômét theo đường Hồ Chí Minh, vì như thế vào đến chiến trường, nó sẽ hư hại và không thể sử dụng được. Vậy là phải đưa vào bằng nhiều cách: có chặng vận chuyển bằng ôtô, có chặng lại phải tháo rời ra từng bộ phận rồi sẽ phải lắp lại ở những căn cứ an toàn và được trang thiết bị tốt. Nhiều trạm sửa chữa, trạm nhiên liệu phải được thiết lập sẵn trên suốt dọc đường. Còn để đưa được xăng dầu cần thiết cho xe cộ các loại, thì người ta phải đặt những ống dẫn theo dọc Trường Sơn. Cộng vào đó là một phối lượng lớn vũ khí, súng đạn, lương thực, thuốc men cần thiết phải đưa vào chiến trường miền Nam…

Đơn vị nhỏ bé được thành lập năm 1959 để tiếp tế cho các chiến khu ở miền Nam theo đường rừng Trường Sơn, nay sau mười lăm năm đã trở thành một đạo quân thực sự, có đủ trong tay các binh chủng: từ công binh, vận tải cơ giới, vận tải đường thủy, đến vận chuyển và dự trữ nhiên liệu và dầu mỡ, từ các đơn vị phòng không thông thường đến các đơn vị được trang bị tên lửa “Sam” đất đối không… Việc thông tin liên lạc, hệ thống thần kinh của đường Hồ Chí Minh, được bảo đảm bởi 14.865 kilômét đường dây điện thoại, cạnh đó là thông tin vô tuyến…

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x