
Những Nghịch Lý Của Thời Gian – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
PHẦN I: XÃ HỘI
“Thời gian vừa mang đến vừa lấy đi giá trị của mọi vật. Đây là một quy luật mập mờ, một sự thật nằm ở bờ rìa của linh cảm và nhận thức…”
Nguyễn Sĩ Dũng
“Một ngôi nhà cũ kỹ”
Một ngôi nhà cũ kỹ – Đó là hình tượng một Ủy viên thường vụ Quốc hội đã dùng để chỉ hệ thống giáo dục của chúng ta. Và ông đã nói một cách rất hình ảnh về những cố gắng cải cách hiện nay: “Cải cách thì làm theo kiểu hỏng cái cửa – sửa cái cửa, nhưng cái cửa lại không phù hợp với ngôi nhà cũ”. Rõ ràng những chiếc cửa không thể giải quyết được những vấn đề cơ bản của một ngôi nhà. Và vấn đề cơ bản nhất là ngôi nhà cũ kỹ hiện nay có thể đổ sập xuống đầu tương lai của con cháu chúng ta, cũng có nghĩa là xuống đầu tương lai của tất cả chúng ta.
Thực ra, sức ép đối với ngành giáo dục là rất lớn. Và làm Bộ trưởng Giáo dục thời nay thật sự khó khăn. Có lẽ, từ nay trở đi sẽ chẳng có thời nào là dễ cả. Vấn đề không phải là vì làm giáo dục trước đây dễ dàng hơn, mà chủ yếu là vì xã hội bây giờ dân chủ hơn. Dân chủ là một lối sống. Người dân đang có thói quen bày tỏ chính kiến của mình nhiều hơn và đòi hỏi cao hơn đối với các quan chức nhà nước ở mọi cấp, mọi ngành. Điều này trực tiếp tác động đến những người đại diện cho dân là các đại biểu Quốc hội. Các vị đại biểu cho dân vì vậy cũng đang trở nên ngày càng “khắt khe” hơn. Đây cũng là nguyên nhân của việc đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng đã đề nghị thành lập ủy ban lâm thời của Quốc hội để điều tra về ngành giáo dục. Tất nhiên, các đại biểu Quốc hội càng khắt khe, thì người dân càng được nhờ.
Ngành giáo dục không phải là ngoại lệ của quá trình này. Dân chủ sẽ làm cho hệ thống công quyền của chúng ta năng động hơn và có trách nhiệm hơn. Nghĩa là dân chủ hơn thì làm quan khó khăn hơn, nhưng công việc sẽ tốt đẹp hơn.
Hiện nay, liên quan đến giáo dục, ai cũng cảm thấy có cái gì đó không ổn và ai cũng hăng hái có ý kiến. Nhưng nhận thức một cách mạch lạc, sáng tỏ về những vấn đề đang đặt ra là cái chúng ta sẽ phải còn hướng tới. Ví dụ, vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” về việc học thêm, của trẻ em chẳng hạn. Tại sao nói mãi mà chúng ta vẫn không sửa được? Lỗi của lãnh đạo ngành giáo dục đến đâu? Thực ra, nếu dạy thêm là một cách để có mức thu nhập đủ sống, hoặc tương xứng với mức mà bất kỳ một giáo viên bình thường nào cũng thấy rằng mình xứng đáng được hưởng, thì lỗi không chỉ hoàn toàn nằm ở mỗi nơi các nhà lãnh đạo ngành giáo dục: ngành giáo dục không tự quyết định hệ thống lương cho các giáo viên. Thế nhưng, trong cơ chế thị trường, lương của giáo viên cũng phải được trả theo quy luật của thị trường.
Dạy học là một loại lao động mà chúng ta phải bỏ tiền ra để mua. Nhà nước mua, hay xã hội mua thì cũng phải trả cho đúng giá. Toàn bộ rủi ro nằm ở chỗ: chúng ta không chấp nhận việc trả học phí một cách tương xứng và công khai, mà lại chấp nhận việc trả lòng vòng để phải chịu cộng thêm những chi phí vô cùng đắt đỏ khác như sức khỏe, sự phát triển lành mạnh và tuổi thơ tươi đẹp của con cháu chúng ta. Nếu những giáo viên thấy rằng họ phải có thêm thu nhập thì cách dễ nhất và hợp lý nhất là tổ chức dạy thêm. Nếu việc dạy thêm bị cấm, họ sẽ có cách để các bậc phụ huynh làm đơn chính thức đề nghị cho con cái họ được học thêm v.v. và v.v. Và cứ theo cách này, chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề vì chúng ta đã không nhìn nhận và tìm cách giải quyết nguyên nhân chính của vấn đề. Như vậy, thành lập một ủy ban lâm thời của Quốc hội để điều tra về những vấn đề của giáo dục nhiều khi là cần thiết và có lợi cho ngành giáo dục, chứ chưa hẳn đã là ngược lại.
Cuối cùng, việc chúng ta sẽ phải có một ngôi nhà giáo dục mới (tốt hơn nữa là tòa lâu đài giáo dục mới) như thế nào mới chính là trách nhiệm của những người lãnh đạo ngành giáo dục.
“Xuất khẩu” cô dâu
Cô dâu không bao giờ là một món hàng. Dịch vụ môi giới hôn nhân không bao giờ là một kiểu buôn người. Tuy nhiên, với cách làm nửa kín, nửa hở như hiện nay, nhiều cô gái trẻ đang bị biến thành những món hàng và dịch vụ môi giới hôn nhân thì cũng bị biến thành một kiểu buôn người.
Thị trường dịch vụ là một phần của thị trường. Nó hình thành do con người có nhu cầu, chứ không nhất thiết là do Nhà nước có chính sách. Vấn đề đặt ra là: hoặc chúng ta công nhận để quản lý nó, hoặc chúng ta cấm đoán nó để thất bại trong việc bảo vệ quyền lợi và phẩm giá của những cô gái trẻ Việt Nam.
Nhu cầu lấy chồng Đài Loan, buồn thay, là một thứ nhu cầu có thật. Chúng ta có thể sử dụng các quy phạm đạo đức để soi xét và tìm ra rất nhiều điều cần bị phê phán ở đây. Thế nhưng ai trong số chúng ta có thể hứa được với những cô gái trẻ nghèo khó của miệt vườn một sự lựa chọn tốt hơn? Một cuộc sống đầu tắt, mặt tối với những ông chồng suốt ngày nhậu nhẹt và say xỉn là tất cả những gì đang chờ đón những cô gái này ở Việt Nam. Vẫn biết, làm thê thiếp ở đất khách quê người là rất cực nhục. Nhưng tại sao các cô gái trẻ vẫn tiếp tục tìm cách ra đi? “Người no không hiểu lòng kẻ đói”, chắc gì chúng ta đã thấu hiểu được nỗi lòng của những cô gái bị nghèo khổ và túng quẫn đẩy đến bước đường cùng? Một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng nếu những cô gái trẻ vẫn còn tiếp tục ra đi thì đó vẫn đang là sự lựa chọn tốt hơn cho đa số những cô gái này.
Giữ lại cho mình những cô gái trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long là lợi ích và danh dự của những chàng trai người Việt. Tuy nhiên, muốn như vậy, họ sẽ phải làm được nhiều hơn so với bây giờ. Trước hết, họ phải biết làm cho cuộc sống ở những miền quê nghèo khó trở nên tốt đẹp hơn. Đồng thời, phải từ bỏ lối sống rượu chè bê tha và phải học cách yêu thương, trân trọng vợ. Người phụ nữ có thể chấp nhận những khó khăn về vật chất, nhưng khó lòng cùng lúc đó chấp nhận cả sự thiếu hụt về tình nghĩa vợ chồng.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.