Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Nói Chuyện Với Stalin của tác giả Milovan Djilas mời bạn thưởng thức.

Vì vậy, ngoài tướng Velimir Terzich, Tito còn cử tôi, một cán bộ cao cấp của Đảng – tôi đã nằm trong ban lãnh đạo tối cao của đảng được mấy năm rồi – tham gia phái đoàn. Những người khác cũng được lựa chọn theo cách đó, hoặc là quân nhân hoặc là cán bộ đảng, có cả một chuyên viên tài chính nữa. Trong đoàn còn có nhà vật lí hạt nhân tên là Pavle Savich. Ông đến Moskva để tiếp tục công tác nghiên cứu khoa học. Dĩ nhiên, tất cả chúng tôi đều mặc quân phục, tôi đeo lon tướng. Tôi được chọn có thể vì biết tiếng Nga mà tôi học trong thời gian đi tù và vì tôi chưa đến Liên Xô bao giờ, chưa bao giờ bị coi là phần tử lệch lạc hay bè phái. Những người khác trong đoàn cũng chưa từng đến Liên Xô và không có ai giỏi tiếng Nga cả.

Đấy là tháng 3 năm 1944.

Phái đoàn phải dành mấy ngày để tập trung và chuẩn bị. Trang phục của chúng tôi vừa cũ vừa không thống nhất và vì không có đủ số vải cần thiết, chúng tôi phải sửa những bộ quân phục chiến lợi phẩm của quân Italy, phải làm giấy tờ để có thể đi qua vùng do quân Anh và quân Mỹ kiểm soát. Chẳng bao lâu sau người ta đã cho ra những tấm hộ chiếu đầu tiên của nhà nước Nam Tư với chữ kí của chính Tito.

Chúng tôi nghĩ ngay đến việc chuẩn bị quà cho Stalin. Nhưng quà gì và lấy ở đâu? Các làng mạc xung quanh Drvare, nơi Bộ tổng tham mưu trú đóng lúc đó, đều đã bị đốt phá, cướp bóc hết. Cuối cùng, chúng tôi quyết định: mang tặng Stalin một khẩu súng trường được chế tạo vào năm 1941 tại nhà máy của du kích quân ở Ugitse, tìm được nó cũng là cả một kì công. Các làng lân cận cũng gửi quà tới: túi đựng thức ăn, quần áo, giầy dép dân tộc. Chúng tôi chọn những cái tốt nhất, trong đó có một đôi dép da đi trong nhà, còn lại đều rất xấu. Nhưng chính những món quà như thế lại là biểu hiện của lòng chân thành của người dân nên chúng tôi quyết định mang theo.

Nhiệm vụ của phái đoàn là cố gắng nhận được càng nhiều viện trợ của Liên Xô cho Quân đội Giải phóng nhân dân Nam Tư thì càng tốt. Đồng thời Tito còn giao nhiệm vụ cho chúng tôi, thông qua chính phủ Liên Xô hay qua các kênh khác, vận động UNRRA (Cơ quan của Liên hiệp quốc về trợ giúp và tái định cư) viện trợ cho các khu vực đã giải phóng của Nam Tư. Cần phải vay chính phủ Liên Xô hai trăm ngàn dollar cho những phái đoàn của chúng tôi đang hoạt động ở phương Tây. Tito nhấn mạnh và dặn chúng tôi phải tuyên bố rằng số tiền này, cũng như số tiền viện trợ về thuốc men và vũ khí, sẽ được hoàn trả sau giải phóng.

Phái đoàn cũng phải mang theo tài liệu lưu trữ của Bộ tổng tham mưu và của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Nam Tư.

Và điều quan trọng nhất là phải tìm hiểu khả năng công nhận Ủy ban dân tộc là chính phủ hợp pháp và thông qua Moskva, tạo ảnh hưởng đối với các nước đồng minh phương Tây.

Liên lạc với Bộ tổng tham mưu được thực hiện thông quan phái đoàn Xô viết ở Nam Tư. Có thể sử dụng cả các mối quan hệ cũ ở Comintern (quốc tế cộng sản).

Nhưng ngoài những nhiệm vụ của đoàn, khi chia tay, Tito còn giao cho tôi nhiệm vụ tìm hiểu qua Dimitrov hay Stalin, nếu tôi có dịp gặp ông ta, xem họ có phê bình gì Đảng chúng tôi không.

Nhiệm vụ mà Tito giao chỉ là để khẳng định tinh thần kỉ luật đối với Moskva mà thôi. Dĩ nhiên là Tito tin tưởng tuyệt đối rằng Đảng cộng sản Nam Tư đã vượt qua mọi thử thách một cách đầy vinh quang. Chúng tôi nói đến cả chuyện các kiều dân Nam Tư. Tito cho rằng không nên dây dưa vào những chuyện tố cáo lẫn nhau, nhất là nếu liên quan đến các tổ chức đảng và cán bộ Liên Xô. Đồng thời, Tito cũng căn dặn phải thận trọng với các cô thư kí. Tôi coi đấy không chỉ là sự quan tâm đối với đạo đức của người chiến sĩ du kích mà còn là biện pháp ngăn chặn tất cả những gì có thể ảnh hưởng đến uy tín và phẩm chất của người cộng sản, của Đảng cộng sản Nam Tư nữa.

Cả người tôi rạo rực, xốn xang trước niềm vui gặp gỡ với Liên Xô, đất nước công nông đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Niềm tin của tôi vững hơn sắt đá, đấy là niềm tin trong sáng của những người mộng mơ, những chiến binh, những thánh tử đạo. Tôi đã bị tra tấn, tù đầy, căm thù và đổ máu, không tiếc máu xương những người anh em của mình vì niềm tin ấy.

Nhưng cũng có nỗi buồn. Tôi phải để lại ở đây những người đồng chí khi chiến sự đang diễn ra ác liệt nhất, phải bỏ lại phía sau mảnh đất quê hương đã biến thành bãi chiến trường đầy khói lửa.

Cuộc chia tay với phái đoàn quân sự Liên Xô bịn rịn hơn những lần gặp gỡ trước đây, tôi ôm những người bạn, họ cũng có vẻ buồn, rồi đi về phía sân bay dã chiến ở gần Bosanski Petroves. Chúng tôi ở đây cả một ngày trời, đi xem sân bay, nói chuyện với các nhân viên phục vụ và bà con nông dân, những người đã kịp làm quen với chính quyền mới và tin tưởng vào chiến thắng tất yếu của nó.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x