Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Nói Có Sách (Giải Thích Các Danh Từ Mới Thường Dùng) của tác giả Vũ Bằng

CHÍ SĨ, CHIẾN SĨ, LIỆT SĨ, TỬ SĨ

Chí sĩ (kẻ sĩ) là những người trí thức, có tiết tháo, trọng liêm sỉ, trong mọi trường hợp, giữ được lòng trung trinh với đất nước.

Dưới chế độ nô lệ hay thống trị, hà khắc, người chiến sĩ thường là những người từ khước mọi cám dỗ, danh lợi của bọn thống trị. Những người có chí lớn nhưng chán nản cuộc đời đen bạc, ở ẩn, cũng gọi là chí sĩ.

Chí sĩ mà lại có tinh thần chiến đấu cách mạng, tức có tinh thần luôn luôn vận động, tuyên truyền, tổ chức cách mạng được gọi là chí sĩ cách mạng. Thí dụ : chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu.

Chiến sĩ chỉ những người chiến đấu ngoài mặt trận. Dần dần, danh từ chiến sĩ được định nghĩa rộng ra cho tất cả mọi công tác chiến đấu khác, vì thế có đủ loại chiến sĩ : chiến sĩ trồng khoai, chiến sĩ nuôi gà, chiến sĩ tăng gia sản xuất… Song có điều cần biết là các chiến sĩ sản xuất phải có thành tích chiến đấu cụ thể, nếu không, không thể thành chiến sĩ được.

Với nội dung ấy, chiến sĩ phải là những người tích cực, gương mẫu nhất.

Liệt sĩ là những chiến đấu viên có tinh thần hăng hái hy sinh và đặc biệt coi cái chết nhẹ như lông hồng.

Những người có tinh thần ấy mà chưa chết, chưa được gọi là liệt sĩ, cho nên nói liệt sĩ là nói người có thành tích tranh đấu và có cái chết anh dũng, như liệt sĩ Nguyễn Thái Học, liệt sĩ Phạm Hồng Thái.

Tử sĩ là danh từ để nêu chung những chiến sĩ bị chết ngoài mặt trận.

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CẢM GIÁC, CẢM ỨNG, CẢM XÚC

Ba chữ cảm giác, cảm ứng và cảm xúc khác biệt nhau.

Cảm giác là sự tiếp nhận tự nhiên về sự vật bên ngoài, qua sự khích thích của thần kinh. Sự khích thích ấy sở dĩ phát sinh là nhờ ở giác quan (tai, tay, mắt, mũi, lưỡi và linh tính hay giác quan thứ sáu) đem lại cho ta.

Cảm giác là một vấn đề thực tế, song nó vẫn thường xuyên còn tồn tại hai tính chất : chủ quan và mơ hồ.

Cảm ứng là cảm tình nẩy nở theo cảm giác, như uống rượu thì thấy say, ăn chuối thì thấy ngọt. Cảm ứng tuy đi liền với cảm giác, nhưng kết quả hai đằng có khác nhau. Cảm giác thì có sai biệt, còn cảm ứng thì không sai biệt (trừ trường hợp những người có chứng bịnh thần kinh).

Cảm xúc là sự thông cảm hay xúc động vì sự vật bên ngoài, qua đường cảm giác. Có cảm giác mới có cảm xúc, có cảm xúc mới có cảm ứng.

Cảm thông để có thái độ hoà nhã hay cảm khái để phát tiết ra ý chí của mình đều là kết quả tinh thần sau khi có cảm xúc.

XÁC NHẬN, XÁC ĐỊNH, KHẲNG ĐỊNH

Hàng ngày, chữ xác nhận vẫn được dùng, nhất là trên mặt báo. Thí dụ : theo tin tức được xác nhận… Xác nhận là công nhận là có thực, là xác đáng, chắc chắn.

Xác định là định ra một cách đứng đắn, rõ ràng. Thí dụ : xác định thái độ học tập. Xác định một thái độ đối với việc Mỹ đổ bộ lên Việt Nam. Xác định khác với quyết định. Quyết định có ý nghĩa là quyết chí định một cách chắc chắn, quyết chí phải thực hiện một ý định, một quan điểm, một kế hoạch. Thí dụ : Chính phủ quyết định hạ giá hàng và trừng phạt nặng nề những kẻ đầu cơ tích trữ.

Khẳng định là khẳng khái quyết định là đúng. Chữ khẳng định mạnh hơn chữ xác nhận. Trái với khẳng định là phủ định, cũng như phủ nhận, có nghĩa quả quyết là không. Thí dụ : Chữ Hán gắn liền với Nho học, với giáo dục, khoa cử. Nhà nước phong kiến cần Nho học để khẳng định chủ nghĩa phong kiến, giữ gìn địa vị thống trị của giai cấp, nên phải đem Nho học truyền bá cho nhân dân.

Danh từ « thẩm định » và « thẩm đoán » có ý nghĩa xét trước rồi đoán, định sau. Còn khẳng định lập trường là làm cho vững lập trường.

PHẢN ẢNH HAY PHẢN ÁNH ?

Phản ảnh và phản ánh đều có nghĩa là chiếu hắt trở lại (refléter), nhưng chữ phản ảnh bây giờ ít được dùng như phản ánh. Thí dụ : văn học dân gian phản ánh cuộc sống của quần chúng, biểu hiện thế giới quan của quần chúng, do đó có tính nhân dân sâu sắc.

Từ ý nghĩa đó, chữ phản ánh được dùng với một ý nghĩa bóng bảy, rộng rãi hơn. Phản ánh có nghĩa là tỏ ra, biểu hiện ra. Thí dụ : lời văn của ông ta phản ánh một nội tâm thắc mắc.

Ở ngoài kháng chiến, chữ phản ánh còn được dùng với một ý nghĩa rộng hơn nữa : phản ánh là kể lại sự việc đã xảy ra. Thí dụ : phản ánh tình hình chiến sự cho cấp lãnh đạo.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x