Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Non Nước Khánh Hòa của tác giả Nguyễn Đình Tú mời bạn thưởng thức.

CHƯƠNG III. NÚI NON

Như trên đã nói, cũng như tất cả các tỉnh ở Trung phần, tỉnh Khánh Hòa bị dãy núi Trường Sơn chiếm một phần lớn diện tích. Khi tới địa đầu tỉnh Khánh Hòa, dãy núi này nằm theo thế hoành sơn, tựa hồ như một cánh tay mỹ nhân dang ra tới biển, để hàng ngày vỗ về làn sóng bạc nhấp nhô từ Thái Bình Dương chạy vào. Những ngọn núi liên tiếp nhau theo thế liên sơn, cao chót vót, có ngọn đến 2.000 mét, cây cối um tùm, quanh năm phủ một màu xanh biếc.

Ở địa đầu là ngọn núi Đèo Cả (407m) ngoảnh mặt ra biển, với trạm Phú Hòa xưa kia là nơi nghỉ chân của khách bộ hành từ trong ra, từ ngoài vào, với những quán nước, nhà trạm bằng tranh, với những chàng phu trạm hống hách, ngày nay đã theo thời gian mà chìm sâu vào lịch sử. Bây giờ chỉ còn những tảng đá, những chòm cây trơ gan cùng tuế nguyệt mà thôi. Nơi đây ranh giới hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa được ghi rõ ở cây số 1360, 815 trên Quốc lộ số 1. Đứng trên Đèo Cả nhìn về phía Nam, chúng ta thấy xa xa miền Tu Bông, Vạn Giả, nhưng đường đi lên dốc xuống đèo rất nguy hiểm. Chính cái thế núi hiểm trở nầy đã làm cho những mối tình xưa kia sâu đậm giữa những chàng trai Phú Yên và các cô gái Khánh Hòa phải nhiều phen dang dở. Thành ra:

Trèo lên Đèo Cả,

Trông xuống Vạn Giả, Tu Bông.

Biết rằng phụ mẫu có đành không.

Để anh chờ em đợi uống công hai đùng.

Tuy nhiên, khi mà tình nghĩa đã trao cho nhau rồi, thì:

Đèo cao thì mặc đèo cao, Thương em anh vẫn tìm vào thăm em.

Hay là:

Em về Cồn Cạn

Tu nhớ bạn quá chừng, Trèo truông quên mệt giậm rừng quên gai.

Qua khỏi đèo Cả, đường đi ngòng ngoèo trên 10 cây số, một bên là núi rậm dựng đứng như bờ thành, một bên là vũng Rô (2) sâu thẳm. Qua đoạn đường đầy nguy hiểm này mà đa phần người đi xe hơi đều bị chóng mặt, ói mửa, vì chiếc xe không ngớt cua bên này, quẹo bên kia theo chiều uốn lượn của đường đèo. Phong cảnh nơi đây đã được một nhà thơ vô danh tả trong bốn câu sau đây:

Vô đèo Cả lên dương xuống dốc, Trên rừng già dưới biển chơi vơi. Ngồi trên xe liếc mắt ngó chơi, Đường khuất khúc quanh co nhiều nỗi (3)

Sau một hồi mệt nhọc, du khách vào đến núi Đại Lãnh (626m), một ngọn núi cao, nhiều đá, cây cối dày nghẹt, nằm thon mình vào phía trong, nhường chỗ cho ga Đại Lãnh hàng ngày đón tiếp những chuyến tàu đầy thương nhớ. Núi nằm dọc theo mé biển, làm thành một cái gạch ngang nối liền đèo Cả với đèo Cổ Mã. Sở dĩ có cái tến Cổ Mã, vì hình núi như cổ con ngựa, đi ghe ngoài biển trông vào mới thấy được, chứ đi xe lửa thì phải chui sâu dưới hầm, chỉ thấy tối om và hơi nghẹt thở, còn đi xe hơi thì chỉ thấy cong queo như con rắn khổng lồ bò sát chân núi. Những dãy núi trùng trùng điệp điệp này có rất nhiều thứ gỗ quý, đặc biệt nhất là thứ gỗ trầm và kỳ nam, cho nên:

Cây quế thiên thai mọc nơi khe đá, Trầm nơi Vạn Giả hương tỏa sơn lâm, Đôi đứa mình đây như quế với trầm.

Trời xui gặp gỡ sắt cầm trăm năm.

Từ đó, dãy núi lan rộng ra và chạy theo hướng Đông Bắc Tây Nam. Sát liền với núi Cổ Mã núi Đại Lãnh có núi Đồng Cọ tên chữ là núi Phú Mỹ, nằm trên đất hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Núi cao chót vót, thường có mây mù bao phủ, buổi chiều hay có mưa, nên mới có câu “Mưa Đồng Cọ”. Nối liền với núi Cổ Mã có núi Xá (680m), tên chữ là núi Tô Hà, dưới chân núi ngày xưa có trạm Hòa Mã, và ngày nay là Quốc lộ số 1. Mỗi lần đi xe lửa ngoài vào, chui khỏi hầm Cổ Mã là du khách đã thấy ngay núi này nằm bên tay phải, rồi đến núi Hoa Sơn, chạy dài từ Tu Bông vào đến Gành Bà. Phía dưới chân núi Hoa Sơn là đường Gia Long có truông Hụt mà ngày nay người ta chỉ gọi là truông Tân Dân; vì chạy qua thôn này. Sở dĩ có tên truông Hụt, vì xưa kia, nơi này rất nhiều cọp. Khách bộ hành thường đi qua bị cọp vỗ. Ai qua được trót lọt thì cũng ví như người ấy đã chết hụt vậy. Giữa núi Xá và núi Hoa Sơn có nguồn sông Tu Bông, trên đó người ta xây cái đập ngăn nước gọi là đập Sổ, nguồn này ăn sâu vào núi Đồng Cọ.

Du khách chắc lấy làm lạ, tại sao cách xa bờ biển hàng hai ba cây số, mà nơi chân núi lại gọi là Gành Bà? Ấy vì thời xưa bờ biển ăn sát chân núi. Bây giờ chỗ Gành Bà còn có những tảng đá to vô cùng, bị nước biển đánh vào trơn nhẵn. Tại đây còn có một cái hồ rất lớn, có lẽ ngày xưa là vùng biển. Nước trong hồ này chảy theo mương Vĩnh Huề mà vào các cánh đồng Tứ Chánh và Phú Cang.

Rời khỏi Gành Bà đi lên là núi Dốc Mỏ (1015m). Đây là một địa danh quan trọng của vùng Vạn Ninh. Tại núi này, có đường mòn đi xuyên sơn qua bên kia là tỉnh Phú Yên, nơi mà trong trận giặc 1945-1954, quân đội viễn chinh Pháp đã bỏ thây khá nhiều, khiến cho dân chúng địa phương đã có câu:

Muốn ăn to thì lên Dốc Mở

Muốn ăn nhỏ thì xuống Hòn Hèo.

Cuối năm 1947, cụ Mai Phong tản cư tránh giặc Pháp, trên đường ra Phú Yên, đã vượt qua dốc này với bao nhiêu là cực nhọc. Nhân đó, cụ có làm bài đường luật sau đây để ghi nhớ chuyến đi lịch sử này:

Dặm đường Dốc Mỏ nghĩ mà ghê.

Chồng chất non cao đá tứ bề. Chim thú vắng tanh cây rậm rạp. Gió mưa ròng rã nước lê thê.

Leo đèo vượt suối bao nguy hiểm, Gối tuyết nằm sương đã chán chề! Trăm đắng nghìn cay ta chẳng nệ, Quyết giành độc lập sớm đem về.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x