Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Quả táo, con rắn, người nam, người nữ, khu vườn và kẻ ẩn mặt

Có nhiều lí do để những gì thuộc về khu vườn phải ra đi; và cả khu vườn nữa, cũng rời bỏ chính nó.

Sau đây là câu chuyện.

Về nọc độc của con rắn và sự di cư của cây táo

QUẢ TÁO MÀ TRUYỆN NGẮN NÀY nói đến có thể là loài táo Tây, tên khoa học là Malus domesticus, thuộc họ hoa hồng.

Làm sao một quá táo lại mang họ của hoa hồng? Đó là một câu chuyện tiến hóa rất dài dòng, thách thức mọi nỗ lực tìm kiếm của các nhà di truyền thực vật học. Nhưng tự xét thấy những nỗ lực ấy, trong bối cảnh của những dòng truyện này là một thứ thừa thãi, nên dữ liệu trên chỉ có tính chất gợi mở mà không diễn giải gì thêm.

Sử dĩ phải nêu đến danh pháp, nguồn gốc khoa học là vì có sự phân biệt rạch ròi giữa quả táo đang nói đến với các loài táo khác, ví dụ: táo ta có danh pháp khoa học là Ziziphus mauritiana và Ziziphus nummularia. Loài này sống ở miền nhiệt đới Trung Quốc nên còn gọi nôm na là táo Tàu, đại táo hoặc hồng táo (枣, 棗, 红枣), người Nhật gọi là natsume.

Ban đầu người ta nói rằng, khu vườn cho quả táo đầu tiên trong lịch sử thuộc về phần đất Bắc Phi và Syria. Nhưng về sau, qua hành trình hơn bốn ngàn năm, quả táo di cư từ Tây sang Đông, thay hình đổi dạng cho thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu nhiệt đới của phương Đông (Ấn, Trung…) và nó mang vào vô vàn tên gọi, cách trình bày lí lịch.

Người ta xác định bản thân khu vườn đã có một sự dịch chuyển nhất định. Hay nói cách khác, căn cứ trên quả táo, người ta xác định được cả bóng dáng, hành trình di cư của khu vườn từ nơi này đến nơi kia. Quả táo mang trong nó sự xê dịch có tính chất lịch sử và có thể là đóng góp vào kho tàng các biểu tượng của tôn giáo, văn hóa… từng vùng miền khác nhau nữa.

Trên lí thuyết là như thế. Vì vậy, sự phân biệt táo Tây hay táo ta, táo Tàu hay táo Nhật thì cũng để đi đến một hướng nghĩ rằng, đặc tính của nó có một sự đồng nhất trong đa dạng, tiếp biến và di truyền.

Quan trọng là điều gì tiếp tục xảy ra với quả táo?

Con rắn nói, đó không phải là thức ăn ưa chuộng của tôi. Đó chỉ là nơi ký gởi nọc độc. Vì sao tôi chọn nơi này để cư ngụ ư? Đơn giản, vì gai trên cành táo khiến tôi thấy an toàn. Sống giữa bụi gai là một giải pháp yên thân khi những vảy da trên mình quá yếu đuối và mềm mại, khi sự chuyển động của tôi quá mức trơn tru, cần càng nhiều điểm tựa càng tốt. Vậy là, bụi gai mang trong nó những gì ẩn mật nhất. Tôi yên tâm ăn ngủ và cố thủ bên trong đó từ mùa xuân xanh lá đến mùa đông gầy trơ mà không sợ loài người hay thú dữ đến gây sự, tấn công.

“Kìa, hình như con rắn trong bụi táo đang trở về từ Thánh Kinh!” – ai đó reo lên. Mặc. Tôi sẽ không diễn giải, chú thích gì thêm. Tôi cuộn thành một khoanh tròn như chiếc bánh bột chiên khổng lồ, phì nộn. Tôi bảo vệ giấc ngủ vẹn toàn của mình. Mặc cho người đời lên án. Tôi đã ngủ như thế qua những ngàn năm dằng dặc. Và trong giấc mơ thăm thẳm ấy, tôi thấy gốc táo mọc ra những cái chân ngoằn ngoèo, chuyển động trên mặt đất, từ nơi này đến nơi khác, từ vùng khí hậu này đến miền khí hậu kia, từ nền văn hóa này đến nền văn hóa nọ. Gốc táo chở tôi đi trong một cuộc du hành mê man xuyên thời gian nhưng an toàn tuyệt đối.

Ô hô, ai bảo khu vườn là cố định? Làm sao họ có thể tin được khi những gốc cây, những chiếc lá, những vạt cỏ bên trong nó đang chuyển động theo những hướng khác nhau, tùy thuộc vào từng cơn mưa, từng mùa gió, các mùa chim thiên di hay những âm ỉ đổi thay của cuộc đất trồi sụt bên trong vỏ địa cầu? Họ chỉ nhìn nó với đôi mắt bị phủ mờ huyền thoại và sáng tạo ra vô vàn sự tích cho câu chuyện kể thêm phần huyễn hoặc!

Trong giấc mơ của con rắn, khu vườn đang dịch chuyển không ngừng, nó không ngừng xô đẩy, không ngừng chồng lấn, không ngừng bị truất hữu bởi những khu vườn khác, và, đến lượt nó, không ngừng tấn công những khu vườn khác. Mọi cây cối, động vật trong nó đang giao chiến với nhau từng giờ – một cuộc nội chiến âm ỉ, bất tận, đồng thời, chúng giao chiến với những loài ở các khu vườn lân cận để xâm lược và chống lại ngoại xâm. Trong thế hỗn loạn đó, có những cây tự xưng mình là cây Bản Xứ, cây Bản sắc bị thất trận, phải nhường chỗ cho những loài cây Lạ Lùng; và các loài cây Lạ Lùng, đến lượt nó, tự biết mình phải biến đổi Lạ Lùng hơn, hoặc bị những loài cây mới đến lấn chiếm. Bản Xứ, Lạ Lùng không còn là những từ chỉ khái niệm, mà chúng là những cái tên trống rỗng vì chúng tự biết phẩm tính của sự tồn tại mong manh và phù du trong mình.

Điều gì đang xảy ra với những khu rừng và những mảnh vườn? Đó chỉ là một cuộc tranh giành chẳng thư nhàn như vẻ ngoài vốn có, hay như người đàn ông và đàn bà kia từng nghĩ về nó? Chỉ có con rắn là cảm nhận được rõ ràng nhất trong giấc ngủ li bì miên man. Nó tìm thấy câu trả lời trong giấc ngủ. Nó ngủ trong tiếng cót két trầy xước thương vong của các loài cây, trong tiếng mủ cây đang bục ra từng ngụm quắm đỏ hay nhều nhệu vàng, trong tiếng gãy đổ bi thương, trơ ra những lõi gỗ hêu hếu đỏ, cả những cú vặn mình rên xiết trong cơn hạn hán, trong sự gào thét những cuộc đấu tranh sinh tồn và tranh giành lãnh địa từ muông thú cho đến côn trùng…

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x