Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Phải Sống của tác giả Van B. Choat mời bạn thưởng thức.

Chương 2. NHỮNG NGÃ RẼ – 1964

Đêm đầu tiên sau khi trở về Sài Gòn, tôi ngủ với bà ngoại thay vì với anh Quang hay dì Thu. Tôi nghĩ rằng bà ngoại cần người ngủ chung còn dì Thu thì phải lo cho Em Bé. Ban đêm, tiếng khóc của bà làm tôi thức giấc nhiều lần. Tôi vẫn chưa biết điều gì đã khiến bà buồn đến vậy, tôi bèn lăn qua, khẽ chạm vào lưng bà, để bà biết tôi đang ở kế bên bà, để an ủi bà. Sáng hôm sau, anh Quang vẫn còn tức tối chuyện chiếc nhẫn, và dù anh không giận dai, nhưng lúc ăn sáng, anh lặng thinh. Vì thế tôi không còn việc gì khác để làm ngoài chuyện lắng nghe dì Thu và bà ngoại nói chuyện với nhau.

“Mình nên đưa tụi nhỏ đến nhà chú Thành,” bà ngoại nói. “Chú ấy là em trai duy nhất của Ba tụi nó, bây giờ lại là người đứng đầu gia đình bên nội nên sẽ biết phải làm gì với con cái của anh trai mình.”

“Mẹ nói đúng,” dì Thu ôm Em Bé trong tay, nhìn tôi và anh tôi từ trên xuống dưới như chọn cá trong chợ. “Anh ta sẽ biết phải làm gì.”

Những lời này khá lạnh lùng nhưng tôi không nghĩ ngợi gì nhiều. Dù sao thì em Thủy cũng đang ở đó, chúng tôi phải đi đón em về. Mẹ sẽ không đi lâu, khi Mẹ đi chợ về, Mẹ sẽ muốn nhìn thấy tất cả con cái của Mẹ ở nhà. Và Ba cũng vậy, khi Ba hoàn thành nhiệm vụ và trở về.

Chúng tôi đón taxi đến một doanh trại lớn nằm trên đường đến sân bay Tân Sơn Nhất. Gia đình chú Thành đang sống ở đó, trong những khu nhà dành cho gia đình của các quân nhân. Chú đã cưới vợ – thím Lan, nhưng tôi không gặp thím thường xuyên cho lắm, vì thế tôi không biết rõ tính tình thím như dì Thu, em gái của Mẹ tôi. Thím Lan rất đẹp và có tiếng là tiểu thư lá ngọc cành vàng. Bà ngoại từng phàn nàn chuyện Mẹ dùng hết tiền bán đất của ông ngoại ở Rạch Giá để sắm sính lễ đắt tiền khi chú Thành hỏi cưới thím Lan. Nếu đây là điều không hay, tại sao Ba không phản đối, nhưng lúc đó, Ba đang tại ngũ. Mẹ lo liệu chuyện tiền nong trong nhà, dù bà ngoại và dì Thu đang ở cùng chúng tôi. Nếu Mẹ nghĩ gia đình chúng tôi cần tổ chức một đám cưới linh đình cho em trai của Ba thì chuyện không cần bàn cãi nữa.

Chiếc taxi dừng ở lối vào chính của doanh trại – chỉ có xe quân đội mới được phép vào sâu hơn. Lính gác cổng gọi điện đến đồn của chú Thành và ít phút sau, chú xuất hiện đằng sau tay lái của một chiếc xe jeep của Mỹ. Tôi không biết những người lính, gồm cả Ba tôi, làm gì ngoại trừ những việc có liên quan đến súng (và thường mặc đồ giống nhau) và động tác đưa tay lên trán khi đi ngang qua người lính khác. Rõ ràng là chú Thành cảm thấy vui với công việc trong quân ngũ. Chú có nhiệm vụ lái xe jeep cho một người nào đó được gọi là “Top Brass” (“Sĩ quan cao cấp”) – mà người này thường mặc quân phục cứng nhắc, choàng khăn vàng và đi ủng bóng lộn – nên tôi nghĩ rằng ông ấy là một người quan trọng. Khi chú ra đến cổng, mọi người hành động đâu ra đó rất chỉn chu và trao đổi với nhau nhiều loại giấy tờ. Sau khi người lính canh hài lòng, ông ta mở cổng và chúng tôi lũ lượt kéo vào như mấy con chuột nhắt. Chú Thành lái xe đưa chúng tôi đến khu nhà lính, và vì quanh đó rất ồn nên tôi không nghe rõ chú nói gì với bà ngoại và dì Thu, nhưng tất cả trông rất buồn bã.

Khi chúng tôi đến, em Thủy đang chơi với con gái của chú Thành ở trước nhà. Ba cô con gái của chú cùng độ tuổi và có tính cách khá giống ba anh em tôi. Người con đầu vui vẻ và biết bênh vực em, cũng như anh Quang. Người con giữa thì ít nói và tò mò như tôi. Còn người con út thì rụt rè và nhút nhát, giống cái cách em Thủy hay bám vào chân bà ngoại khi có người lạ đến nhà. Tôi rất thích đến thăm nhà chú và cũng rất tiếc là không được đến chơi thường xuyên hơn.

“Chiến tranh,” bà ngoại trả lời khi tôi hỏi vì sao chúng tôi không được gặp họ thường xuyên. “Ba cháu và chú là lính. Không ai biết được những gì sẽ xảy ra. Cả Ba và chú đều là nạn nhân của số phận.”

Thím Lan đi ra gặp chúng tôi. Gương mặt tươi cười thường ngày của thím trở nên ủ rũ như ngày mưa. Bọn trẻ ngừng chơi ngay khi thấy những người lớn buồn bã.

“Em hãy kể cho Lan biết chuyện,” chú Thành nói với dì Thu. Dì kể bằng những từ mà tôi không hiểu chút nào, nhưng khi dì nói, bàn tay nhỏ của em Thủy nắm lấy tay tôi.

Và ngay sau đó chúng tôi đi vào nhà, lũ trẻ chúng tôi tự chơi trên sàn nhà trong im lặng.

Người lớn tiếp tục cuộc nói chuyện nghiêm túc của mình. Chuyện gì đã xảy ra với anh Tỉnh? Còn lũ trẻ thì sao? Chúng ta sẽ phải thay đổi. Làm sao chúng ta lãnh được trợ cấp khi cả hai anh chị đều không còn sống?

Câu cuối cùng làm tôi không hiểu được. Tôi không biết “trợ cấp” là gì, nhưng chắc là Mẹ sẽ biết. Tôi mong Mẹ mau đi chợ về, và Ba sẽ trở về từ chiến trường trong vài tháng nữa. Câu nói đó chẳng có nghĩa gì hết. Ngay lúc đó, một chiếc xe quân đội lớn rầm rầm đi qua, ồn ào hơn cả chiếc xe đò ở Hồng Ngự, và tôi suýt chút là nhảy dựng lên.

Tiếng pháo rền vang bên tai tôi, ngay trong đầu tôi. Đoàng đoàng đoàng. Ầmmmm. Tiếng người kêu gào trong đêm tối. Người ta đang la hét. Vì sao Ba không đến với chúng tôi? Tấm mền Ba phủ lên cửa hầm quét vào mặt tôi và tôi cảm thấy những luồng gió nóng. Mẹ đang rên rỉ và ôm chặt Em Bé vào lòng. Có lẽ cả hai người đang kêu khóc, nhưng ai nghe được chứ? Đất đá và bùn thi nhau rơi tung tóe từ mái vòm căn hầm mỗi khi màn đêm nổ tung. Khói tràn vào mũi tôi. Tôi muốn đi ra, nhưng tay anh Quang ghì chặt tôi xuống.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x