Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Còn về hội thương Nguyễn lộ Trạch đã chủ trương ra sao ? Tôi không còn những dấu tích gì của những người đồng thời với ông (như kiểu Nguyễn hữu Bài) để tìm hiểu phần nào. Tuy nhiên, do việc thành lập Công Ty Liên Thành ở Phan Thiết sau này, dù đó là công hô hào của Phan châu Trinh, tôi cho là có chịu phần nào ảnh hưởng của ông như sẽ nhận xét sau.

B. Về việc đi xa kết nạp đồng chí, xưa nay ở nước ta, có lẽ ngoài chính trị (khởi nghĩa, mưu bá đồ vương) và tôn giáo, chưa hề nghe có việc đi thuyết dụ một công cuộc cứu nước kiểu Duy Tân. Chính ở chỗ này mà ta thấy Nguyễn lộ Trạch là người có chí lớn thật sự. Ông biết bây giờ không phải là lúc đưa những Thời vụ sách suông hay chỉ thui thủi hành động cá nhân.

Tất cả các phương thức ấy cổ lỗ quá rồi. Cần kêu gọi mọi người đứng lên, kết hợp với nhau để có thể thực hiện công cuộc Duy Tân toàn quốc cùng lúc. Có như thế mới gây nổi một phong trào, mới tạo được một sức mạnh đáng kể trong một đại cuộc đã hoàn toàn thay đổi. Vậy chủ yếu là giác ngộ sĩ phu và quần chúng để tiến tới canh tân đất nước, hòng đạt được mục đích cuối cùng. Bởi thế, ông đã đi đến tận Phan Thiết để tìm gặp những người như Trương gia Mô, Nguyễn trọng Lợi…

Trên kia, tôi có nói đến Công Ty Liên Thành, một đại Công Ty thương mãi ở Trung Việt và Việt Nam, qua bao nhiêu biến cố hiện vẫn tồn tại và phát triển toàn quốc. Công Ty này thành lập năm 1906, do Phan châu Trinh góp ý trong một công cuộc vận động Duy Tân chung, nhưng tôi nghĩ là không phải không chịu ảnh hưởng Nguyễn lộ Trạch. Vì một đại công ty như thế, qui mô to lớn, tập trung nhiều nhân tài vật lực, không thể quan niệm trong năm, bảy tháng, một năm rồi thành lập mà chắc phải có một quá trình tính toán lâu dài hơn nhiều.

Cũng như những tổ chức Duy Tân ở Quảng Nam thành hình năm 1906 nhưng tư tưởng, ý định đã phát ra trước đó những ba, bốn năm rồi. Một điều cần nhấn mạnh thêm là những người mà Phan châu Trinh tìm gặp năm 1905 cũng đều là những người mà mười năm trước, Nguyễn lộ Trạch đã tìm gặp : Trương gia Mô, Nguyễn trọng Lợi 6 Và nơi xa xôi, đèo heo hút gió như cực Nam Trung Việt lại có một phong trào Duy Tân rộng lớn (trong khi nhiều tỉnh khác gần đó không có tổ chức gì đáng kể) thì quả thật không phải việc nhất đán mà thành.

Có lẽ sức khỏe không còn đủ đảm bảo cho một hành trình xa hơn nên Nguyễn lộ Trạch đã về rồi chết tại Bình Định như một người chết đúng trên đường Lý Tưởng, một Thánh tử vì Đạo ! Đạo Duy Tân ! Tiếc rằng chúng ta không được biết thêm những gì về công cuộc Thương và Nông cùng lịch sử Nam Du của một nhân vật lớn lao mà lịch sử nỡ quên.

C. Nhưng người ta biết Nguyễn lộ Trạch nhiều nhất là vì bản Thiên Hạ Đại Thế Luận của Ông. Đây là tư tưởng chỉ đạo công cuộc Duy Tân mà chính ông là kẻ vừa nêu lên lý thuyết vừa cố gắng thực hiện một cách nhọc nhằn, gian lao như ta vừa thấy.

Bản ấy thật quan hệ đối với lịch sử, chính trị, văn hóa, học thuật, kinh tế v.v… của Việt Nam. Tiếc là toàn văn đến nay bị mất. Nhưng cũng thật may mắn mà ông Huỳnh thúc Kháng còn chép lại phần đại ý khá đầy đủ và những đoạn ông còn thuộc trọn vẹn trên một số báo Tiếng Dân năm 1932. 7

Để cho độc giả thấy rõ tầm quan trọng của bài báo nói lên giá trị tiên tri chính trị và quân sự đại tài của Nguyễn lộ Trạch dưới mắt Huỳnh thúc Kháng, tôi trích lại sau đây những điểm quan trọng của bài báo và toàn văn của bản « Thiên hạ Đại Thế Luận trích yếu ».

Cái đề của bài báo khá dài giòng :

ĐIỀU TIÊN KIẾN CỦA MỘT NHÀ HỌC GIẢ NƯỚC TA

Nhân chuyện Trung Nhật xung đột mà nhớ đến câu nói trong một bài đại luận trước đây 40 năm.

Huỳnh thúc Kháng mở đề bằng chính một đoạn tiên tri của bài luận : « Điều lo của Trung Hoa, không tại các nước ngoài mà tại nước Nhật Bản ». Đó là một cây trong bài « Thiên Hạ Đại Thế Luận » của ông Nguyễn lộ Trạch người Kế môn hạt Thừa Thiên. Bài ấy ra đời cách nay đã trên 40 năm, trước trận Trung Đông đánh nhau (năm 1882 Giáp Ngọ) kia, mà đến nay vẫn cứ thấy nghiệm, ai dám bảo học giới nước ta không có người biết rộng thấy xa.

Về niên đại của bài ấy, lúc bấy giờ Huỳnh thúc Kháng chưa được đọc quyển Ưu Qui Lục nên ông chưa rõ. Vì vậy, sau này, ông ghi : « Năm Thành Thái thứ tư, khóa hội Nhâm Thìn (1892) đề thi Đình có hỏi đại thế hoàn cầu, Tiên sinh không thi cử gì nhưng thấy cái đề có quan hệ, có thảo một bài Thiên Hạ Đại Thế Luận ».

Vậy, có lẽ niên đại 1892 là đúng. Vì tư tưởng của ông Nguyễn lộ Trạch trước 1884 trong bài tự Quì Ưu Lục khác ít nhiều với bài luận, do lẽ bài luận chỉ viết khi nước mất, lại làm để tuyên truyền trong đám sĩ phu nên lời lẽ có phần dè dặt.

Huỳnh thúc Kháng trình bày tiếp theo cái tình trạng bi đát của Trung Hoa đã bị liệt cường và Nhật xâu xé (hồi đó, Nhật lại khởi đánh nhiều trận lớn). Những chuyện ấy nay ai cũng biết, nhưng thời Nguyễn lộ Trạch thì không phải như thế.

« Ở dưới chánh quyền chuyên chế, nhân dân không can dự gì đến việc nước, lối học khoa cử lại chôn biết bao nhiêu học giả vào cái hầm hư văn.

Gia dĩ đường giao thông chưa mở mang (Trung Kỳ chưa có xe lửa), tờ báo chưa xuất hiện, trên vua quan thì rung về ngâm thi, dưới sĩ phu thì chăm vác quyển đi thi, đi hạch. Không những chỉ việc to lớn ngoài thế giới, dẫu như trận Nha phiến nước Tàu (1840), trận Anh Pháp liên quân vào Bắc Kinh (1858) ở bên nước láng giềng mà người mình gần như không hay, không biết.

Thậm chí, việc ở trong nước mà chuyện ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ, thì người Trung Kỳ nghe như chuyện ngoài trời kia. Học giới ta lúc bấy giờ hắc ám là đường nào !

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x