
Phượng Ca – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Phượng Ca của tác giả Vũ Đức Sao Biển mời bạn thưởng thức.
Một chuyện quê mùa
Lớp đệ ngũ ngày ấy tức là lớp tám ngày nay. Hai năm trước đó, tôi còn quá nhỏ, mới học lớp đệ thất và đệ lục thì chưa có gì đáng nhớ. Tôi bắt đầu những mẩu chuyện của mình với năm tôi lên lớp đệ ngũ² niên khóa 1961-1962. Trường tôi học là trường Trần Quý Cáp – ngôi trường công lập lớn nhất của tỉnh Quảng Nam, đóng tại Hội An. Thành phố Hội An – thủ phủ của tỉnh thuở ấy, là một thành phố nhỏ, hiền triết với những mái ngói rêu phong, những con đường im ắng. Nó nằm hướng đông cách quốc lộ 1 mười cây số, thẹn thùng e ấp như một cô gái mới lớn. Đêm đêm, thành phố ngọt ngào hương hoa ngọc lan.
Sân trường Trần Quý Cáp trồng thật nhiều gốc phượng. Những cây phượng tới mùa đông rụng hết lá, chỉ còn những cành nhánh khẳng khiu đứng chịu gió rét và mưa lạnh. Qua mùa xuân, phượng ra lá non và cuối xuân đầu hạ thì đâm hoa rực rỡ. Cái màu lửa của hoa phượng thật hấp dẫn tuổi thơ tôi, khơi gợi trong tôi những ký ức thật đẹp về ngôi trường này.
Trước đó, khi học hai lớp đệ thất và đệ lục, tôi ở trọ ăn cơm tháng trong một căn nhà người quen ở khu vực chùa Bà Mụ. Ngôi chùa này do bà con người Hoa xây dựng, sau nhiều năm tháng, dường như bị bỏ quên. Khu vực này thật im ắng. Nhà tôi ở trọ có hai hướng: một đường kiệt (hẻm) trổ ra đường Lê Lợi, một hẻm lớn đổ ra đường Phan Châu Trinh.
Ở trọ trong khu vực này, tôi may mắn được làm quen với nhạc sĩ nổi tiếng Lê Trọng Nguyễn. Nhà ông cách nhà tôi ở trọ chừng vài chục mét. Ông là cậu ruột của chị HTH – bạn cùng học chung lớp với tôi. Tôi không có được hân hạnh học nhạc với ông nhưng học được rất nhiều điều từ tác phẩm âm nhạc của ông. Ca khúc của ông luôn mang dáng dấp âm nhạc bán cổ điển của Pháp.
Mỗi tháng, cha mẹ tôi phải trả cho chủ nhà trọ 300 đồng tiền ăn ở. Cha mẹ tôi nghèo, 300 đồng lúc bấy giờ là một món tiền lớn. Cứ nghĩ tới đó, tôi càng yêu thương cha mẹ tôi. Lòng tôi thầm mong có một chỗ nào đó dạy kèm cho các em học sinh tiểu học để đỡ tốn tiền của cha mẹ. Cha mẹ tôi vốn nghèo, những đồng tiền quý giá ấy dành để nuôi anh trai của tôi đang học tại trường bán công Sào Nam, Duy Xuyên.
“Lù khù có ông cù độ mạng”, tôi tình cờ quen ông Huỳnh Lăng, nhà ở 36 Phan Bội Châu. Ông Lăng có một con gái đầu lòng học lớp năm và hai đứa cháu trai học lớp ba và lớp tư. Ông muốn có một người kèm cặp cho cả ba em cùng học. Đặc biệt, ông muốn con gái đầu lòng phải thi đậu vào lớp đệ thất trường Trần Quý Cáp. Vậy là tôi được ông chọn làm người dạy kèm cho cả ba em, được nuôi ăn cơm trong nhà. Nhiệm vụ của tôi là phải kèm cho em Thanh đủ sức thi đậu vào lớp đệ thất và hai em còn lại lên lớp.
Nhà ông Lăng là một nhà giàu có ở Hội An. Ông thật tử tế, dành hẳn cho tôi căn lầu một rộng rãi làm chỗ học hành, ăn ở và dạy kèm các em. Buổi tối, các em học với tôi từ 7 giờ đến 9 giờ. Từ đó, tôi tự lập, không còn phải tốn một đồng tiền nào của cha mẹ. Tôi lên đệ ngũ mới thật sự an tâm học tập, không còn phải lo kiếm chỗ ở, ăn cơm tháng như hai năm trước nữa.
Anh trai thứ tám của tôi sinh năm 1942, tuổi Nhâm Ngọ nhưng học trễ và lận đận vô kể. Từ lớp 1, anh học chung lớp với tôi. Phải đợi đến năm 1957, làng tôi mới có một trường tiểu học. Anh thi hỏng lớp đệ thất trường trung học công lập nên phải học trường bán công. Học ở trường bán công thì phải đóng tiền.
Cha mẹ tôi mua cho anh chiếc xe đạp để đi học. Anh em tôi chỉ có thể gặp mặt nhau vào tối thứ Bảy và ngày Chủ nhật hàng tuần.
Năm đệ ngũ thì chưa có kỷ niệm gì đáng nhớ ngoài một vị thầy mà tất cả chúng tôi đều… sợ hãi. Đó là thầy TK, dạy môn tiếng Pháp. Thầy dạy rất giỏi, phương pháp sư phạm rất hay. Học với thầy, học sinh phải tự sắm một cuốn carnet¹ để ghi chép các từ mới. Mỗi từ như vậy được đặt trong một câu văn cụ thể. Cho nên, học sinh của thầy rất phong phú vốn từ và vốn câu, có thể nói chuyện với… Tây được.
Cái đáng sợ là đứa nào không thuộc bài thì bị thầy đánh, mà lại đánh rất đau! Trời ơi, “chưởng pháp” của thầy cực kỳ lăng lệ, đặc biệt là cú rờ-ve² -tục gọi là hồi chưởng. Đứa nào bị thầy “chưởng” luôn luôn dính hai cú, một bằng lòng bàn tay, một bằng mu bàn tay. Cái mu bàn tay rơ-ve nặng hơn cái lòng bàn tay. Chưởng pháp thầy lâm ly ảo diệu đến nỗi không đứa nào tránh né được. Và cũng chẳng có đứa nào dám tránh né với thầy bởi tránh né thì bị lãnh rappel³ – nghĩa là nhân đôi hình phạt!
“Trò Hợi, số 32”. Tôi đứng lên như cái máy và nói như… cassette: “Thưa thầy, số 32: Tropical – thuộc về nhiệt đới. Vietnam est un pays tropical – Việt Nam là nước thuộc về nhiệt đới”. “Très bien – Tốt lắm”. Đứa nào không nhớ số thứ tự và từ, không đặt câu được hoặc không thuộc câu mẫu thì ăn… hai chưởng. Thuộc một trong hai cái, ăn một chưởng. Phải phản xạ nhanh như cassette nói thì mới được điểm très bien.
Ngày đó, chưa có khái niệm lập trình ra đời. Thế nhưng như một quán tính, đứa nào cũng phải lập trình số thứ tự các chữ và câu trong đầu óc. Giờ Pháp văn căng thẳng như tình hình nước Iraq đánh nhau với quân Taliban. Học xong giờ Pháp văn của thầy, nhiều đứa trai cũng như gái, má đỏ hây hây. Đó là quân xui xẻo hoặc làm biếng không học bài, bị thầy kiểm tra bất ngờ và… chưởng. Thầy chưởng bất kể đứa nào, từ con của thường dân tới con phó tỉnh trưởng! Nghĩa là thầy không ngán một ai và cũng chẳng có ai dám kiện thưa chi thầy.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.