Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Quảng Nam Hay Cãi của tác giả Vũ Đức Sao Biển mời bạn thưởng thức.

Quảng Nam là miền đất có khí hậu khắc nghiệt. Mùa hè, gió nam từ Trường Sơn thổi xuống, mang theo cái nóng nung người làm vạn vật khô héo. Mùa đông, gió mùa đông bắc lạnh đến cắt da cắt thịt làm vạn vật tái tê. Đã thế, năm nào Quảng Nam cũng bị bão lụt tàn phá. Cho nên, người dân Quảng Nam luôn luôn phải đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn, từ đời này qua đời khác. Từ đấu tranh chống thiên nhiên dày dạn, họ trở thành những người giàu kinh nghiệm đấu tranh với các thế lực khác.

Đấu tranh đã trở thành thuộc tính và quán tính của họ. Cãi là một hình thức thể hiện thuộc tính và quán tính đấu tranh.

Tác phẩm Tam Quốc chí của La Quán Trung có chương kể chuyện Khổng Minh (Tây Thục) cãi nhau với quần nho nước Đông Ngô. Tác giả viết hẳn một chương “Gia Cát Lượng thiệt chiến quần nhỏ”. Thiệt chiến là… đánh nhau bằng cái lưỡi. Tôi có thể nói người Quảng Nam đánh… võ lưỡi rất giỏi. Họ đúng là những nhà thiệt chiến, không phải từ bây giờ mà đã từ trên 500 năm qua, khi vua Lê Thánh Tông tuần du về phương Nam và lập ra dinh trấn Quảng Nam năm 1471.

Địa hình Quảng Nam có chiều dài, gồm hai thành phố và 16 huyện; trong đó có 9 huyện miền núi, 7 huyện đồng bằng. Đồng bằng Quảng Nam nhỏ hẹp, đất cát không màu mỡ, dễ bị nước biển xâm thực. Từ xưa, tỉnh Quảng Nam được xem là tỉnh nghèo, đời sống kinh tế của nhân dân luôn gặp khó khăn. Cơ bản, Quảng Nam năm nào cũng đói kém nên người Quảng Nam không thể giàu sang hơn ai. Không hơn các tỉnh bạn bằng kinh tế, người Quảng Nam chỉ còn biết vượt lên chính mình để phát triển trí tuệ. Người Quảng Nam chuyên cần, học giỏi, say mê sách vở, ham hiểu biết. Cãi – hiểu theo nghĩa phản biện, là một phản ứng nhạy bén của con người trí tuệ. Khi người Quảng Nam cãi, họ vận dụng hết lý lẽ, câu chữ, thái độ. Họ cãi một cách hăng hái với toàn bộ khả năng luận lý học chặt chẽ, mạch lạc. Họ phải cãi cho thắng “đối thủ” cơ!

Triết gia Pháp Descartes nói: “Tôi tư duy là tôi hiện hữu” (Je pense donc je suis). Hiểu theo nghĩa đó thì cãi là một cách tư duy, một biểu hiện sinh động nhất của tư duy. Tôi cũng có thể nói: “Người Quảng Nam cãi là người Quảng Nam hiện hữu”. Cãi là một cách thể hiện tính cách Quảng Nam của chính mình và tự chứng tỏ mình trước mọi người. Từ đó, ta có thể hiểu là nơi nào không có tiếng cãi cọ thì nơi đó… không có người Quảng Nam.

Đất Quảng Nam là đất của những lưu dân Thanh Nghệ vào lập nghiệp từ thế kỷ thứ 15, sau khi vua Lê Thánh Tông lập ra dinh trấn Quảng Nam. Những người rời xa quê nhà ra đi, về phương Nam khẩn hoang là những người nghèo. Họ ra đi toàn là những suất đinh (đàn ông, con trai). Thời quân chủ, họ bị quan lại, địa chủ, cường hào, ác bá bóc lột. Năm 1858, thực dân Pháp đã chọn vũng Thùng (cửa biển Đà Nẵng) của tỉnh Quảng Nam làm nơi nổ súng đầu tiên, mở màn cho cuộc chiến tranh tàm thực (tằm ăn dâu) trên đất nước ta. Hơn một trăm năm sau, năm 1965, đế quốc Mỹ cũng chọn Đà Nẵng của tỉnh Quảng Nam làm nơi đổ những đơn vị lính thủy quân lục chiến đầu tiên, thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa thực dân mới.

Đó không phải là sự lặp lại tình cờ của lịch sử. Người Pháp cũng như người Mỹ đều tin rằng nếu họ làm sụp đổ được ý chí đối kháng mãnh liệt nhất ở Quảng Nam thì cuộc chiến tranh xâm lược của họ sẽ thành công dễ dàng ở những miền khác. Chính vì vậy, người Quảng Nam luôn luôn đi đầu trong chiến tranh giữ nước. Trận đánh Mỹ đầu tiên diễn ra trên qui mô vận động chiến tại Núi Thành, chỉ cách căn cứ Chu Lai của Mỹ 2 cây số năm 1965 nói lên ý chí đối kháng mãnh liệt của quân dân Quảng Nam. Vận nước có khi thịnh, có khi suy. Người Quảng Nam đi đầu giữ nước, luôn chịu nhiều đau thương, áp bức, bóc lột của phong kiến, thực dân và đế quốc. Chính vì vậy, họ khao khát sự công bằng, yêu chân lý; luôn luôn đòi hỏi công bằng, chân lý. Cãi là một hình thái đòi hỏi công bằng, hướng tới chân lý.

Sau cùng, người Quảng Nam là người cứng rắn, chịu chơi. Họ cứng rắn đến độ ngoan cố và chịu chơi đến mức có thể chung hết cuộc đời mình. Phong trào kháng thuế Trung Kỳ xuất phát từ các nhân sĩ, trí thức Quảng Nam đối kháng với chế độ thực dân Pháp chứng tỏ sự cứng rắn, chịu chơi đó. Trong lao tù của chế độ thực dân cũ và thực dân mới, người cán bộ chiến sĩ cách mạng Quảng Nam vẫn giữ được sự cứng rắn, chịu chơi. Chúng ta hiểu tại sao Quảng Nam có nhiều liệt sĩ, nhiều gia đình cách mạng, nhiều Bà mẹ anh hùng nhất nước. Đối kháng với kẻ thù cũng là một cách cãi. Bởi người Quảng Nam luôn tự tin ở chính mình. Họ tin rằng họ phải thắng, dù là… thiệt chiến.

Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung thường phân biệt nội công và chiêu thức. Nội công là cái gì tu luyện được, trở thành nội lực nằm trong con người, giữ vai trò căn cơ. Nó chính là yếu tố nội hàm. Chiêu thức là cái được thể hiện ra bên ngoài bằng đòn thế, cách ứng xử, cách hóa giải.

Nó chính là yếu tố ngoại quan. Chiêu thức kết hợp với nội công, ngoại quan kết hợp với nội hàm làm ra võ công.

Cãi của người Quảng Nam cũng là một võ công bởi nó cũng có nội hàm và ngoại quan hẳn hoi. Về cơ bản, người Quảng Nam nào cũng đắc thủ được công phu cãi; chỉ khác nhau ở chỗ thâm hậu hay hời hợt, nhiều hay ít, cãi lớn hay… cãi nho nhỏ. Công phu cãi trở thành quán tính của người Quảng Nam đến nỗi ra trước một đám đông, nghe một ai đó nói một chuyện sai sự thật mà không có ai lên tiếng cãi lại thì ta có thể kết luận trong đám đông ấy không có người Quảng Nam nào.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x