Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

II

Cha tôi mặc bộ vét bằng vải alpaga màu xanh Nil, sơ mi kẻ sọc xanh lá cây, thắt cà vạt đỏ, đi giầy da cừu non. Tôi vừa làm quen với ông trong phòng tiếp khách kiểu Thổ Nhĩ Kì của khách sạn Continental. Sau khi ký rất nhiều giấy tờ để chuyển quyền sở hữu một phần tài sản của tôi cho ông, tôi nói:

– Vậy là việc làm ăn của cha bên New York đang sa sút? Cha có ý định làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty hữu hạn Kính Vạn Hoa[48] phải không? Chắc hẳn cha đã nhìn thấy là thị trường kính vạn hoa mỗi ngày một kém rồi chứ? Trẻ con bây giờ thích tên lửa, đồ điện tử, số học kia! Ngày nay không ai bỏ tiền ra để mơ mộng nữa. Với lại con thấy cần nói thẳng với cha : cha là người Do Thái, có nghĩa cha không có năng khiếu về buôn bán cũng như kinh doanh. Cha hãy nhường ưu thế đó cho người Pháp. Nếu cha biết đọc, con sẽ cho cha thấy cách con dựng lên mối so sánh song hành giữa hai ông chủ Peugeot với Citroen: một bên là tay nhà quê ở Montbéliard, dè sẻn từng xu, kín đáo và giàu lên dần. Còn bên kia, André Citroen, một người Do Thái liều lĩnh và bi thảm, cháy túi trong các sòng bạc. Vậy đấy, cha không có chất của một nhà chỉ huy kinh doanh. Cha chỉ là một người diễn trò leo dây! Thôi, con xin cha đừng ra vẻ này nọ nữa. Đừng vây vo gọi điện tới tấp hết đến Madagascar, lại đến Liechtenstein, đến Đất Lửa! Số kính vạn hoa tồn kho kia không bao giờ cha giải tỏa được hết đâu.

Cha tôi muốn trở lại Paris, nơi ông đã sống thời trai trẻ. Hai cha con đi uống vài ly gin fizz, ở Relais Plaza, ở nhà hàng Maurice, ở khách sạn Saint James và Albany, khách sạn Elisée Park, Grorge V, Lancaster. Trong con mắt của ông, đấy là những nhà hàng tỉnh lẻ. Trong lúc nhìn ông hút điếu xì gà Partagas, tôi nghĩ đến vùng Touraine và rừng Brocéliande. Tôi sẽ chọn nơi nào để ẩn dật đây? Tours? Nevera? Poitiers? Aurillac? Pezenas? Vùng Souterraine? Tôi biết rõ miền thôn quê nước Pháp qua cuốn sách hướng dẫn du lịch của Michelin và qua một số tác giả như Francois Muriac. Một cuốn của nhà văn vùng Landes này khiến tôi xúc động thật sự: cuốn Bordeaux hay tuổi thiếu niên. Tôi nhớ nỗi ngạc nhiên của ông khi tôi sôi nỗi đọc thuộc lòng đoạn văn xuôi tuyệt đẹp của ông: “Thành phố đó, nơi chúng tôi chào đời, nới chúng tôi đã từng là đứa trẻ thơ, một cậu thiếu niên, là thành phố duy nhất chúng tôi kiên quyết tránh không bình phẩm. Thành phố đó hòa vào con người tôi, nó chính là tôi. Lịch sử Bordeaux là lịch sử của thể xác và tâm hồn tôi”.

Người bạn già của tôi liệu có hiểu rằng tôi ghen với tuổi niên thiếu của ông, học việc Sainte-Marie, quảng trường Quin-conces với mùi hương của cỏ thạch thảo nóng hổi, của cát ấm và của nhựa thông? Tôi làm gì có tuổi niên thiếu nào để có thể nói tới, tôi, Schlemilovitch, nếu không là cái tuổi niên thiếu của một thằng bé Do Thái cùng khổ, tha hương? Tôi sẽ không thể là Gerard de Nerval, cũng không thể là Francois Muriac, thậm chí không thể là Marcel Proust. Không có đất Valois để sưởi ấm trái tim tôi, cũng không có vùng Guyenne, đất Combray. Tôi làm gì có bà cô Léonie nào. Số phận buộc tôi phải lang thang ở quán hàng Fouquet, ở Relais Plaza, ở Elysée Park uống những thứ rượu mùi thảm hại của dân Anglo Saxon cũng với một ông già cao lớn người New York nhưng gốc Do Thái: cha tôi. Chất men đẩy ông đến chỗ thổ lộ niềm tâm sự, giống như Maurice Sachs, ngay ngày đầu tiên hai cha con chúng tôi gặp nhau, chỉ khác nhau một chút: Sachs đọc trước tác của Saint-Simon, cha tôi thì đọc sách của Maurice Dekobra. Sinh tại Caracas trong một gia đình Do Thái lưu lạc sang ven biển Địa Trung Hải, cha tôi vội vã rời khỏi châu Mỹ để trốn bọn cảnh sát của tên độc tài ở các hòn đảo Galapagos, bởi ông đã quyến rũ được con gái của hắn. Tại Pháp ông đã trở thành thư ký của Stavisky.

Vào thời đó cha tôi ăn mặc rất sang: theo kiểu giữa Valentino và Novaro, kèm theo chút xíu của Douglas Fairbanks, do đấy ông đã làm xao xuyến trái tim bao cô gái Aryen. Mười năm sau, bức ảnh ông được bầy trong cuộc triển lãm chống Do Thái ở cung Berlitz, có kèm chú thích như sau: “Tên Do Thái nham hiểm. Hắn có thể giả làm người Nam Mĩ.”

Cha tôi không thiếu cảm giác hài hước: một buổi chiếu ông đến cung Berlitz, đề nghị vài nhân viên cảnh sát dẫn đường cho ông. Khi ông và chúng xem đến chỗ treo bức ảnh ông, ông kêu lên với chúng: “Ôi con khỉ, chính là tôi đây mà”. Loại chuyện giai thoại về người Do Thái, “Anh có nhìn thấy tôi bao giờ chưa?” thì kể mãi không bao giờ hết. Phải nói thêm rằng cha tôi cũng có đôi chút cảm tình với người Đức, bởi họ đã chọn những nơi ăn uống thật sự có giá trị: các khách sạn Continental, Majestic, Maurice. Cha tôi không bỏ lỡ một cơ hội nào để cùng ngồi bên họ trong các nhà hàng Maxim’s, Phillippe, Gaffner, Lola Tosch và trong tất cả các hộp đêm, nhờ giấy tờ giả mang tên Jean Cassis de Coudray-Macouard.

Cha tôi bấy giờ sống trong một phòng dành cho đầy tớ, phố Saussaies, trước mặt Sở Gestapo. Ông đọc đến tận khuya cuốn Những chuyện vặt vãnh cho một cuộc tàn sát và thấy sách rất nực cười. Tôi rất ngạc nhiên thấy ông thuộc lòng nhiều trang liền trong cuốn sách đó và đọc cho tôi nghe. Ông mua nó vì nhìn tên sách, ông tưởng đó là một cuốn truyện hình sự.

Tháng Bảy 1944, cha tôi bán được khu rừng Foutainebleau cho bọn Đức nhờ một Bá tước vùng biển Baltique làm môi giới. Vụ bán tế nhị đó đem lại cho ông một khoản tiền, ông bèn di cư sang Hoa Kỳ, thành lập một công ty vô danh: công ty hữu hạn Kính Vạn Hoa.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x