
Quê Hương Tôi – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
LẠI CHIẾC ÁO DÀI
Mùa thu năm Hợi, cuộc cách mạng kinh tế bùng nổ ồn ào quá, làm lu mờ hai cuộc cách mạng khác: cuộc cách mạng quần, xuất hiện trước đó ít lâu; và cuộc cách mạng áo, xuất hiện sau đó ít lâu. Áo và quần nói đây là của đàn bà con gái Việt Nam.
Trước, hãy nói qua chuyện quần. Kể từ khi đàn bà con gái xứ ta vâng lời vua tụt váy ra để mặc quần, thì họ giữ gần như nguyên vẹn chiếc quần ấy cho đến nay, qua nhiều thế kỷ.
Màu sắc, bất quá chỉ là đen với trắng. Kích thước, khi dài khi ngắn, khi rộng khi hẹp, quanh đi quẩn lại cũng không cách xa nhau là bao. Những dằn vặt băn khoăn táo bạo nhất có lẽ đều dồn vào chỗ thắt lưng: khi lưng vặn, khi lưng buộc với dải rút, có thời dùng dây cao-su, có thời khác lại cài nút v.v… Dù sao, những cải biến ấy đều ở trong vòng che đậy kín đáo. Và thực ra đều nhỏ nhặt.
Thế rồi, đột nhiên, giữa năm 1971, chiếc quần cổ truyền bị thay bằng chiếc quần pát Tây phương: phụ nữ Việt Nam mặc quần pát với áo dài!
Đây không phải là chuyện ảnh hưởng, chuyện cải cách v.v… Đây là một sự thay thế, một vụ truất phế ngang xương.
Dẫu sao, không nên trách đàn bà con gái nước mình. Dân tộc ta tiếp xúc với Tây phương từ những thế kỷ 16,17; văn hóa Tây phương đã xâm nhập ồ ạt vào biết bao lãnh vực trong cuộc sinh hoạt vật chất và tinh thần của ta. Thế mà văn hóa Tây phương phải chờ đến hơn ba trăm năm mới xông vào hạ nổi chiếc quần đàn bà: đâu phải phụ nữ Việt Nam không bền lòng kiên trinh?
* * *
Tuy nhiên, lần này cốt yếu là nhằm nói về cái áo. Và đây mới càng là một sự kỳ lạ. Người phụ nữ Việt Nam đã giữ riết lấy tấm áo của họ dai dẳng một cách khác thường.
Theo lẽ thường, đàn ông không hay đua đòi theo thời trang bằng đàn bà: áo vest, cà-vạt v.v… đổi mốt chậm hơn váy, khăn quàng, vòng cổ, xuyến tay v.v… Thế nhưng hiện nay trừ các cụ già, các nhà tu hành, thì hầu hết đàn ông Việt Nam tại các thôn ấp xa xôi đều mặc Âu phục; trong khi ấy thì đa số phụ nữ, cho đến các cô ở những đô thị lớn nhất cũng vẫn trung thành với chiếc áo dài.
Hơn nữa, người đàn bà Việt Nam không phải chỉ ăn đứt có người đàn ông Việt Nam về đức trung thành. Kiêu hãnh về nền văn hóa lâu đời như Trung Hoa mà ngày nay trong đồng phục của nữ sinh trung tiểu học họ cũng đành chấp nhận kiểu Tây phương, trong khi đồng phục nữ sinh chúng ta vẫn là áo dài. Nổi tiếng lừng lẫy như chiếc kimono mà ngày nay trên các đường phố khắp đất Nhật thứ trang phục cổ truyền cầu kỳ ấy mỗi ngày một hiếm, trong khi áo dài Việt Nam luôn luôn đại thắng y phục Tây phương trên khắp các nẻo đường đất nước.
Chúng ta không vội mong khám phá ra cái bí ẩn đã khiến cho người phụ nữ Việt Nam dằn lòng trước cám dỗ, nhất mực chống lại tính ham thích thời trang, khiến họ thiết tha với chiếc áo cổ truyền đến thế.
Chỉ nhận thấy giữa họ và cái áo mà họ thiết tha hình như quả thực có những chỗ hợp nhau.
* * *
Trước hết, vóc dáng ấy và trang phục ấy hợp nhau.
Bảo rằng quần áo cũng đòi hỏi một vóc người, như thế không phải là nói quá. Thỉnh thoảng vẫn thấy những phụ nữ Âu Mỹ mặc áo dài Việt Nam. Đó hoặc là những bà lấy chồng Việt và muốn tỏ thiện chí đồng hóa với người Việt, hoặc là những du khách thành thực tán thưởng một kiểu y phục địa phương v.v… Nhưng trông họ, người ta thấy rõ người ra đàng người áo ra đàng áo. Thân hình của họ, dáng đi của họ toa rập nhau giễu cợt chiếc áo dài của ta. Giữa đôi bên không có thỏa hiệp, chỉ có sự gán ghép miễn cưỡng trông thấy.
Thân hình họ vạm vỡ quá, lực lưỡng quá. Tà áo thướt tha thích chọn một hình vóc mảnh mai hơn. “Tần phì Việt sấu”, nét gầy của ta đã đi vào tục ngữ Trung Hoa. Nét ấy tương phản quá xa với vóc người Âu Mỹ.
Dáng đi của họ lại mạnh bạo quá, gấp gáp quá. Ở một người cao lớn bước đi như thế, những tà áo dài sẽ nhảy lưng tưng vội vã một cách thảm hại. Để có thể phe phẩy nhẹ nhàng, nó thích chọn một dáng đi uyển chuyển hơn.
Có lẽ cũng vì những lý do về vóc dáng ấy mà cho đến nay chiếc áo dài chưa chấp nhận được mọi sắc dân trong nước Việt Nam. Gái gốc Chàm, gốc Miên gần đây đã mặc áo dài, nhưng thật hiếm thấy những cô gái Ra-đê, Gia-rai, Xơ-đăng v.v… mặc áo dài.
Sự ngần ngại của gái Cao nguyên có lý. Không phải họ không ham “văn minh”: đàn bà Thượng vui lòng mặc sơ mi, áo thun, mặc xu-chiêng, mặc đồ đầm nữa, nữ sinh Thượng cũng nhiều em mặc jupe lắm… Nhưng đối với chiếc áo dài thì những bờ vai quá khỏe, thì dáng đi nhô mông và lụp chụp của người leo núi v.v…, những cái ấy chưa thích hợp. Áo dài dân tộc còn phải chờ đợi một thời gian nữa, để hoàn cảnh sinh sống canh cải kịp trao cho vóc dáng bạn gái Cao nguyên những nét thanh tú hơn.
* * *
Ngoài chuyện vóc dáng, tưởng cũng có thể nói đến chút liên quan giữa trang phục và tâm hồn con người.
Và bảo rằng áo quần cũng đòi hỏi một tâm hồn xứng hợp, lại vẫn chưa hẳn là nói quá đâu.
– Thế “tâm hồn mặc áo dài” là cái thứ tâm hồn ra làm sao?
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.