Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Sắn Dây Núi Yoshino của tác giả Yoshino Kuzu

Phần 2 : Núi Vợ Chồng

Vì Tsumura cho biết đến ngày hẹn anh ta sẽ lên đường từ Ôsaka, tới Nara thì trọ ở lữ quán Musashino dưới chân núi Wakakusa…nên phần mình, tôi cũng đáp tàu đêm từ Tôkyô và sau một đêm ngủ trọ ở Kyôto, sáng hôm sau đã đặt chân lên Nara. Lữ quán Musashino bây giờ hãy còn nhưng chủ thì hình như không phải là người cũ thời đó.

Hai mươi năm về trước, lữ quán đã cũ kỹ rồi nhưng tôi nhớ nó có vẻ thanh nhã. Sau đó ít lâu Tổng Cục Đường Sắt mới xây khách sạn của họ chứ thời đó thì những nhà trọ như Musashino và Kikusui đã là sang nhất đám.

Phần vì Tsumura có vẻ nôn nóng không muốn nán lại thêm, phần vì tôi đã đi chơi ở đây hoài, không còn lạ gì cảnh vật của Nara, nên trong khi trời còn đang tốt, hai chúng tôi chỉ ngồi trong phòng trọ một hai tiếng đồng hồ đủ ngắm ngọn Wakakusa, xong là lên đường.

Đổi xe ở Yoshinoguchi, chúng tôi đáp chuyến tàu xọc xạch trên tuyến đường phụ đến ga Yoshino rồi từ đó bắt đầu đi bộ trên đường cái dọc theo dòng sông Yoshino.

Gần Vũng Sáu Khoanh Ruộng (Mutsuda no Yodo) và Bến Đò Liễu (Yanagi no Watashi), hai địa danh được nhắc đến trong tập thơ cổ Vạn Diệp Tập (Manyô-shuu), con đường rẽ làm hai. Nhánh bên hữu đưa về ngọn núi Yoshino, nổi tiếng vì hoa anh đào.

Qua khỏi cầu đã đến thẳng được Nghìn Cội Đào Dưới Núi ( Shimo no Senbon) , rồi rặng đào Sekiya, đền Zaô Gongen, đền Yoshimizu, Nghìn Cội Đào Lưng Núi (Naka no Senbon), những nơi mà mỗi mùa xuân khách thưởng hoa dạo chơi đông đảo. Thật ra tôi đã đến Yoshino xem hoa hai lần rồi, một lần hồi nhỏ theo mẹ đi thăm Kyôto, và lần thứ hai lúc đang học cấp ba.

Tôi nhớ mấy lần trước đều cùng đám đông leo lên núi bằng con đường bên tay mặt, nhưng đấy là lần đầu, tôi đi thử con đường tay trái.

Dạo sau nầy, vì xe hơi và đường dây cáp có thể lên tới Nghìn Cội Đào Lưng Núi (Naka no Senbon) nên nơi đây không còn những người lững thững tản bộ xem hoa chứ hồi xưa, khách thưởng ngoạn khi lấy con đường rẽ tay mặt để lên núi, thường dừng chân trên cầu quãng Mutsuda no Yodo để ngắm cảnh sắc cánh đồng ven sông Yoshino.

“Xem kìa! Xem đằng kia kìa ! Núi Vợ Chồng (Imoseyama) đấy nhé !.

Bên trái là ngọn Hòn Vợ (Imoyama), bên phái là Hòn Chồng (Seyama) ”

Anh phu xe kéo dẫn đường từ trên lan can thành cầu đưa tay chỉ về phía thượng nguồn, làm người lữ khách ngừng cây gậy trúc. Ngày xưa, mẹ tôi cũng thường bảo ngừng xe ở giữa cầu, ôm tôi, lúc đó còn chửa biết gì, vào lòng :

” Nầy, còn nhớ tuồng hát Núi Vợ Chồng không hở con ? Đây là Núi Vợ Chồng thật đấy , con ạ ! ”

Mẹ thỏ thẻ bên tai tôi như thế. Lúc đó tôi còn bé quá nên không giữ lại ấn tượng nào rõ rệt, chỉ còn nhớ lại cái lạnh se da giữa tháng tư còn phủ lên vùng núi non, trong một buổi chiều mà vòm hoa giăng giăng trông giống những đám mây dưới một khung trời sương dâng nhòa nhạt.

Dòng sông Yoshino mà mặt nước ở trên đường gió lướt, lăn tăn gợn sóng trông như tấm vóc, đang từ hẻm xa nơi núi xếp nếp mấy từng, trăng trắng trôi về phía chúng tôi. Trong vùng núi non trùng điệp mờ ảo bỗng thấy hai quả núi nhỏ, đúng hơn là hai ngọn đồi dễ thương, hiện ra trong sương chiều .

Tôi không nhận ra có một dòng sông xen giữa hai quả núi vì thấy chúng nó như đâu mặt với nhau nhưng theo vở tuồng tôi biết thì chúng bị ngăn cách bởi một con sông.

Trên sân khấu kabuki, chàng Koganosuke, con trai quan Chánh Án Kiyozumi và người vợ hứa hôn của chàng là tiểu thư Hinadori, hai người sống trên hai cái điện cao nhìn xuống thung lũng, một người bên Seyama, Hòn Chồng, một người bên Imoyama, Hòn Vợ.

Trong cả vở tuồng Imoseyama, cảnh tượng đó đối với tôi là đậm đà màu sắc thần tiên hơn cả nên nó đã ghi dấu hết sức sâu đậm trong bộ óc non nớt của tôi. Khi nghe mẹ nói, tôi nghỉ thầm ” Ra thế , ngọn Imoseyama đấy à ! ” và mơ tưởng nếu bây giờ đi tới ngay núi đó thì tôi có thể gặp Koganosuke và người đẹp của chàng.

Kể từ ngày ấy, tôi không bao giờ quên cảnh vật được nhìn từ trên cầu và nhiều khi bất chợt nghĩ về nó với niềm luyến tiếc. Thế rồi mùa xuân năm hăm mốt hăm hai tuổi, khi về thăm Yoshino lần thứ hai, tôi lại có lần tựa thành cầu, vừa ôn kỷ niệm về người mẹ đã quá cố vừa nhìn đăm đăm phía nguồn sông.

Con sông Yoshino từ chỗ dưới chân hòn núi cùng tên bắt đầu nới rộng ra rồi vào đến bình nguyên cho nên nước không còn chảy xiết mà có dáng dấp thoải mái của ” dòng nước trôi giữa đồng bằng “.

Phía tả ngạn thượng nguồn, tôi có thể thấy những cái mái thấp và dãy tường lốm đốm trắng của khóm nhà đơn sơ, cổ kính. Đó là thị trấn Chợ Trên (Kamiichi), dính làm một với đường cái quan, lưng đâu vào sườn núi và mặt nhìn xuống dòng sông.

Lần nầy, qua khỏi chân cầu Mutsuda và khi đến ngã ba thì tôi chọn con đường bên trái, lấy hướng Núi Vợ Chồng (Imoseyama), nơi mà tôi đã đứng ngắm từ phía hạ lưu.

Đường cái quan viền theo bờ sông và chạy thẳng tới trước, mới nhìn thì tưởng là bằng phẳng, dễ đi, nhưng tôi nghe nói khỏi Kamiichi, đến khúc ngang qua Miyataki, Kuzu, Ôtaki, Sako, Kashiwagi, nó sẽ dần dần chui vào vùng núi non thâm sâu của Yoshino, sau đó lên tới nguồn sông Yoshino, vượt qua ngọn núi làm ranh giới giữa hai vùng Yamato và Kii rồi cuối cùng thoát ra ngoài bãi biển Kumano.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x