
Sicily Miền Đất Dữ – Đọc Sách Online Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Sicily Miền Đất Dữ của tác giả Mario Puzo mời bạn đọc thưởng thức.
CHƯƠNG 2
Tháng 9 năm 1943, lúc đó, Hector Adonis đang làm giáo sư sử học tại đại học Palermo. Tài năng của ông thì quá xứng đáng với địa vị ấy. Tuy nhiên, ngay cả các vị khoa bảng đồng sự với ông cũng có ý kém trọng nể, chỉ vì cái vóc dáng “nhỏ con” của ông. Nhưng, âu đó cũng là định mệnh!
Vì, cả cái xứ Sicily khốn khổ này, sự thích thú khốn nạn và độc ác của thiên hạ vẫn là chế giễu, nhạo báng những người chẳng may thấp, nhỏ bằng những hỗn danh châm chọc, đểu cáng. Chỉ có một người, – đó là ngài viện trưởng viện đại học – nhận ra cái giá trị thực của ông.
Cũng trong tháng 9 năm 1943, cuộc đời của giáo sư Hector Adonis cũng sắp sửa thay đổi. Vì, ở miền Nam nước Ý, chiến tranh đã chấm dứt. Quân đội Mỹ đã chiếm được đảo Sicily và sửa soạn đổ bộ lên lục địa. Chủ nghĩa phát xít đã chết.
Nước Ý hồi sinh. Lần đầu tiên từ bốn mươi năm qua, đảo Sicily trên thực tế là vô chủ. Nhưng, nhận thức được những trớ trêu của lịch sử, giáo sư Adonis nhìn xuống sân trường đại học, nhìn tới những toàn nhà gọi là ký túc xá sinh viên.
Khác với truyền thống đại học Anh, Mỹ, đại học của Ý không có chế độ nội trú (trong khi chế độ này gần như bắt buộc ở các đại học Anh, Mỹ). Do đó, gọi là ký túc xá đại học, nhưng không có nhà ở tập thể. Ở đây, hầu hết mọi sinh viên đều học tập ở nhà và chỉ đến trường để thảo luận và tham vấn với giáo sư của mình vào những khoảng thời gian ấn định.
Sinh viên không đi nghe giáo sư giảng bài cũng không sao. Chỉ cần họ quan tâm và tham dự các kỳ thi là đủ. Theo ý giáo sư Adonis thì chế độ đại học đó là không hay, và đối với riêng xứ Scily này thì đó là một chế độ tệ hại và ngu xuẩn. Bởi vì đối với sinh viên người Sicilian thì cần phải có một chế độ đại học chặt chẽ hơn nữa.
Từ trên cửa sổ văn phòng, giáo sư Adonis thấy các xếp sòng Mafia từ khắp các thành phố, các tỉnh trên đảo Sicily nườm nượp kéo tới viện đại học để vận động, chạy chọt. Dưới chế độ phát xít, các xếp sòng này không chết, nhưng cũng phải e dè, nhũn hơn.
Nhưng nay, dưới sự cai trị ềm dẻo của nền dân chủ tập sự theo kiểu Mỹ, bọn này ngóc đầu dậy như giòi bọ dưới lỗ nẻ chui lên lúc trời mưa. Và bọn chúng lại ngang nhiên không cần e dè, giấu giếm bắt tay vào những việc mà dưới chế độ phát xít chúng phải tiến hành hết sức lén lút.
Ăn vận những bộ đồ xịn nhất của chúng, các xếp lớn, xếp bé của Mafia, từ tên đầu sỏ cỡ tỉnh cho đến những tên làng nhàng cỡ xã của các tổ chức “Người anh em” này, lũ lượt kéo đến viện đại học để xin xỏ cũng có, hù doạ làm áp lực cũng có cho bọn con, cháu xa gần của chúng, hoặc của bạn bè chúng và thậm chí của các chủ đất giàu có được chúng bảo trợ.
Bọn này thi rớt vì lý do này hay lý do khác. Đối với bọn này, chữ nghĩa là đồ bỏ, nhưng bằng cấp thì cực kỳ quan trọng. Các gia đình đâu có cách nào để loại bỏ những đứa con bất tài vô tướng, ngu độn và tầm thường.
Chẳng lẽ cột đá vào cổ chúng rồi đem buông sông hay đem câu cá sấu? Nuôi báo cô chúng suốt đời hay sao? Mà để chúng sống nghèo khổ tầm thường thì mất mặt quá. Nhưng, với bằng cấp – cái mảnh vứt đi của viện đại học chứ gì – bọn côn đồ lục lâm này cũng thành thầy giáo, bác sĩ, dân biểu, nghệ sĩ, hoặc tệ lắm thì cũng thành một anh công chức cọ giấy ở các công sở nhà nước. Cũng “oách” chán.
Giáo sư Adonis nhún vai. Nghĩ đi thì như thế, nghĩ lại thì… lịch sử đã an ủi ông. Cái nước Anh mà ông hằng nể phục kia – trong những ngày huy hoàng nhất của đế quốc – đã đặt quân đội của nó vào tay con cháu bọn nhà giàu, trong số đó có chán vạn đứa bất tài, nhưng đã được ông bô bà bô nó “chạy” cho những chức vụ chỉ huy trong quân đội hay hải quân.
Ấy thế mà đế quốc Anh vẫn cứ cường thịnh. Đúng, rất nhiều khi các vị chỉ huy ấy đã “nướng” lính tráng của họ một cách ngu xuẩn, phí phạm và vô ích. Nhưng bọn chỉ huy ấy đã được tâng bốc và huấn dụ rằng: can đảm, cùng vào sinh ra tử với lính là tác phong phải có của các cấp lãnh đạo, chỉ huy.
Bằng cách ấy, quốc gia đã thanh toán được một cách khá mau lẹ cái gánh nặng bọn con cháu nhà giàu bất tài, vô tích sự ấy mà vẫn chẳng mất mát thiệt hại gì bao nhiêu và dân Ý đâu có cái truyền thống hiệp sĩ kiểu đó, đâu có lối giải quyết thực tiễn và lạnh lùng kiểu đó.
Dân Ý thương con, thương cháu mình lắm – tình cảm ấy quả là đáng quí – nên đã tìm mọi cách vun quén, thu lợi cho con cho cháu. Và, chẳng may vì cái tình cảm cao quí ấy mà tổn hại đến quốc gia thì mặc kệ quốc gia.
Từ trên cửa sổ văn phòng, giáo sư Adonis điểm mặt được ít ra cũng ba “ông kẹ” Mafia địa phương đang nhớn nhác, dáo dác đi tìm “nạn nhân” của họ, tức là các giáo sư dạy các môn mà con cháu họ thi rớt. Thời tiết hãy còn nóng mà họ đã bận áo vét bằng nhung, rồi lại còn áo khoác… trông quỷnh không chịu được.
Nhưng họ cứ tưởng vậy là sang. Khệ nệ sách giỏ trái cây từ “vườn nhà” hoặc kè kè vò rượu “nhà nấu”, họ ngơ ngác, chẳng bù cho họ lúc kè kè chiếc mã tấu, hoặc lăm lăm khẩu súng máy. Chẳng phải họ cần đút lót gì, nhưng ít ra thì vò rượu cũng giúp cho các giáo sư bớt kinh hãi khi thoạt trông thấy bộ mặt ác ôn, ma cô của chúng.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.