
Số Phận Những Thông Dịch Viên Người Việt Bên Cạnh Quân Viễn Chinh Mỹ – Đọc Sách Online Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Số Phận Những Thông Dịch Viên Người Việt Bên Cạnh Quân Viễn Chinh Mỹ của tác giả Lê Thành Giai mời bạn đọc thưởng thức.
Lê Thành Giai nguyên là thông dịch viên của Lữ đoàn 11, Sư đoàn Americal bộ binh Mỹ từng có mặt tại Đức Phổ, Quảng Ngãi từ 1967-1969; đơn vị này đã từng nhiều lần tập kích vào trạm xá của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm.
Năm 2000 Lê Thành Giai định cư và có học bổng tại một đại học tại California, Mỹ…
Tôi để ý đến Lê Thành Giai sau loạt bài của anh viết cho báo Thanh Niên về những cuộc hành quân của quân viễn chinh Mỹ mà anh từng tham gia. Những dòng Lê Thành Giai viết cho thấy những ký ức đau buồn của cuộc chiến vừa qua, sau 30 năm hình như đang còn đeo đẳng, đè nặng trong tim, óc của anh, hễ có dịp hay có ai động khẽ vào là nó sẽ vỡ oà ra từng mảng lớn.
Đây không chỉ là cõi lòng của riêng Lê Thành Giai mà còn là của gần một nửa dân tộc ở phía bên kia từng cùng chung chịu gánh nặng của cuộc chiến mà bấy lâu nay bị quên, lấp. Tôi động viên Lê Thành Giai hãy viết về những năm tháng đau buồn đó của đời mình.
Hãy cố làm một mố cầu nhỏ nhoi, gánh chịu những áp lực từ hai phía để cho những nhịp “cầu tre” lắt lẻo bắc qua được những kinh rạch, những đầm ao thù hận, định kiến vẫn con ngưng đọng đâu đó do cuộc chiến gây ra được khoả lấp, bước qua.
Trước khi có chiến tranh chúng ta là người Việt – đó là câu nhiều lần Giai tâm sự với tôi! Tôi bổ sung: Sau chiến tranh, loạn lạc chúng ta vẫn là người Việt!
Lê Thành Giai đã mail cho tôi, tâm sự nhiều điều về những năm tháng mà anh từng tham gia với tư cách là một thông dịch viên. Chúng tôi xin trích một phần trong những ký ức không dễ quên đó của anh với Văn Nghệ Trẻ
Phạm Viết Đào
Vô lính
Giữa năm 1966, tôi có hai sự lựa chọn: lên đại học hoặc đi lính. Thế hệ của tôi, người ta dùng chữ đi lính nghe tưởng như vừa mới tìm được việc làm. Thời đó, đi lính gần như là giải pháp độc nhất dành cho người không có điều kiện vào đại học, muốn thoát đời làm ruộng và lớn lên có tiền xài. Ở mọi chỗ, phong trào tuyển quân nổi lên rầm rộ, thanh niên trạc tuổi tôi rộn rịp vô lính.
Tôi còn nhớ rõ, hàng ngày trước cửa uỷ ban xã, một dãy bàn đặt ngay ngắn cách nhau, trên bàn có đặt tấm bảng nhỏ: tuyển quân Sư đoàn 5, tuyển quân Sư đoàn 7, tuyển quân Sư đoàn 9, ngày ngày radio phát thanh kêu gọi trai tráng vô lính như… mốt thời trang! Khắp nơi: cột đèn, gốc cây, vách trường học, cửa ra vào trụ sở cơ quan, bến xe, dọc hàng rào nhà thờ, chùa… băng rôn viết khẩu hiệu treo ngang treo dọc kêu gọi trai tráng nhập ngũ!
Thủ tục vô lính cực kỳ đơn giản như vậy, người sẽ thành lính chỉ tốn chút thì giờ để so sánh quyền lợi trước khi quyết định ký đơn. Quyền lợi hay tiền thưởng cho người tình nguyện dao động theo sự chạy đua tuyển quân: Sư đoàn X thưởng 10.000 đồng cho người đầu quân; Sư đoàn Y thưởng 12.000 ngàn…, và có sư đoàn còn thưởng cao hơn để “hút” thanh niên.
Tiền trao 50% khi bước vào quân trường, ra trường nhận 50% còn lại. Có nhười rành chuyện khuyên người tình nguyện đâm đầu vô lính nên biết thêm: đi Sư đoàn X gần nhà, đi Sư đoàn Y lội ruộng chết cha, đi Sư đoàn Z vô sát biên giới nguy hiểm lắm! Người tuyển quân nói: “Cửa quân trường rộng mở, các bạn tha hồ chọn lựa tương lai.”
Vào thời kỳ kinh tế miền Nam chưa có gì, xã hội không ngần ngại đo tương lai của thế hệ chúng tôi bằng… cấp bậc quân đội. Tôi nhớ lúc vừa đậu tú tài I, bà con anh em trong xóm gọi tôi là “ê, thằng chuẩn úy tương lai”, trong lúc bạn tôi được hàng xóm khuyến khích, “ráng lên, Đà Lạt chờ mầy đó”.
Những ngày đầu tiên
Cất cánh từ phi đạo số hai của phi trường Đà Nẵng, chiếc chuyên cơ C-130 đảo một vòng rồi hướng mũi về phía nam. Khí lạnh từ hai bên hệ thống điều hoà tỏa xuống các hành khách mặc quân phục. Mặt ai cũng lo lắng. Cùng ngồi trong khoang phi cơ với tôi là Tô Hoài Thanh, vừa tốt nghiệp Trường Sinh ngữ Quân đội vào tháng 10.1966.
Chúng tôi được bổ nhiệm về Đệ tam lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, gồm sư đoàn 1 và sư đoàn 3, Đà Nẵng. Sau một ngày làm thủ tục, tôi và Thanh theo những người lính Mỹ mới sang Việt Nam về trình diện Bộ chỉ huy Sư đoàn 1 thuỷ quân lục chiến, Chu Lai.
Tiếng gầm rít của những chiếc oanh tạc Phantom như chào đón các nhóm khách mới đến. Tôi nhớ ai đó nói phi trường Chu Lai có phi đạo lắp ghép bằng PSP độc đáo nhất thế giới. Những người Mỹ đón chúng tôi đã có mặt tại phòng chờ của sân bay. Sau cái bắt tay, tài xế ra hiệu cho tôi leo lên băng sau chiếc xe jeep không mui.
Xe ra khỏi cổng Sư đoàn, người trưởng xa khoác áo chống đạn, lên đạn khẩu M-14. Phố xá dọc theo quốc lộ lấm bụi đỏ. Nhà tôn, nhà lá, cát trắng, đất đỏ, xe quân sự vụt qua vụt lại. Chiều xuống nhanh, tôi không nhận rõ mặt người Chu Lai.
Hạ sĩ Nelson hướng dẫn tôi leo đồi, ngoặt phải, chui vào căn lều nằm lưng chừng đồi 35 của căn cứ Trung đoàn 5 thuỷ quân lục chiến. Nelson và Garcia giúp tôi căng ghế bố, thổi nệm hơi. Chỉ tay vào hộp thức ăn ra hiệu ăn đi bằng tay, Nelson nói tạm biệt. Vén lều nhìn ra, nghe như mùi chiến tranh thoảng đâu đây.
Trong ánh nến lung linh, tôi ăn hộp đồ hộp đầu tiên trong đời. Đêm miền Trung lạnh, nhớ Sài Gòn, một mình trong lều, tôi thật bâng khuâng. Từ lúc lên phi cơ bay về Chu Lai, nhớ lại tai tôi nghe toàn tiếng Mỹ. Từ đêm nầy, tôi phải cố nhớ những gì đã học để chuẩn bị cho công việc.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.