Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Sống 365 Ngày Một Năm của tác giả Nguyễn Hiến Lê mời bạn thưởng thức.

Tại sao các bác sĩ ít nói đến những bệnh do xúc động.

Chúng tôi dám chắc rằng một trăm độc giả đương đọc những trang này thì cả trăm vị đã nhiều lần mắc thứ bệnh do xúc động và năm chục vị đương mắc bệnh đó. Chính tôi cũng đương mắc nó đây, mắc từ mười mấy năm nay rồi.

Tôi có một vết lở ở cuống bao tử, lại thêm bệnh trĩ cứ lâu lâu tái phát.

Tôi không muốn kể rõ bệnh trạng ra đây. Sợ nhàm tai độc giả, chỉ xin thưa rằng hễ khi nào tôi phải lo nghĩ nhiều, hoặc chán nản thì những bệnh đó tăng lên mà khi nào vui vẻ thì bệnh tự nhiên giảm đi. Riêng về bệnh loét bao tử của tôi, tôi nghiệm thấy lúc nào gặp một chương rất khó viết, sửa đi sửa lại vẫn không ưng ý, thì tôi thấy quặn đau ở dưới mỏ ác (sternum); những lúc đó, tôi tạm ngưng viết nằm dài ra xoa chỗ đau và đọc một tiểu thuyết hấp dẫn thì chỉ 15 phút sau là hết đau.

Tôi mới nghiệm ra được điều đó từ mấy năm nay, nhờ đọc vài ba cuốn phổ thông y học, nhất là cuốn How to live 365 days in a year của John A.Schindler, cuốn Votre corps et votre esprit của Fank G.Slaughter, cuốn Les maladies de la vie moderne của bác sĩ Pierre Vachet. Đọc những cuốn sách đó rồi nhớ lại lúc bệnh mới phát, tăng lên hoặc giảm đi, tôi mới hiểu được rằng nguyên nhân chỉ do xúc động mà ra cả, và tôi không quan tâm tới bệnh đó nữa, đỡ tốn tiền chữa; chứ trước kia, tôi cứ tin rằng tại cơ thể tôi suy nhược, đi non chục ông bác sĩ, trước sau uống hàng chục thứ thuốc bổ gan, bổ tim, bổ bao tử, bổ phổi, bổ thận, mà bệnh đâu vẫn còn đấy.

Tôi không trách các ông ấy. Một số bác sĩ già rồi, không chịu học thêm, hoặc không có thì giờ để học thêm, nếu có ngờ ngợ rằng những bệnh đó do lo lắng mà sinh ra thì cũng không biết gì nhiều về các bệnh do xúc động, không thể giảng giải cho tôi hiểu được vì những sách và tạp chí y khoa chỉ mới nói về những bệnh đó từ hồi sau thế chiến vừa rồi thôi.

Một số khác có thể hiểu những bệnh đó, nhưng không biết cách trị ra sao, và muốn giữ thân chủ, đành phải làm thinh mà áp dụng cách trị thông thường, nghĩa là bệnh nhân kêu đau bao tử thì cho thuốc đau bao tử, kêu đau gan thì cho thuốc đau gan, kêu bón thì cho thuốc nhuận trường, nếu quá nhuận trường thì cho thuốc “chặt ruột” v.v… tóm lại là chỉ trị ngọn chứ không trị gốc.

Vả lại ta nên tự đặt vào địa vị họ. Một bệnh nhân lại nhờ ta coi mạch mà ta bảo: “Cơ thể ông không làm sao hết. Bệnh của ông là do xúc động mà ra” hoặc “Bệnh ông là bệnh thần kinh”, thì không những bệnh nhân không thấy nhẹ người được chút nào, mà còn nghi ngờ ta là gà mờ, có khi lại bất bình, cho là ta muốn giễu họ, và rốt cuộc thế nào họ cũng đi tìm một bác sĩ khác.

Tôi không biết tại Sài Gòn này có bác sĩ nào chuyên về tâm thần y khoa không (médecine psychosomati-que)”, nghĩa là khi trị bệnh không tách rời thân thể ra khỏi linh hồn mà biết tìm những nguyên nhân tinh thần của các chứng bệnh; nếu có thì những vị đó cũng khó hành nghề được vì muốn trị cho đúng phép thì phải bỏ ra khoảng hai chục giờ để xét một bệnh nhân, nghĩa là nếu mỗi ngày làm việc mười giờ thì phải hai ngày mới xét xong được một bệnh nhân. Mà hiện nay, ngay ở những nước rất nhiều bác sĩ, như Mỹ, mỗi ngày mỗi bác sĩ phải khám trung bình hai mươi ba con bệnh, còn ở nước nhà, tôi biết có những bác sĩ cứ năm phút khám xong một con bệnh, suốt tám giờ một ngày.

Ông John A.Schindler nói rằng, ở Mỹ phải có vài trăm ngàn bác sĩ chuyên trị bệnh thần kinh mới đủ để trị hết những con bệnh đau vì xúc động mà hiện thời chỉ có năm ngàn bác sĩ vào hạng đó. Tình trạng ở Mỹ mà còn như vậy, thì tình trạng ở nước ta ra sao, chắc độc giả đã đoán được.

Và bác sĩ nào cũng chỉ trị ngọn.

Kết quả là 50 phần 100 hoặc 75 phần 100 bệnh không được trị đúng phép. Chỉ trị ngọn chứ không trị gốc. Một số bác sĩ thường chê các đông y sĩ là dùng những thuyết bí biểm để lòe bệnh nhân: “Nào là tại hỏa nó bốc cho nên nhức đầu; nào là chân thủy hư, phải bổ kim để sinh thủy, mà kim tức là phế, vậy phải bổ phổi; nào là âm thắng dương, hoặc dương thắng âm, cho nên sinh bệnh…”; nhưng chính các bác sĩ đó cũng không hơn gì các ông lang, và những danh từ của họ dùng tuy mới mẻ hơn, “Hypertension Hypotension Insuffisance d’adrénaline”… có vẻ khoa học hơn, nhưng cũng chẳng giảng được đích xác nguyên nhân của bệnh.

Trị ngọn như vậy thì cũng có một số ít bệnh nhân vì tin ở thuốc mà thấy dễ chịu trong một thời gian, nhưng rồi sau bệnh lại trở lại, lâu thành kinh niên, tốn không biết bao nhiêu tiền vào thuốc, chỉ làm giàu cho các nhà bào chế. Bệnh ợ chua chẳng hạn mà bây giờ tôi biết chắc rằng 100 lần có 99 lần do xúc động gây ra, các ông bác sĩ cho là tại bao tử đau dư nước chua (hyperchlor-hydrie) và để cho tan nước chua đó đi, người ta cho uống thứ muối kiềm (sel alcalin) như bicarbonate de soude, do bác sĩ thiếu kinh nghiệm, thiếu lương tâm, trị bậy mà mắc thêm một bệnh khác nữa, tiếng Pháp gọi là maladie iatrogénieque (iatros = y sĩ, = ghénésis tạo ra), nghĩa là bệnh do y sĩ tạo ra.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x