
Sống Để Đời Yêu – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Sống Để Đời Yêu của tác giả Phùng Thiên Tân
HAI
Kỳ bất chợt tỉnh giấc.
Sự việc xảy ra quá nhanh. Anh đưa tay khẽ sờ lên vết thương, nơi thái dương bên phải, đang co giật. Anh nghe tiếng lào xào ở phía đầu căn phòng, cô y sĩ – trạm y tế phường – đang đề nghị với mấy ông đảng ủy, ủy ban, Công an phường đưa anh đi bệnh viện. Mấy ông đồng ý ngay. Anh cố nhổm lên từ chối:
– Tô… ôi… không…
Nói được một hai tiếng, anh xỉu dần, da mặt lợt đi, đôi mắt lờ đờ rồi nhắm lại. Cơn choáng ập tới đè anh khuỵu xuống.
Cái chày giã cua trong tay người đàn bà ba mươi sáu tuổi khỏe mạnh, lại được giáng đúng lúc chị ta đang cơn cuồng. Sức nào chịu thấu?
Mấy ngày sau, sức khỏe Kỳ dần phục hồi.
Những lúc tỉnh táo ngồi một mình, anh nhớ lại sự việc rồi bần thần, chẳng lẽ chị ta cố ý đánh mình?
Lúc ấy mình tới nơi thì hai bên đang ẩu chiến. Tay Chánh vạm vỡ, động tác tay chân dứt khoát, chính xác (thằng cha này ít nhiều biết võ nghệ). Còn chị Trinh chẳng phải kẻ vừa. Thân hình cao ráo, chắc lẳn với cái chày giã cua làm vũ khí. Bên cạnh hai thằng con trai, mười bốn và mười lăm tuổi, hỗ trợ đắc lực. Tất nhiên là mình phải lao vào ngăn tay Chánh. Và trong lúc mình không để ý mẹ con chị Trinh thì cái chày giã cua trời giáng đập vào thái dương bên phải mình. Nghĩa là chị ta cố ý đánh mình?
Kỳ chua chát khi nhận thấy điều ấy là sự thật.
Hơn sáu năm, anh ở với dân khu phố này, để bây giờ nhận cái chày giã cua vào thái dương phải. Đau quá. Đau ở trái tim này quá!
*
Suốt đời làm sao Kỳ quên được buổi sáng ấy. Trong đoàn quân chiến thắng, anh có mặt ở thành phố này, sau nhiều năm ở rừng, chấp nhận cái chết. Ngỡ ngàng. Đúng, các anh sung sướng đến ngỡ ngàng.
Sau mấy tháng làm lính quân quản, anh cùng một số đảng viên sĩ quan được chuyển sang lực lượng Công an. Lớp huấn luyện dưới Rạch Dừa, Vũng Tàu được đúng ba tháng. Bài vở chưa kịp nhớ hết đã xách ba lô về nhận địa bàn.
Số anh thật chẳng may chút nào, vớ ngay phải khu phố 4, khu phố “hóc” nhất của quận, của thành phố. Ngày trước cảnh sát ngụy cũng ớn luôn, không dám xuống phường Đường Rầy. Đúng hơn là có xuống, nhưng xuống một loáng ban ngày và đi thành tốp, súng đã lên đạn và tay đặt ở lẫy cò. Còn ban đêm có nhử kẹo mấy ông cảnh sát ngụy cũng không dám tới. Đám dân anh chị ở đây – khoảng trăm đối tượng đủ loại, du đãng, mặt rô đâm thuê chém mướn, giật dọc, ma cô, buôn bán xì ke – ngày càng ngang nhiên lộng hành. Chẳng thế khi anh vừa xuất hiện, dân anh chị đã bắn tin, để xem thằng Việt cộng khờ khạo này rong phố được mấy bữa. Kỳ không rong phố cũng không sợ chúng đe dọa. Anh xuống dân từ sáng mờ đất cho đến tận khuya. Anh đi trong hẻm nhỏ tối thui, sũng nước. Phải cứng với chúng ngay từ đầu, anh nghĩ. Có người tốt thương anh báo tin, chúng sẽ dụ anh vào nhà trùm chăn đánh hội đồng. Nghe, anh cười, anh vẫn xuống dân, bình thản như không hay tin đó. Thằng Năm Đao Búa lại tung tin, cha Kỳ đi đâu cũng mang cây súng kè kè. Anh bổ vào giữa nhà nó, bận sơ mi vải mỏng, tao xuống tay không đây. Tụi Năm ớn quá, ngãng ra, chối phắt. Bọn anh chị dần nhận ra đối thủ của mình không dễ gì chơi. Bà con lao động trước thầm lo ngại cho anh, giờ thấy vậy cảm phục anh hơn, bớt sợ bọn chúng. Trên đà đó, Kỳ gọi từng tên một lên trụ sở Công an phường giáo dục. Thằng nào nghe hoàn lương, thì thôi. Thằng nào khẩy cười, về tiếp tục hành nghề, trừng trị đích đáng. Từng băng mất chủ tướng, mất “đệ tử ruột” và lần lượt các băng bị xóa sạch. Đó là cuộc đấu tranh quyết liệt sống còn, dai dẳng mấy năm đầu giải phóng.
Với gần hai trăm hộ, ngàn hai dân, khu phố 4 mà Kỳ phụ trách ngoài trăm đối tượng hình sự còn khoảng bảy tám chục đối tượng chính trị. Số phải đi học tập cải tạo từ một năm trở lên là 32, cấp bậc từ thiếu úy đến đại tá tỉnh trưởng. Thời gian qua họ lần lượt được thả tự do. Số này chưa có biểu hiện chống đối ra mặt, chỉ thỉnh thoảng có một vài tên mượn rượu nói bậy, hoặc nặc danh tung tin nhảm. Chúng không manh động như đám đối tượng hình sự, nhưng Kỳ không coi nhẹ việc nắm loại đối tượng này. Anh cũng sâu sát tìm hiểu từng trường hợp cụ thể, hoàn cảnh tham gia ngụy quân ngụy quyền, mức độ tội lỗi đã gây ra, tình hình học tập ở trại, thái độ từ ngày về… Phải kéo họ về với dân tộc với chính nghĩa. Đấy là cách nghĩ của anh. Mà trước hết phải làm cho họ mất dần mặc cảm với cách mạng với chính quyền, cụ thể là với anh. Đại úy Lân là một ví dụ. Anh ta tin Kỳ đến mức, số bạn bè cũ đến rủ vượt biên, Lân báo cho Kỳ biết.
Thế nhưng, việc đã làm được so với việc còn phải làm thì chưa thấm vào đâu. Mà việc này thì thật là hệ trọng. Đó là công tác nắm hộ nắm người. Về địa hình, khu phố 4 chia thành hai khối dân cư. Một khối nằm hai bên con hẻm 483, nhà cửa có trước bạ, đa số là nhà kiên cố, hoặc nhà tầng đúc, hoặc nhà trệt có vườn có cửa nả rào dậu. Khối còn lại nằm hai bên đường rầy xe lửa, khối này là nhà xây cất bất hợp pháp vì chính quyền cũ không cho phép để bảo đảm an toàn cho các chuyến tàu qua lại. Hai khối nhà tương phản nhau, khối bên hẻm 483 đàng hoàng bao nhiêu thì khối bên hẻm đường rầy tạm bợ bấy nhiêu. Sát cạnh hẻm đường rầy là chợ Đường Rầy, một cái chợ về diện tích không lớn lắm so với ngàn cái chợ của thành phố, nhưng tổng giá trị của nó thì được xếp hạng. Cũng tương phản như hai khối nhà vừa kể trên, chợ Đường Rầy có cái lạ, nửa chợ buôn bán vàng, nửa chợ rau cá tạp hóa hàng xén… Chợ vàng bạc công khai dăm chục tiệm có môn bài. Hai phần ba dân chúng phường này bám vào cái chợ để sống. Đặc biệt một đội ngũ bụi đời đông đảo. Dân ở đâu đến đây sống bụi đời, có gia đình cả chục năm rồi.
Chợ là nơi kiếm sống, vỉa hè hiên chợ là nơi ngả lưng. Thật khó mà nắm được dân được hộ! Hai năm lại đây thành phố dời ga từ Bến Thành ra Hòa Hưng, đoạn đường rầy này không sử dụng, những túp lều che tạm có cơ mở rộng, một số nhà cũ kiếm ăn được thì cơi thêm gác xép bằng cây. Kỳ cũng đã bàn với chi bộ, chính quyền tìm cách giúp những hộ bụi đời ổn định. Nhiều đồng chí có thẩm quyền phê phán anh làm sai nguyên tắc, quy định. Không tìm ra được kẽ hở nào trong các quy định về quản lý nhân, hộ khẩu nhưng Kỳ cũng khuyến khích các gia đình khốn khổ ấy cố gắng dựng lấy túp lều, dù năm ba mét vuông, có chỗ chui vô chui ra. Anh lên danh sách những hộ ấy trong mục tạm trú. Dù sao thì cũng phải tìm cách mà nắm được họ. Gần đây chị Hai Liên về làm chủ tịch phường, chị ủng hộ ý kiến của Kỳ, đặt việc này thành một nhiệm vụ của phường. Dân bụi đời mừng quá. Ủy ban phường mở một đợt quyên góp rồi dựng một dãy nhà lá ven đoạn đường rầy chia cho mỗi nhà mươi mười lăm mét vuông. Bộ mặt của phường sạch hơn được chút, Kỳ phấn khởi lắm, anh sung sướng như chính anh là dân bụi đời được nhận nhà. Phải làm cho nó đẹp hơn. Đầu năm nay Kỳ đã làm được một việc mà dân đường rầy “mê” nữa. Anh lấy thế Ủy ban phường xin Sở Điện lực cho hẻm đường rầy điện thắp sáng. Ban đêm hẻm đường rầy có ánh sáng điện cũng giảm bớt mặt tiêu cực. Anh nghĩ thế, tin thế.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.