
Stalingrad – Trận Đánh Của Thế Kỉ – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Stalingrad – Trận Đánh Của Thế Kỉ của tác giả V. Trui-Cốp
Ở CÁC CỬA NGÕ NGOÀI XA
Khởi đầu chiến tranh, tôi ở xa đất nước, làm tùy viên quân sự Liên Xô ở Trùng Khánh, Trung Quốc.
Khi tôi đi Trung Quốc thì toàn bộ Tây Âu đã lâm vào cảnh chiến tranh. Nước Ba Lan, Na Uy, Bỉ, Hà Lan, Pháp đã bại trận. Học thuyết phát xít về chiến tranh chớp nhoáng đang thắng lợi, và người ta đang đợi cuộc đổ bộ của quân phát xít lên các đảo của nước Anh. Những phi công Anh dũng cảm đã đẩy lùi các cuộc oanh tạc ồ ạt của không quân phát xít vào các thành phố yên lành. Luân Đôn bốc cháy, Cô-ven-tơ-ry bị tàn phá.
Sau chiến tranh, khi đến các phòng lưu trữ hồ sơ của Hít-le, chúng tôi được biết là từ mùa thu năm 1940, Hít-le đã từ bỏ ý định vượt qua biển Măng-sơ. Bên cạnh các kế hoạch chiến lược và chiến thuật, còn có các mưu đồ chính trị rất lộ liễu. Việc này càng rõ ràng đối với các nhà quân sự chúng tôi, khi bộ chỉ huy Hít-le hoãn quyết định tiến công vượt biển Măng-sơ sang mùa xuân 1941.
Tình hình gay go của nước Anh sau trận Đoong-kéc1, nơi đạo quân viễn chinh Anh đã phải khó khăn lắm mới rút thoát đi được, bây giờ đã khá hơn rõ rệt. Các cuộc oanh tạc dữ dội vào nước Anh không khuất phục được nhân dân Anh. Tương quan lực lượng trên không dần dần đi tới cân bằng. Từng đoàn tàu chở máy bay nối tiếp nhau từ Mỹ sang Anh. Kỹ nghệ Mỹ đã chuyển sang sản xuất vũ khí các loại, mặc dù còn chậm. Nước Anh đã có được một thời gian để vũ trang và chuẩn bị chống trả. Hít-le hiểu rằng trận đánh chiếm các đảo nước Anh đã thất bại ngay từ đầu. Anh đang tập trung lực lượng, quan hệ giữa Đức và Nhật với Mỹ xấu đi, Nhật đang chờ thời cơ tham gia cuộc chiến hòng phân chia lại thế giới, mở rộng đất đai chiếm đóng trong vùng Thái Bình Dương và các khu vực khác.
Trong các điều kiện này, liệu chúng tôi có thể coi hiệp ước ký với Đức vào tháng tám 1939 như một đảm bảo nghiêm túc cho sự an toàn của chúng tôi được không?
Tình hình có thể xoay chuyển rất bất lợi cho chúng tôi. Hít-le có thể thực hiện một liên minh với Nhật, nhằm cùng xâm lăng Liên Xô từ phía tây và phía đông. Lúc đó, nhiệm vụ của tôi là phải tìm hiểu ý đồ của Nhật: âm mưu của Nhật hướng lên phía bắc hay xuống phía nam? Nhật sẽ đánh vào Liên Xô ở Viễn Đông hay sẽ lao vào cuộc đụng độ với Mỹ để chia lại vùng Đông Nam Á?
Trong ý đồ của Nhật có nhiều điểm còn chưa rõ. Nguồn nguyên liệu của bản thân Nhật đã cạn, và muốn tiếp tục chính sách quân phiệt của mình, nhất thiết Nhật phải mở rộng phạm vi xâm lăng, nhưng vấn đề là hướng vào đâu? Nhật đã chiếm các trung tâm sống còn của Trung Quốc nhưng lại không giữ được chắc. Qua nhiều con đường và từ nhiều nguồn khác nhau, Mát-xcơ-va nhận được tin là Hít-le đang chuẩn bị một cuộc tiến quân sang phía đông, và khoảng cuối mùa xuân hay sang mùa hạ, một cuộc xâm lăng vào Liên Xô có thể xảy ra. Ngay ở bên nước Trung Hoa xa xôi, tôi cũng nhận được các tin tức tương tự.
Từ mùa xuân năm 1941, chúng tôi cũng đã phải đón nhận với sự thận trọng đặc biệt những tin tức về các cuộc chuẩn bị của Đức nhằm tiến công Liên Xô. Rõ ràng không còn bí mật gì nữa: Khi hướng các cuộc tiến công sang phía đông, Hít-le đã giải thoát cho Anh khỏi mọi sự đe dọa nghiêm trọng, ít ra cũng được vài năm. Trước kia, và đặc biệt là thời kỳ năm 1941, không thiếu gì những kẻ muốn cho cuộc xâm lăng của Hít-le chuyển hướng vào Liên Xô. Chính phủ và cơ quan ngoại giao Liên Xô đã làm hết sức mình để tránh chiến tranh. Đó là nhiệm vụ chủ yếu của chính sách đối ngoại Xô-viết. Liên Xô cần phải tranh thủ thời gian, một năm, hai năm, để hoàn tất việc vũ trang lại quân đội của mình.
Ngành công nghiệp hàng không Liên Xô đã có một số máy bay đầu tiên hơn hẳn các máy bay của Đức về tính năng chiến đấu. Các loại đã bay thử tốt được sản xuất hàng loạt. Các đội quân cơ giới đã được thành lập trong Hồng quân. Công nghiệp Xô-viết đã có kế hoạch sản xuất hàng loạt xe tăng T.34 và KV, hơn hẳn các loại xe tăng Đức về tính năng chiến đấu. Nhiều loại vũ khí bộ binh mới cũng được sản xuất hàng loạt.
Bây giờ thì mọi người đều biết là lúc đó, chúng ta đã nắm được nhiều tin tức đáng tin cậy về việc tập trung quân của Hít-le gần biên giới Liên Xô. Các đồn biên phòng đã báo cáo về là các sư đoàn quân Hít-le từ phía tây tới, đang triển khai ở đâu và như thế nào. Xta-lin biết tình hình đó, nhưng Xta-lin và Chính phủ Liên Xô vẫn cố gắng hết sức mình để làm trì hoãn ngày khởi chiến, để tránh gây ra cuộc xâm lăng của quân thù chỉ do một hành động không khéo léo nào đó. Liên Xô cũng buộc phải triển khai cả một đạo quân mạnh ở biên giới Viễn Đông.
Hồi đó Hít-le chơi một ván bài chính trị xảo quyệt. Qua nhiều con đường khác nhau, qua nhiều nhân vật trung gian, hắn thăm dò thái độ của Anh, xem chính phủ Anh có tìm kiếm hòa bình riêng rẽ không, để hắn rảnh tay tiến công Liên Xô. Cuối cùng hắn quyết định xâm lăng Liên Xô, chấp nhận chiến đấu cả trên hai mặt trận.
Chiến tranh đã xảy ra.
Ở Trung Quốc, trong những ngày này, tôi bồn chồn lo âu, tâm trí hướng cả về quê hương, về các bạn bè, đồng chí đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng nhiệm vụ của tôi vẫn chưa hoàn thành.
Tình hình mặt trận trong mùa hè 1941 thật nghiêm trọng. Min-xcơ thất thủ, quân thù đã chiếm Xmô-len-xcơ và chọc thủng tuyến phòng ngự của Liên Xô. Chúng ào ạt tiến về Mát-xcơ-va, bao vây Lê-nin-grát và chiếm Ki-ép.
Nguy cơ Nhật tham chiến lớn thêm. Bọn quân phiệt Nhật sẽ không bỏ lở cơ hội tốt để tiến công vào miền Viễn Đông của Liên Xô. Nhưng chính mùa thu đó lại xuất hiện các triệu chứng cho thấy Nhật lợi dụng tình hình khó khăn của Anh, đang chuẩn bị đánh một đòn vào phía nam, vào Mỹ.
Những tin tức về vấn đề này đến với Mát-xcơ-va, nhưng cũng chưa thể hoàn toàn dựa vào các nguồn tin đó. Chịu một đòn đánh sau lưng ở Viễn Đông thật là phiêu lưu lớn. Cho đến mùa thu thì mới rõ ràng là Nhật đang chuẩn bị tiến công Mỹ.
Các tin tức của chúng tôi giúp Bộ Tổng tư lệnh chuyển hướng được kịp thời và đã quyết định rút một số sư đoàn ở Viễn Đông về trong những ngày phải chiến đấu khó khăn ở Mát-xcơ-va.
Ngày 7 tháng mười hai 1941, Nhật tiến công căn cứ hải quân Trân Châu Cảng của Mỹ, và ngày hôm sau, Mỹ tuyên chiến với Nhật.
Đầu tháng ba 1942, tôi trở về Mát-xcơ-va và xin ra mặt trận.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.