
Streampunks: Kẻ nổi loạn định dạng lại ngành truyền thông – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Khi cầm cuốn sách này trên tay, được tặng bởi một người bạn làm truyền thông cho Google, tôi tự hỏi, “Họ sẽ viết gì về YouTube?” Liệu đó sẽ là một cuộc lật đổ ngoạn mục đối với ngành truyền hình, hay là sóng gió cho ngành truyền thông với những YouTuber được ví như “kẻ nổi loạn”? Tác giả Robert Kyncl, vốn là CBO (Giám đốc khối kinh doanh) của YouTube, dường như chắc chắn sẽ có cái nhìn thiên kiến trong lối viết của mình. Nhưng tôi đã lầm.
Khi đó, tại Việt Nam chưa xảy ra sự cố MCN (hệ thống đa kênh hoạt động trên nền tảng YouTube) của Yeah1 với YouTube, khiến giá trị vốn hóa của công ty này mất gần 200 triệu USD trên sàn chứng khoán chỉ trong hai tuần. Một đồng nghiệp của tôi tại Forbes Việt Nam đã đặt tên cho bài viết về sự cố này là “Quá nhanh, quá nguy hiểm” để mô tả bức tranh “vội vã” chuyển mình của ngành truyền thông mới tại Việt Nam.
Cũng vào thời điểm ấy, truyền thông chưa nhắc đến những YouTuber xăm trổ, văng tục nhưng vẫn được cộng đồng xem như “ông hoàng không ngai”; hay những YouTuber gây sóng gió cho doanh nghiệp chỉ vì một sơ suất nhỏ, khiến cộng đồng doanh nghiệp trở nên lúng túng. Đó là hình ảnh mà tôi có về YouTube, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ “xù xì” trong bức tranh rộng lớn hơn của ngành truyền thông mới đang chuyển mình.
Robert Kyncl không chê bai hay dè bỉu truyền thông cũ (như báo in, truyền hình), mà ông cho rằng truyền thông cũ và truyền thông mới đang cùng chạy đua để thay đổi và rồi một ngày nào đó sẽ gặp nhau ở một điểm chung. Tại điểm đó, có thể sẽ rất khó phân biệt ai là cũ, ai là mới: nội dung trực tuyến sẽ gần với truyền hình chính thống hơn; và ngược lại, các chương trình truyền hình sẽ phải thay đổi để đáp ứng với môi trường trực tuyến.
Tuy nhiên, điều hơi tiếc là cuốn sách không đề cập đến các YouTuber ở Việt Nam, ngoại trừ Michelle Phan – một người Mỹ gốc Việt. Có thể vì YouTuber Việt Nam chưa có tiếng vang lớn trên toàn cầu với nội dung đặc sắc hoặc chưa đủ tầm để tiếp cận các thị trường rộng hơn?
Nếu điểm qua các YouTuber Việt Nam, phải kể đến FAP TV (Funny Action Program) với hơn 9 triệu người đăng ký, trở thành kênh nổi bật nhất Việt Nam. Đây là nhóm bạn trẻ chung niềm đam mê phim ảnh và hài kịch. Sau khi tốt nghiệp, họ đã từ bỏ công việc ổn định để thành lập nhóm. Trần Đức Viễn, người sáng lập FAP TV khi mới 24 tuổi trong vai trò đạo diễn, đã lọt vào danh sách 30 Under 30 của Forbes Việt Nam năm 2018. Hài kịch của FAP TV không dùng ngôn từ tục tĩu và nội dung thường mang tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
Một YouTuber khác là Hà Kế Tú, người sáng lập kênh Haketu. Anh bắt đầu đăng tải nội dung hướng dẫn chơi guitar vào năm 2012 khi còn du học tại Úc ngành tài chính. Dù đã ngừng làm video trong hai năm (2014-2015) để tiếp tục học cao học ở Anh, Tú sau đó đã quyết định về Việt Nam để theo đuổi đam mê làm video trên YouTube. Kênh Haketu là nơi anh chia sẻ trải nghiệm du học, du lịch qua các châu lục và các bài tập guitar bằng phong cách gần gũi, thân thiện.
Một đồng xu luôn có hai mặt, và xu hướng mới trong ngành truyền thông liệu có thể thay đổi một định dạng đã tồn tại hơn năm thập kỷ? Chưa ai có thể kết luận, nhưng một điều chắc chắn là: đây không còn là cuộc chiến “một mất một còn” giữa hai bên (tạm gọi là cũ và mới) mà là sự chạy đua thích ứng với công nghệ. Có thể cuối cùng, như Robert Kyncl đề cập trong chương cuối, hai bên sẽ hội tụ tại một điểm chung.
- Nhà báo Lương Trọng Vũ
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.