
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Sự Đầy Của Cái Không của tác giả Trịnh Xuân Thuận
CHƯƠNG II. Nỗi sợ hãi chân không
Vũ trụ thần thoại và vật chất nguyên thủy
Khái niệm hư không hay chân không đương nhiên sẽ xuất hiện ngay khi ta đặt câu hỏi về nguồn gốc của vũ trụ. “Vũ trụ từ đâu tới? Nó bắt đầu thế nào? Có cái gì trước khi vũ trụ sinh ra không? Hư không liệu có phải là trạng thái trước khi vũ trụ được sinh ra?” Các câu hỏi này đã là mối bận tâm của tất cả các nền văn hóa và văn minh qua các thời đại, bởi vì hiểu được nguồn gốc của vũ trụ chính là hiểu được nguồn gốc của chính chúng ta.
Cách đây khoảng mười ngàn năm, con người sống trong vũ trụ thần thoại trong đó mọi hiện tượng tự nhiên, kể cả sự sáng tạo vũ trụ, đều là kết quả hành động của các vị thần, tùy theo sự yêu hay ghét của họ. Tự nhiên giống như một sân khấu múa rối do các vị thần toàn năng điều khiển, để từ hỗn mang nguyên thủy trật tự có thể xuất hiện. Các thần thoại khác nhau về sáng thế đã được đưa ra để giải thích sự ra đời của thế giới. Trong đa số các câu chuyện thần thoại xuất hiện ở phương Tây, vũ trụ không chuyển từ trạng thái không tồn tại sang tồn tại. Hay nói một cách khác, nó không hình thành từ hư vô mà từ một môi cảnh đã tồn tại từ trước. Chẳng hạn, theo thần thoại Babylon về sáng thế như được kể trong Enuma Elish (2000 – 3000 trước CN), nước là vật chất nguyên thủy khởi nguồn của vạn vật.
Qua sự kết hợp của các sinh vật ban đầu Apsu, đại diện cho nước ngọt, và Tiamat, đại diện cho nước mặn, đã sinh ra thần bầu trời Anu – ta có thể thấy rằng các thần thoại về sáng thế thường lấy cảm hứng từ địa lý của vùng nơi chúng được sinh ra, như trong câu chuyện trên thì đây chính là nơi nước ngọt gặp nước mặn của vịnh Ba Tư. Nước là vật chất nguyên thủy bởi vì nó sinh ra sự sống: các trầm tích lắng đọng bởi hai con sông Tigris và Euphrates trong vùng vịnh đem lại sự màu mỡ của đất đai và tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển. Trong thần thoại Ai Cập xuất hiện gần như vào cùng thời kỳ đó, nước cũng là vật chất nguyên thủy và là nguồn gốc của sự sống. Nước sông Nile và các đợt lũ hằng năm đã cho phép nông nghiệp và nền văn minh Ai Cập lấy đà vươn lên. Thần thoại của các nước Bắc Âu cũng không kém cạnh. Trong Poetic Edda (khoảng 1220), vũ trụ cũng không sinh ra từ hư vô. Hai vật chất nguyên thủy được đề cập tới: một là cái lạnh và băng giá, một là nóng và lửa. Sự gặp gỡ của hai vật chất nguyên thủy này sinh ra giọt nước và từ đó xuất hiện sự sống dưới dạng người khổng lồ Ymir và con bò Audhumla (xem hình), và chúng sẽ sinh ra toàn bộ các sinh vật sống khác.
Sự ra đời của tư duy khoa học
Tư duy khoa học về hư vô và cái Không, cũng giống như nhiều chủ đề nghiên cứu khác, đã xuất hiện với người Hy Lạp. Ở giữa vũ trụ thần thoại, vào khoảng thế kỷ 6 trước CN, dọc theo bờ biển Tiểu Á ở vùng Ionia, đã xuất hiện “sự thần kỳ Hy Lạp” kéo dài gần tám thế kỷ. Một nhóm người kiệt xuất đã thành công trong việc gieo mầm cho một vũ trụ mới và dẫn tới sự cáo chung của vũ trụ thần thoại: đó là vũ trụ khoa học giống như của chúng ta ngày nay. Người Hy Lạp đã có một ý tưởng cách mạng cho rằng tự nhiên được chi phối bởi các định luật, và các luật này không phải dành riêng cho các vị thần mà lý trí của con người cũng có thể hiểu được. Không gì thoát khỏi con mắt tinh tường của họ. Họ đặc biệt quan tâm tới câu hỏi về nguồn gốc của vũ trụ, và trong khi suy ngẫm về vũ trụ, họ đã phải đối mặt với khái niệm chân không. Với đại đa số, ý tưởng vũ trụ có thể sinh ra từ hư vô và có thể chuyển từ trạng thái không tồn tại sang trạng thái tồn tại là không thể chấp nhận được. Giống như trong các câu chuyện sáng thế trước đó, người Hy Lạp nghĩ rằng cần phải tồn tại một vật chất nguyên thủy để từ đó vũ trụ xuất hiện. Vật chất nguyên thủy này ban đầu là hỗn độn, và thế giới tự nhiên chỉ xuất hiện khi trật tự chiến thắng, Hỗn mang trở thành Vũ trụ(11).
Với nhà toán học và triết gia Thales (khoảng 625-546 trước CN), một trong những nhà tư tưởng tiền Socrates, vật chất nguyên thủy chính là nước, giống như trong những câu chuyện thần thoại, dưới các dạng vật lý khác nhau: lỏng, rắn hay khí. Vật chất nguyên thủy có nhiều dạng khác nhau với các nhà tư tưởng tiếp theo: với Anaximenes (khoảng 585-528 trước CN) chính là không khí; với Heraclitus (khoảng 544 480 trước CN) lại là lửa. Empedocles(12) (khoảng 490-430 trước CN) là người đầu tiên đưa ra ý tưởng vật chất nguyên thủy không chỉ là một mà bao gồm nhiều nguyên tố: đất, nước, lửa, không khí và một nguyên tố thứ năm tràn ngập toàn bộ vũ trụ, một “tinh chất thứ năm” nhẹ hơn mọi vật chất đã biết. Sự có mặt của tinh chất thứ năm này (mà Aristotle sau này đặt tên là ether) là cần thiết để tránh cái chân không xuất hiện ở những nơi mà vật chất tạo bởi bốn nguyên tố còn lại không thể có mặt. Đây là lần đầu tiên người ta nhắc tới một chất vô hình được cho là có mặt khắp nơi trong vũ trụ. Khái niệm này sẽ thống trị tất cả các cuộc trao đổi khoa học về bản chất của không gian trong suốt 20 thế kỷ sau đó. Theo Empedocles, ngay cả vật chất cũng không thoát khỏi sự chi phối của ether: do vật chất là xốp, nên các khoảng không sẽ bị lấp đầy bởi chất nhẹ và huyền bí này. Sự xạ khí từ những lỗ hổng làm cho các vật thể hoặc hút nhau bởi tương tác gọi là Tình yêu hoặc đẩy nhau bởi tương tác gọi là Ghét bỏ. Khái niệm tương tác này chính là tiền đề cho ý tưởng lực hút và lực đẩy được phát triển khoảng 2000 năm sau bởi nhà vật lý người Anh Isaac Newton.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.