Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Sự Kiến Tạo Xã Hội Về Thực Tại Khảo Luận Về Xã Hội Học Nhận Thức của tác giả Peter L. Berger, Thomas Luckmann

Những điểm độc đáo của công trình

Theo Danilo Martuccelli, cuốn sách này có tầm quan trọng trong vòng hơn 45 năm qua là do nó “chiếm một vị trí rất đặc biệt, nếu không muốn nói là duy nhất, trong lịch sử tư tưởng xã hội học”. Sở dĩ như vậy, theo Martuccelli, đó là do nó có bảy điểm độc đáo sau đây.

Trước hết, cuốn sách đã đề cập tới rất nhiều tác giả xã hội học và triết học cổ điển và đương đại, nhưng không trực tiếp luận chiến hoặc công kích bất cứ ai, kể từ Karl Marx, Émile Durkheim, Max Weber, Georg Simmel, cho tới George H. Mead, Jean-Paul Sartre, Talcott Parsons và Erving Goffman. Đó cũng là một cách thức đặc trưng góp phần vào cuộc đối thoại hết sức cần thiết giữa các nhà xã hội học và giữa các trường phái khác nhau, nhằm tránh xu hướng “cục bộ hóa” mà nhiều trường phái lý thuyết lâu nay thường rơi vào.

Thứ hai, công trình này đi theo truyền thống hiện tượng học của Edmund Husserl và Alfred Schutz, nhưng cũng có khai triển thêm những ý tưởng mới vận dụng vào trong lãnh vực nghiên cứu xã hội học. Chúng tôi sẽ trở lại với phương pháp hiện tượng học ở một mục sau.

Thứ ba, hai tác giả đã khá nhiều lần đề cập tới những tư tưởng của truyền thống mác-xít, nhấn mạnh đến chiều kích lịch sử trong mối quan hệ hỗ tương giữa xã hội với cá nhân, và từ đó khai triển một tầm nhìn mang tính biện chứng về sự hình thành của trật tự xã hội.

Thứ tư, hai tác giả đã tìm cách nối kết và tích hợp giữa lý thuyết về chủ thể hành động của George H. Mead với lý thuyết về cấu trúc xã hội của É. Durkheim nhằm đi đến chỗ nhận diện ra mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân với xã hội. Ý tưởng này về sau được nhiều tác giả khai triển, đặc biệt là Jürgen Habermas. Theo Martuccelli, sự tích hợp ấy về sau này đã trở thành điều quen thuộc trong giới xã hội học, nhưng vào thập niên 1960 vẫn còn là chuyện hết sức xa lạ.

Thứ năm, công trình này nhắc nhiều tới Talcott Parsons, nhưng giữa Parsons và G. H. Mead thì hai tác giả nghiêng về Mead hơn. Tuy vẫn nhìn nhận cái lý của lý thuyết chức năng luận, nhưng họ nhấn mạnh hơn đến những khía cạnh tri nhận của đời sống xã hội; thay vì chú ý đến vai trò hội nhập của các giá trị, họ nhấn mạnh đến những sự xung đột về tính chính đáng; thay vì quan tâm tới những sự trung giới vô nhân xưng trong các quá trình xã hội hóa, họ chọn lựa lối tiếp cận khảo sát các mối liên hệ trao đổi truyền thông trong đời sống thường nghiệm hằng ngày.

Thứ sáu, đây là một công trình xã hội học nhận thức: hai tác giả không quan niệm rằng xã hội học nhận thức chỉ là một nhánh chuyên ngành của xã hội học, mà chính là nền tảng thiết yếu của một lý thuyết tổng quát về xã hội.

Và thứ bảy, cuốn sách này là một công trình khảo cứu liên ngành – đây là điều vẫn còn khá hiếm hoi trong lãnh vực xã hội học. Lập luận của Berger và Luckmann đã vận dụng nhiều góc nhìn như: lối tiếp cận triết học; hướng nghiên cứu những khía cạnh sinh học của ngành nhân học nhân văn (theo hướng của Arnold Gehlen) cùng những hệ quả của chúng liên quan tới các tập quán và nề nếp sinh hoạt hằng ngày (đặc biệt là vai trò của những tiến trình tập quán hóa trong quá trình định chế hóa); những lý thuyết tâm lý học về quá trình xã hội hóa, để từ đó đi đến những nhận định về việc hình thành căn cước của cá nhân. Tuy vậy, công trình này không rơi vào một thứ chiết trung, chỉ tổng hợp nhiều loại lý thuyết khác nhau, mà tỏ rõ đây là một diễn trình lập luận lô-gíc và chặt chẽ, nhờ đi theo cái trục xương sống là phương pháp hiện tượng học của Schutz.

Nhìn chung, theo Martuccelli, có thể coi cuốn Sự kiến tạo xã hội về thực tại là “một bản tóm lược thực sự lịch sử của tư tưởng về xã hội”.

Như đã nói, trong công trình này, Berger và Luckmann đã vận dụng phương pháp hiện tượng học dựa trên đường hướng của Alfred Schutz, và hai ông coi đây là tiền đề nền tảng dẫn vào việc phân tích xã hội học.

Cấu trúc của cuốn sách được trình bày theo diễn trình như sau: phần 1 là phần “dẫn luận triết học vào luận đề cốt tủy” của công trình này “dưới dạng một sự phân tích hiện tượng học về thực tại của đời sống thường nhật”, trong đó “một số vấn đề sẽ được xem xét trong các dấu ngoặc đơn hiện tượng học”. Sau đó, những vấn đề ấy “sẽ được đề cập trở lại ở phần 2 bằng cách loại bỏ những dấu ngoặc đơn ấy và chú tâm tới nguồn gốc sinh thành thường nghiệm của chúng”, và cuối cùng “lại tiếp tục được đề cập một lần nữa ở phần 3 trên bình diện ý thức chủ quan”. Phần 2 trình bày quan niệm của Berger và Luckmann về bộ môn xã hội học nhận thức; còn phần 3 thì “ứng dụng quan niệm này vào bình diện ý thức chủ quan, và từ đó xây dựng một chiếc cầu lý thuyết nối đến các vấn đề của ngành tâm lý học xã hội”.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x